Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Nghề truyền thống ở Hội An - Những giai đoạn lịch sử

Ở Hội An có khoảng 51 nghề truyền thống, những nghề này có niên đại hình thành gắn với từng giai đoạn lịch sử khác nhau của Hội An.
Mỗi nghề có những đặc điểm, vai trò khác nhau trong đời sống kinh tế, văn hóa Hội An nhưng một điểm chung là các nghề, nhóm nghề có sự ra đời hoặc mất đi, mai một từ những bối cảnh lịch sử riêng biệt. Nhân đây, chúng tôi xin tập trung khái quát về những giai đoạn lịch sử hình thành nghề truyền thống Hội An từ tư liệu và thực địa.
          Hội An nằm ở nơi hợp lưu của ba con sông Thu Bồn, Đế Võng, Trường Giang, gần đường Thiên lý nên trở thành địa điểm hội tụ hàng hóa của vùng Quảng Nam xưa. Với ưu thế vị trí này, từ thế kỷ XVII, XVIII Hội An trở thành một điểm trung chuyển quan trọng trên con đường hàng hải trải dài từ Nhật Bản đến vùng Đông Nam Á. Về địa hình Hội An khá phong phú bao gồm núi - đảo, biển - sông; hồ - đầm, cồn - bàu, đồng bằng - bãi cát. Đây là cơ sở ra đời các nhóm nghề: Khai thác lâm sản, đánh bắt thủy hải sản, nông nghiệp.
Về dân cư, Hội An là nơi tụ cư khá liên tục của cư dân qua các thời kỳ Tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh, Champa. Đến thời Đại Việt, vào cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, sau khi vua Lê Thánh Tông đặt ra Dinh trấn Quảng Nam, cộng đồng cư dân Bắc Bộ, Bắc Trung bộ vào Quảng Nam lập nghiệp, trong đó có Hội An. Từ đây và qua tư liệu văn tự cho thấy nghề truyền thống Hội An nhất là nông nghiệp được hình thành khá sớm gắn liền với lịch sử hình thành các cộng đồng dân cư Việt. Trong gia phả tộc Nguyễn Viết làng Đế Võng ghi “tiền hiền Đế Võng cụ Nguyễn Viết, người gốc Nghệ An, đời nhà Lê theo quân lính xuống phía Nam tới Quảng Nam. Thấy có những con sông chiếm lấy trưng khai làm ruộng  nước...”. Bia mộ Tổ tộc Lê - một trong các tộc tiền hiền làng Cẩm Phô viết “... Cụ khai khẩn mấy trăm mẫu đất ruộng, phía Đông, phía Tây có sông bao bọc thành một làng tuyệt đẹp ”.
Và theo tư liệu điều tra dân gian, vào đầu thế kỷ XVI, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà được hình thành, bắt đầu phát triển. Đồng thời, người Hội An cũng sớm thích ứng với vùng đất có “cơ duyên” hội tụ để buôn bán, biến Hội An trở thành “một thành phố có tường bao quanh… có 40 chiếc thuyền buồm lớn”.
Từ năm 1558, Nguyễn Hoàng vào cai quản vùng Thuận - Quảng, ông và các hậu duệ đã thực thi chính sách an dân, khuyến khích giao thương với nước ngoài. Do vậy, vào thế kỷ XVII, XVIII, Hội An có nhiều thương nhân Nhật, Hoa, lưu trú, buôn bán, thương thuyền Anh, Bồ Đồ Nha thường xuyên cập bến trao đổi hàng hóa và Hội An đã là “một mã đầu lớn, nơi tập họp của khách hàng các nước”. Từ đây, đã có nhiều nghề mới đặc biệt là thủ công, dịch vụ, chế biến ở các làng ra đời đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Ngoài ra, thời này, có làng Xuân Mỹ (nay thuộc phường Thanh Hà) làm đồ sừng, làng Trà Quế chuyên trồng rau, làng Mậu Tài(nay thuộc phường Sơn Phong) làm thau thiếc ra đời. Trong khi đó, ở Cẩm Phô, Minh Hương, Hội An nghề buôn bán, dịch vụ, gia công lâm thổ sản phát triển mạnh. Thanh Hà, Cẩm Phô, Thanh Châu lại có thêm nghề buôn ghe bầu. Ngoài buôn bán, đông đảo dân làng Minh Hương làm thợ trong các nghề thủ công quan trọng như đóng thuyền, đúc đồng, kim hoàn, làm muối.... Cùng thời này, đông y, buôn dược phẩm đã phát triển. Đặc biệt, người dân Thanh Châu cũng đã kế thừa người Chăm khai thác yến để dâng nộp cho chúa Nguyễn và xuất khẩu.
       
