Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Di sản Hội An qua ảnh xưa

Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa đã thu nhập được hàng ngàn bức ảnh xưa thể hiện được diện mạo của Hội An xưa, từ cảnh phố xá, công trình kiến trúc đến cách ăn mặc, sinh hoạt của người Hội An vào nhiều thế kỷ trước đây.
Trong lịch sử, Hội An từng là một thương cảng quốc tế, nơi mà các thương nhân nhiều nước trên thế giới đều biết đến với những tên gọi khác nhau như Hải Phố, Faifo, Hội An,... Cũng trong thời kỳ đó nhiều thương nhân từ các nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Hà Lan, Pháp, Bồ Đào Nha... đã đến Hội An để giao thương buôn bán. Cùng với cư dân Hội An bản địa thương nhân các nước đã tạo dựng không ít các công trình kiến trúc từ nhà cửa đến đền đài, miếu mạo. Bên cạnh đó, họ còn để lại một di sản văn hóa phi vật thể hết sức phong phú, đa dạng đó là những phong tục - tập quán; lễ lệ - lễ hội; các loại hình sinh hoạt vui chơi giải trí; các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian; các làng nghề truyền thống và quan trọng hơn là người Hội An với những đặc trưng về tính cách vừa riêng - vừa chung, vừa bình dị - vừa tương đồng… Tất cả những giá trị quý giá đó được lưu giữ lại qua nhiều dạng “tư liệutrong đó ảnh xưa là một trong những dạng tư liệu khá quan trọng.
          Qua quá trình sưu tầm trong nhiều năm, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa đã thu nhập được hàng ngàn bức ảnh xưa thể hiện được diện mạo của Hội An xưa, từ cảnh phố xá, công trình kiến trúc đến cách ăn mặc, sinh hoạt của người Hội An vào nhiều thế kỷ trước đây. Chúng tôi đã tìm thấy được tấm ảnh về cảnh quan bến sông Hội An lúc chưa bồi lấp, có vị trí nằm gần sát đường Trần Phú hiện nay; rồi ảnh ngôi chợ Hội An xưa vẫn còn nhiều mái nhà tranh. Những bức ảnh của dòng họ Chaya - Nhật Bản vẽ về các thương điếm của người Nhật Bản xưa đến buôn bán, sinh sống tại Hội An. Hay bức tranh của John Barrow - người Anh vẽ về cảnh thuyền buôn tấp nập cập cảng Hội An, từ đó phần nào cho thấy được diện mạo của một thương cảng quốc tế vào thế kỷ XVIII... Đặc biệt chúng tôi đã tiếp cận được hàng trăm bức ảnh về Hội An trong thập niên từ 20 đến 60 của thế kỷ XX và hàng ngàn phim âm bản của các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp ở Hội An, trong đó các địa chỉ quan trọng như: Thiên Chơn Các là hiệu ảnh đầu tiên ở Hội An có từ năm 1912, Vĩnh Tân, Lệ Ảnh, Huỳnh Sau, Huỳnh Sỏ, Hứa Văn Bân, Trương Trừng... được lưu giữ khá tốt. Đó là những bức ảnh về những cuộc hội chợ đấu xảo trong thời kỳ Pháp thuộc; Hình ảnh vua Bảo Đại tuần du đến Hội An, thăm Trung Hoa hội quán, thăm bệnh viện Hội An… rồi ảnh về người Hội An đương thời với trang phục áo dài, nón lá của những người phụ nữ Việt Nam, hay áo sườn xám của các thiếu nữ người Hoa; rồi những người đàn ông mặc áo dài khăn đóng hoặc mặc âu phục tân thời; hay cảnh những con đường nhỏ hẹp, cong cong, yên bình, hoang vắng...; cảnh những di tích rêu phong trải qua bao năm tháng; cảnh bến sông với những con đò cũ kỹ; cảnh những con người chân lấm tay bùn canh tác trên từng thửa ruộng, cánh đồng; hay những phiên chợ Tết sầm uất; những gánh hàng rong; những món ăn dân dã; những trận lụt ngập cả khu phố; những cảnh sinh hoạt đời thường của người dân, hiện nay nhìn lại có người đã về nơi thiên cổ. Thậm chí có những người còn sống hiện đã tám mươi chín mươi tuổi nhìn lại chẳng nhận ra mình lúc còn niên thiếu. Chưa kể nhiều di tích danh tiếng mà nay đã mất đi dấu tích như chùa Bà Mụ, miếu Hội Đồng, Cây Thông Một... Chính những bức ảnh xưa này là nguồn tư liệu quý giá mà nhờ váo đó trong nhiều năm qua Hội An có cơ sở phục dựng, tu bổ nhiều di tích, phục hồi nhiều lễ hội truyền thống của địa phương… góp phần rất lớn vào việc bảo tồn tốt giá trị của đô thị cổ Hội An.
