Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Hướng dẫn dựng cây nêu

Nhằm góp phần phục hồi và tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống trong tục dựng cây nêu của dân tộc nói chung, ở địa phương Hội An nói riêng nhân dịp tết Nguyên Đán, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An có một số gợi ý hướng dẫn dựng nêu như sau:
1. Vật liệu:
- Cây dùng làm cây nêu: Cây tre già, cao, to, thẳng, lóng tre đều và không cụt ngọt. Trên ngọn để nguyên chùm lá tươi.
          - Dây giằng: 3 dây giằng được làm bằng dây thừng đủ độ bền để giữ cây nêu.
          - Cọc: Cọc tre hoặc cọc sắt đủ độ chắc để buộc dây giằng chân cây nêu.
          Ngoài ra còn có các vật liệu khác dùng để trang trí cây nêu.
          2. Trang trí:
          - Cờ: Cờ hội vuông cỡ lớn treo bên dưới chùm lá tre.
          - Lồng đèn: Trang trí trên đỉnh cây nêu để tạo màu sắc, nhất là về đêm (thắp đèn điện)
          - Lá phướn: Ngày xưa làm bằng giấy, bên trên viết tên các vị thần chủ quản trong năm được thiên đình phái xuống như Hành Khiến, Hành Binh, Thái Tuế... Ngày nay lá phướn được làm bằng vải màu đỏ, bên trên viết các câu chữ mang ý nghĩa chúc mừng năm mới. Nội dung câu chữ trên lá phướn có thể sử dụng các câu sau: “Cung chúc tân xuân, cát tường như ý”, “Cung chúc tân xuân, vạn sự như ý”, “Cung chúc tân xuân, quốc thái dân an, phong điều vũ thuận”, “Chúc mừng năm mới”... Khuyến khích sử dụng câu chữ theo kiểu truyền thống. Lá phướn được treo cùng vị trí với cờ hội buông xuống bên dưới.
          - Dụng cụ tạo âm thanh: Lệ xưa treo chuông đất, khánh sành. Nay có thể thay thế bằng chuông gió. Dụng cụ tạo âm thanh treo phía dưới chùm lá tre.
          - Vật mang ý nghĩa tín ngưỡng: Một nhành lá đa, lá dứa hay nhánh xương rồng. Hoặc một giỏ nhỏ được đan bằng tre, bên trong bỏ các loại vàng mã, gạo muối, trầu cau... và một tấm vỉ hình ô vuông được đan bằng nan tre gồm 4 nan dọc và 5 nan ngang tượng trưng cho “Tứ tung ngũ hoành”. Những đồ vật này treo phía dưới chùm lá tre.
          - Trang trí trên dây giằng: Xuân liên và cờ xéo loại nhỏ nhiều màu hoặc các hình thức trang trí khác phù hợp.
          - Trang trí xung quanh gốc nêu:
+ Trang trí câu đối xuân, hình ảnh bánh trái ngày tết.
+ Bột vôi màu trắng rắc dưới đất tạo thành vòng tròn quanh gốc nêu hoặc rắc hình cánh cung, mũi tên hướng ra phía cổng.
Ngoài ra, nếu có không gian, có thể kết hợp trang trí liễn đối, hoa - cây cảnh, cờ phướn để tạo cảnh quan cho khu vực.
          3. Thời gian, lễ cúng dựng và hạ cây nêu:
          - Dựng cây nêu:
+ Trước đây ở miền Bắc, người dân thường dựng cây nêu vào ngày 23 tháng chạp vì cho rằng từ ngày này vắng bóng Táo Quân nên ma quỹ thường quấy nhiễu. Tại Đàng Trong, theo Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, cư dân thường dựng cây nêu vào ngày cuối năm.
                   + Lễ cúng: Cúng đất đai và thổ thần. Lễ vật gồm con gà trống tơ, hương đèn, hoa quả, kim ngân.
          - Hạ cây nêu:
+ Vào ngày mồng 7 tháng giêng (ngày Khai Hạ).
                   + Lễ vật cúng gồm con gà trống tơ, hương đèn, hoa quả, kim ngân.
          Trên đây là một số gợi ý về dựng cây nêu nhân dịp tết Nguyên Đán Nhâm Thìn - 2012. Vậy, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An thông báo để các chủ di tích, đơn vị tham khảo thực hiện.    

Nguồn tin: CAĐN