           Bước sang thế kỷ XIX, Hội An không còn là cảng thị quốc tế nhưng vẫn là một điểm trung chuyển hàng hóa nội địa và cả với Trung Quốc vì vậy các ngành nghề  buôn ghe bầu, dịch vụ, gia công vẫn được phát triển. Đến khi Hội An là trung tâm hành chính của Pháp ở Quảng Nam vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX thì Hội An lại trở thành một trong những cửa ngõ tiếp thu kỹ nghệ phương Tây, cụ thể là các xưởng rượu Sica, cơ sở làm xà phòng, tiệm chụp ảnh, sửa xe máy.... và một vài Bác sĩ Tây y đã xuất hiện từ những năm 1930 trở về trước.
          Hội An trong nửa cuối thế kỷ XX có một thời gian nằm trong chiến tranh, điều này tác động đến sự tồn vong của nhiều nghề truyền thống. Trong chiến tranh, phương tiện ghe bầu bị giặc đốt phá, các nghề gia công lâm thổ sản cũng bị thu hẹp vì không có điều kiện vận chuyển sản phẩm để tiêu thụ. Ngoài ra, còn do phương thức sản xuất lạc hậu, giá trị sản phẩm không còn phù hợp với yêu cầu hiện đại đã khiến cho nhiều nghề như nghề làm đồ sừng, ép dầu... bị mai một hoặc bị thu hẹp thị trường tiêu thụ, qui mô sản xuất như nghề gốm, rèn, đan, gia công lâm thổ sản... Tuy nhiên, cũng có nhiều nghề lại có cơ hội phát triển trong thời kinh tế bao cấp hay trong thời kỳ Đổi mới, du lịch phát triển hiện nay là nghề mộc mỹ nghệ, nghề may, thêu, giày dép do người thợ đã chủ động cải tiến mẫu mã đa dạng, gia công trong theo dây chuyền khép kín, rút ngắn thời gian giao dịch, giao hàng.
          Qua những tư liệu kể trên, có thể khái quát lại các giai đoạn lịch sử của nghề truyền thống Hội An là:
            - Cuối thế kỷ XV- XVI là thời kỳ đầu hình thành cộng đồng dân cư Việt ở Hội An. Người dân Hội An đã dựa vào vị trí ven sông, gần biển, phát huy nghề nghiệp ở cố hương, lập ra các làng nông - ngư nghiệp, làm ra lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống ban đầu đồng thời có một số nghề thủ công (gốm, mộc, nề...) phục vụ nhu cầu gia dụng, hỗ trợ nông, ngư nghiệp đã ra đời.
                           
          - Thế kỷ XVII, XVIII là thời kỳ thương cảng Hội An phồn thịnh, giao lưu văn hóa với người Hoa, Nhật, phương Tây. Đã có một số nghề, làng nghề, xóm nghề thủ công phát triển và hình thành các nghề, làng nghề dịch vụ, thương mại, chế biến, gia công phục vụ nhu cầu giao lưu thương mại.
          - Thế kỷ XIX là lúc Hội An mất đi vai trò cảng thị quốc tế, quốc gia. Trong lúc này các nghề dịch vụ, buôn bán suy yếu.
          - Nửa đầu thế kỷ XX là thời kỳ Pháp đô hộ và phổ biến mạnh kỹ nghệ phương Tây, đã hình thành, phát triển các nghề kỹ thuật, chế biến, tri thức hiện đại.
          - Nửa cuối thế kỷ XX Công nghệ sản xuất hiện đại phát triển ở Việt Nam Nhiều ngành nghề truyền thống bị mai một, suy thoái.
          Nhìn nhận các giai đoạn lịch sử phát triển của nghề truyền thống Hội An nhằm bổ sung tư liệu để thấy rõ phản ánh và tác động tương hỗ giữa lịch sử văn hóa, kinh tế với lịch sử nghề truyền thống Hội An, qua đó cung thêm những tư liệu tham khảo cho các nhà làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hội An.

Tác giả bài viết: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: CAĐN