          Nơi phố cổ Hội An, các di tích vốn có diện mạo riêng, từ mặt tiền ngôi nhà, từng chi tiết kiến trúc, cách bày trí gian thờ, cách sắp xếp vật dụng, nơi sinh hoạt của gia đình, dòng họ bao đời sống trong ngôi nhà, rồi những lễ nghi họ còn duy trì, hay trang mà phục họ thường mặc... Tất cả các điều đó chứa đựng biết bao giá trị quý liên quan đến di sản Hội An mà chúng ta cần phải tìm hiểu để bảo tồn và khai thác. Để bảo tồn vốn quý này, trong nhiều năm qua, chúng tôi đã tìm đến các gia đình sưu tầm từng tấm ảnh còn sót lại. Đại đa số đều là ảnh trắng đen khổ nhỏ nhưng chất lượng giấy rất tốt, trong đó nhiều tấm ảnh đã bị trầy xướt quá nhiều không rõ hình. Phần lớn ảnh còn lưu giữ trong các gia đình là chân dung của gia đình, nghi lễ liên quan đến phong tục tập quan, tôn giáo tín ngưỡng như đám tang, đám cưới, cảnh chùa chiềng... Những tấm ảnh chân dung góp phần phản ánh đời sống sinh hoạt của người Hội An trong những năm đầu đến giữa thế kỷ 20 như gương mặt của người phụ nữ Hội An xưa với trang phục áo dài và kiểu tóc bới cao rất đẹp, rất sang trọng. Những tấm ảnh sinh hoạt gia đình cho thấy sự đầm ấm của nhiều thế hệ sống trong cùng một mái nhà...
          Ngoài ra, nhiều bức ảnh về đấu tranh cách mạng của quân và dân Hội An cũng đã được sưu tầm. Thông quan những bức ảnh này chúng ta có thể phần nào hình dung được tinh thần đấu tranh cách mạng của quân và dân Hội An trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước; phản ánh được sự tàn phá của hai cuộc chiến đã gây bao đau thương chết chóc cho người dân Hội An; với những bức ảnh về tòa công sứ Pháp nguy nga đồ sộ tại Hội An; ảnh “Cây Thông Một” một địa chỉ gắn liền với sự kiện thành lập Đảng bộ Quảng Nam, rồi những bức ảnh “một tấc không đi, một ly không rời” phản ánh tinh thần giữ vườn bám đất chống lại sự dồn dân của quân địch, hay ảnh xe tăng Mỹ càn quét ở Cẩm An, ảnh du kích xã Cẩm An bắt sống sĩ quan Mỹ, ảnh nhân dân Mitting chào mừng Hội An được giải phóng năm 1975... Và không xa lắm, những năm sau này đất nước được giải phóng, hàng trăm bức ảnh phản ánh đời sống sinh hoạt của người dân Hội An trên con đường xây dựng lại đất nước, quê hương đã được sưu tầm góp phần làm sáng tỏ các giai đoạn lịch sử của địa phương.
          Điều đáng lưu ý là trong những năm gần đây hầu hết những hình ảnh quý giá của gia đình đã bị thất thoát, hư hỏng vì các trận lũ lụt lớn hàng năm hoặc do cách bảo quản chưa đúng phương pháp. Đây là những điều đặt ra cần đáng quan tâm cho những người làm công tác bảo tồn và những người yêu nghệ thuật… Vài năm gần đây để phát huy giá trị của hệ thống ảnh xưa của Hội An, Thành phố đã tổ chức một số cuộc trưng bày, triển lãm về ảnh xưa trong các dịp lễ hội như triển lãm ảnh Vĩnh Tân với chủ đề “Hội An - ký ức thời gian”, “ảnh Vĩnh Tân với Hội An” và nhiều cuộc trưng bày, triển lãm khác tại sân bảo tàng Hội An. Những cuộc trưng bày đã thu hút đông đảo quần chúng cư dân địa phương mà cả du khách trong nước và quốc tế. Thông qua đó còn có nhiều gia đình đã tự nguyện hiến tặng nhiều ảnh cũ mà gia đình gìn giữ bấy lâu. Đặc biệt, từ những hình ảnh xưa, Hội An đã tham khảo phục hồi thành công “đêm phố cổ” tái hiện lại đêm Hội An vào những năm đầu thế kỷ XX. Sự thành công của việc làm này không chỉ phục vụ cho công tác bảo tồn mà còn là một sản phẩm du lịch  độc đáo của Hội An. Cũng từ những tấm ảnh xưa này đã tạo nguồn tư liệu, nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế, tạo mẫu thời trang như Minh Hạnh, YaLy… đã phục hồi, kế thừa sáng tạo nhiều bộ thời trang lạ, đẹp. Những bộ trang phục này đã từng được tổ chức trình diễn thời trang trong các dịp lễ hội lớn ở Hội An, cũng như nhiều địa phương trong nước và hải ngoại.
          Từ đó cho chúng ta thấy rằng hiện tại, Hội An đang lưu giữ một di sản ảnh hết sức phong phú, đa dạng góp phần làm nên nét độc đáo, quyến rũ của di sản đô thị cổ. Do đó, nơi đây hoàn toàn có tiềm năng, nhu cầu chính đáng và sự cần thiết để thành lập Bảo tàng Nhiếp ảnh trong hệ thống các bảo tàng chuyên đề, không chỉ để phục vụ khách tham quan du lịch, học tập, nghiên cứu, mà thông qua đó còn tạo điều kiện để mọi người tìm hiểu, trao đổi, giao lưu về nghệ thuật nhiếp ảnh./.

Tác giả bài viết: Tống Quốc Hưng

Nguồn tin: CAĐN