Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Bảo tàng di sản vô giá của Réhahn

200 bức ảnh đặc sắc nhất trong cuộc hành trình khám phá vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam, những câu chuyện thú vị cùng những hiện vật, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn ghi lại và trưng bày tại căn nhà cổ số 26 Phan Bội Châu (TP Hội An) mà anh gọi đó là Bảo tàng Di sản vô giá.
1 266048

Bảo tàng Di sản vô giá của Réhahn.

Di sản vô giá giữa lòng phố cổ

Nhiều du khách khi ngang qua số 26 đường Phan Bội Châu, TP Hội An (Quảng Nam) bị lôi cuốn bởi không gian Di sản vô giá. Ngôi nhà cổ 2 tầng, tầng 1 tác giả trưng bày 200 bức ảnh đặc sắc về vẻ đẹp con người, trong đó chủ đạo là tác phẩm về phụ nữ Việt - những người mẹ, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số. Phần thứ 2 là bộ sưu tập hình ảnh Di sản quý giá trưng bày 35 bộ trang phục truyền thống, câu chuyện và các hiện vật liên quan đến đời sống và văn hóa của các dân tộc Việt dọc 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Tại sao với anh đó là những di sản vô giá? - tôi hỏi. Réhahn chia sẻ, cuộc sống hiện đại khiến con người đang chạy theo những giá trị mới thiên về vật chất mà đôi khi quên mất đi những nét văn hóa truyền thống. Có những giá trị về văn hóa đang bị mai một dần. Và hành trình tìm kiếm để có được những bức ảnh và trang phục truyền thống trong bảo tàng này cũng không phải điều dễ dàng.

Réhahn cho biết đó là thành quả 5 năm tìm tòi và kể lại những câu chuyện của 54 dân tộc Việt Nam. Những trải nghiệm thú vị nhưng cũng không kém phần vất vả. Những chuyến băng rừng vượt suối đến vùng sâu vùng xa nơi có những tộc người thiểu số tại Việt Nam sinh sống. Cuộc chuyện trò với nhiều bất ngờ khi tìm hiểu văn hóa truyền thống của họ…

“Tôi cảm thấy mình bị thu hút bởi những người già trong cộng đồng và những câu chuyện mê hoặc đầy thú vị của họ. Khi nhớ lại những câu chuyện trong quá khứ hoặc khi khoác lên những bộ trang phục dân tộc tôi thấy họ như toát lên vẻ tự hào mà tôi chưa từng thấy trước đây. Những câu chuyện đó vẫn còn tiếp tục truyền cảm hứng cho tôi đến tận hôm nay” - nhiếp ảnh gia người Pháp chia sẻ.

Một trong những chuyến đi nhiều ấn tượng nhất là chuyến thực tế về làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) để tìm hiểu văn hóa của người Rơ Mâm. “Mất 3 năm tôi mới có thể tiếp cận được. Đây là một trong 3 tộc người có số lượng người ít nhất tại Việt Nam với khoảng 400 người. Những bộ đồ truyền thống của họ cũng còn rất ít, cả làng chỉ có 12 bộ nên khi tôi hỏi mua họ đều từ chối. Tôi tìm đến vị trưởng làng nói về dự án của mình, ông rất ngạc nhiên và tỏ vẻ mến mộ nên tặng tôi một trong số 12 bộ đồ truyền thống quý giá còn lại” - Réhahn chia sẻ.

Trong Bảo tàng Di sản quý giá của mình, ngoài những bức ảnh và hiện vật, Réhahn đưa những câu chuyện, thông tin của từng dân tộc được viết bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp.

Bà Rosemary - du khách người Anh, tỏ ra hào hứng với những bức ảnh và hiện vật được trưng bày tại đây. Bà cho hay đây là lần đầu tiên đến Việt Nam nhưng cũng không có nhiều thời gian để ở lại đây và tìm hiểu hết. “Nơi đây đã cho tôi hiểu thêm rất nhiều về Việt Nam mà có khi những cẩm nang du lịch không có” - bà nói.

2 234703

Réhahn và những bức ảnh kỷ niệm chụp cùng với nhân vật trong những chuyến đi.

Ở lại Việt Nam

Réhahn vừa trải qua cái Tết thứ 5 tại Việt Nam. Với anh, một năm “quay cuồng” với công việc thì Tết chính là dịp để mọi người nghỉ ngơi và sum họp. Nhìn hình ảnh người người trong bộ đồ mới và trao nhau nụ cười khiến cuộc sống trở nên tươi đẹp, nhẹ nhàng hơn.

