Di sản phố
- Chủ nhật - 22/01/2012 07:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xứ Quảng còn thấy vài dấu vết kiến trúc tại bờ sông ở chung quanh chợ Tam Kỳ. Xa hơn, vào Quảng Ngãi, nơi dòng sông Vệ gặp biển, ta lại bắt gặp nhưng ngôi nhà gỗ xưa ở phố thị Thu Xà. Như vậy, dạo qua vài tỉnh thành miền Trung đã bắt gặp nhiều công trình vừa là nhà ở vừa cửa hàng buôn bán, hội quán, nhà thờ, chùa, miếu… của những lưu dân Hoa kiều (thường gọi là người Minh Hương).
Mưa trên phố Hội. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN |
Tôi có vài lần về thăm Hội An cùng kiến trúc sư người Ba Lan - Kazik, người trực tiếp chỉ huy trùng tu những ngôi tháp Chăm ở miền Trung. Trong những năm 1985-1988, Kazik và những người bạn Ba Lan đã quan tâm đến các kiến trúc cổ ở thị xã yên ắng này. Lúc ấy, phố rất vắng. Nhưng chính cái vẻ buồn tênh và trầm lắng ấy, trong con mắt tinh tường của Kazik, đã cho thấy sự may mắn khi giữ đầy đủ hạ tầng xây dựng của từ những thế kỷ trước với một đô thị cổ đóng vai trò mậu dịch quốc tế qua cảng thị. Chính không gian kiến trúc truyền thống của phương Đông xưa đã hút hồn một người phương Tây như Kazik. Sau đó, qua những phát hiện khảo cổ học, Hội An càng hấp dẫn các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, nhất là du khách.
Phố cổ Hội An mà chúng ta biết hôm nay đã hình thành với nhiều cư dân như Hoa, Nhật, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…, cả người Pháp sau này. Trong đó, người Hoa mang nhiều dấu ấn nhất, rõ nét là kiến trúc bằng khung gỗ có nguồn gốc từ vùng phía Nam Trung Quốc do những Hoa kiều lấy mẫu từ các lưu dân Ngũ Bang (Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam, Triều Châu và Gia Ứng.) Nếu đi tìm yếu tố kiến trúc của Hoa và Việt trong những ngôi nhà cổ ở phố cổ, chúng ta có thể phân biệt. Nhưng đi tìm cái tính cách Việt (nôm na là hồn Việt) thì thật không dễ, khá trừu tượng nếu không muốn nói là sẽ bị ngộ nhận. Điều cảm nhận rõ nhất: Sự hòa hợp của các Hoa kiều với người bản địa qua bao đời.
2.Với người đã làm công tác bảo tồn, tôi nghĩ, cái lớn nhất, chung nhất và mang ý nghĩa bền vững là phải gìn giữ không gian vốn có, tức cái đặc trưng mà không nơi nào có hoặc tái hiện được. Nhiều người chỉ nghĩ đơn giản đây là phố với những kiến trúc cổ bằng gỗ, chỉ cần phục dựng và đón khách tham quan là xong. Một câu chuyện ngắn xảy đến với tôi, nhân triển lãm tranh cá nhân của tôi tại Huế năm1990. Khi đó, bà bác sĩ người Hà Lan thích bức tranh lụa tôi vẽ những con thuyền nan trên sông Hương, đã ngạc nhiên nói rằng: Tại sao hôm nay vẫn còn thành phố của thế kỷ thứ XIX… Bà thốt lên tên của bài nhạc nổi tiếng của Beatles, “Let’s it be” (tạm dịch là “cứ để như rứa”) khi thấy tôi có ý muốn thêm vài cánh buồm của châu Âu vào.
Vì vậy, hôm nay trên sông Hoài nếu muốn lắp dựng thêm đèn trang trí mang hình tượng cá (cá hóa rồng), đèn thiên nga… cũng phải cẩn trọng. Bởi giá trị của di sản chính là không gian xưa cũ, dẫu thô mộc. Một điều ai cũng nhận thấy trong công việc tu bổ di tích: càng giữ tính nguyên gốc thì càng bảo tồn chân xác và nâng cao giá trị của di sản. Người phương Tây có câu: “Cái gì không phải gỗ thì đừng cố giả gỗ”. Mọi thứ tôn tạo, dẫn đến tân tạo làm biến thể không nên có trong các giải pháp bảo tồn. Hãy luôn nhớ rằng ngôi nhà là do con người làm ra, nhà là vấn đề nhân học qua các thời kỳ, vì vậy sự tái hiện hoặc chỉ mô phỏng (như khu phố cổ Hội An) cũng cần xét đến yếu tố con người hòa hợp với không gian xưa. Và vì vậy, như có người đã cảnh báo, đôi khi cái văn minh đã làm mất đi cái văn hóa.