Việt Nam là nơi đã cho anh nhiều trải nghiệm thú vị, thậm chí tác động sâu sắc đến cuộc sống, suy nghĩ của mình. Anh bộc bạch lòng mình với tất cả những vị khách đến với bảo tàng rằng lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 2011 tôi hoàn toàn không nghĩ rằng mảnh đất này sẽ tác động sâu sắc với tôi đến nhường nào. Tôi vốn yêu thích nhiếp ảnh, nhưng khi bắt đầu chụp đất nước và con người Việt Nam có điều gì đó trong tôi đã thay đổi.

Khi tôi học được thêm một vài từ tiếng Việt tôi cảm thấy mình bị thu hút bởi những người già trong cộng đồng và những câu chuyện mê hoặc đầy thú vị của họ. Những câu chuyện đó vẫn còn tiếp tục truyền cảm hứng cho tôi đến tận hôm nay.

Không ai có thể phủ nhận Việt Nam là một trong những dân tộc có sức thích nghi mạnh mẽ nhất. Khả năng thích nghi theo môi trường sống và sự thay đổi của thời gian và là thứ mà ai cũng phải thán phục. Việt Nam là quốc gia đa dạng về văn hóa và luôn thể hiện điều này bằng nhiều cách.

Cũng vì yêu mến càng thôi thúc tìm hiểu về vùng đất này. Những xúc cảm khó diễn tả, trong đó có cả những lo âu, đáu đáu về nét văn hóa đang có nguy cơ mai một. Một vài tộc người thiểu số Việt Nam đang suy giảm một cách nhanh chóng. Sự hòa nhập của cuộc sống hiện đại đã tạo nên nhiều ảnh hưởng đến nhóm dân tộc này theo cách mọi người không lường trước. Những người trẻ dời bỏ làng quê lên đô thị làm việc, tự tạo nên cuộc sống của riêng mình, bỏ lại sau lưng những di sản có nguy cơ biến mất mãi mãi. “Ước muốn của tôi là bạn bè sẽ tìm thấy niềm vui sướng khi tìm hiểu về các dân tộc và hành trình này sẽ làm sáng tỏ nhiều kho báu về văn hóa của Việt Nam” - Réhahn chia sẻ.

Ngay tại buổi khai trương bảo tàng ngày 17/1/2017, đông đảo du khách đã đến và ấn tượng vối bảo tàng mini này. Bà Eva Nguyễn Thị Bình - tham tán Hợp tác và hoạt động văn hóa, Giám đốc Viện Pháp thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cũng thốt lên rằng bà thực sự rất ấn tượng với cách mà Réhahn đang tôn vinh văn hóa Việt Nam, làm nhịp cầu nối văn hóa Việt - Pháp và kết nối văn hóa Việt Nam lan tỏa rộng rãi với thế giới. Tuy nhiên, Réhahn chia sẻ tất cả những gì đang trưng bày tại bảo tàng là chưa đủ. Thời gian tới anh dự định sẽ đi và tìm hiểu 9 dân tộc còn lại để hoàn chỉnh bảo tàng, đồng thời đi sâu tìm hiểu đặc sắc của từng dân tộc mà với anh vẫn mãi là những ẩn số thú vị.

Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An, nhận xét Réhahn là một người đặc biệt và cách mà anh đang đóng góp cho lưu giữ văn hóa truyền thống Việt cũng độc đáo. “Đô thị cổ Hội An-vùng đất mở đã từng là nơi giao lưu, giao thoa văn hóa thế giới từ lâu đời. Nhà trưng bày ảnh nghệ thuật về đất nước Việt Nam, về Hội An của một nghệ sỹ nhiếp ảnh nổi tiếng người Pháp lại ra đời tại đây thực sự ý nghĩa, như một thông điệp để gửi đến bạn bè rằng Hội An ngày càng khẳng định là nơi hội nhân, hội thủy, hội văn-hội tụ văn hóa bốn phương”.

Nhiếp ảnh gia Réhahn sinh ra và lớn lên tại Normandy (Pháp). Là người yêu du lịch, anh từng đến 35 quốc gia trước khi quyết định sống tại Hội An năm 2011. Réhahn nổi tiếng thông qua các bức ảnh chân dung của anh tại Việt Nam, Cu Ba và Ấn Độ. Truyền thông vẫn hay gọi anh bằng cái tên mĩ miều “người lưu giữ linh hồn nhân vật”.

Réhahn hợp tác với nhiều kênh truyền hình quốc tế nổi tiếng như National Geographic và Travel Live để sử dụng hình ảnh của Réhahn thường xuyên. Năm 2014 Réhahn xuất bản cuốn sách Tranh Việt Nam - những mảnh ghép tương phảnbao gồm 150 bức ảnh của anh về vẻ đẹp và sự đa dạng của Việt Nam, cuốn sách được bán tại 29 quốc gia. Réhahn cũng thường xuyên cập nhật và đăng tải những tác phẩm của mình trên mạng xã hội, fanpage của anh thu hút hơn 410.000 người theo dõi…

Hoài Văn

Nguồn tin: www.tienphong.vn