Dấu ấn văn hóa Nhật Bản trong lòng Di sản Hội An
- Thứ bảy - 31/08/2013 09:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trở lại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vào những ngày diễn ra lễ hội “Giao lưu văn hóa Hội An-Nhật Bản”, ông Gusoku Takeshi, cháu nội đời thứ 21 của thương gia Banjiro không quên dành thời gian đến viếng hương tại ngôi mộ của cụ tổ. Phần mộ của thương gia Banjiro yên nghỉ ngay trong khu vườn của gia đình ông Nguyễn Nước, thôn Trường Lệ, phường Cẩm Châu, thành phố Hội An. Gần 400 năm trôi quan nhưng phần mộ thương gia Banjiro vẫn nguyên vẹn với các bia đá khắc chìm tên người đã khuất và một số thông tin bằng tiếng Nhật.
Ngày nào, mẹ con ông Nguyễn Nước cũng ra thắp hương ở phần mộ thương gia Banjro |
Ông Gusoku Takeshi không giấu nỗi xúc động khi biết rằng, hằng ngày gia đình ông Nguyễn Nước vẫn đều đặn hương khói cho cụ tổ trong dòng tộc mình: “Tôi đến thăm ngôi mộ của tổ tiên tôi 400 năm trước, ở đây tôi đã gặp hai người, hai ông bà lão già rồi nhưng họ luôn luôn dọn dẹp ngôi mộ cho tổ tiên của tôi lúc nào cũng sạch sẽ. Tôi cảm thấy trân trọng và cảm tạ họ vô cùng. Ngoài ra, tôi cũng nghe kể là mỗi lễ, tết người dân Hội An cũng đến viếng ngôi mộ của tổ tiên chúng tôi, điều đó làm cho tôi cảm thấy ấm lòng”.
Nằm cách ngôi mộ của thương gia Banjiro hơn 1 km là ngôi mộ của thương gia Tani Yajirobei. Vị trí đặt ngôi mộ thoáng đãng, nằm giữa cánh đồng, tả hữu phân minh, chiếm lĩnh nhiều điểm tốt trong luật phong thủy. Phía tả có 4 tấm bia đá ghi cùng một nội dung bằng bốn thứ tiếng Việt, Nhật, Pháp, Anh: “Ông đã tìm mọi cách để sống với người yêu của mình là một cô gái người Hội An đến khi từ biệt cõi đời”. Phần mộ của thương gia Tani Yajirobei được chính quyền xã Cẩm Châu giao cho ông Trần Văn Hà trông coi, hương khói. Ngày ngày, mỗi khi đi làm đồng, ông đều đến mộ thắp hương cho người đã khuất.
Ông Hà tâm sự: “Ông nội tôi đã mất đi. Rằm, mồng Một tôi cũng coi như mộ trong gia đình của tôi rứa thôi và lo hương khói. Mỗi khi đi gặt lúa qua, tôi đều cầm thẻ hương thắp cho ông Tani”.
Ông Trần Văn Hà thắp hương ở phần mộ thương gia Tani Yajirobei |
Ngoài các ngôi mộ cổ được chính quyền và người dân thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam gìn giữ gần như nguyên vẹn, trong khu phố cổ còn có một di tích đặc biệt, đó là cầu Nhật Bản, hay còn gọi là Chùa Cầu. Đây là công trình kiến trúc do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 16, 17.
Ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam chi biết: “Đối với Hội An, trong thời gian qua, ngoài việc trùng tu các di sản văn hóa thế giới, trong đó có một di tích rất quan trọng đánh dấu sự giao lưu kinh doanh buôn bán lâu dài và để lại dấu ấn của người Nhật tại Hội An, đó là Chùa Cầu. Công trình này hiện nay được xem xét trùng tu tôn tạo nhiều lần và tạo cảnh quan và phía các bạn Nhật Bản. Hiện nay, chúng tôi tổ chức tour tìm lại dấu xưa của Nhật Bản. Du khách đến đây sẽ đi tham quan phố cổ Hội An, đến làng gốm Thanh Hà, ra làng rau Trà Quế và sau đó đi viếng mộ của các tiền nhân người Nhật Bản sinh sống tại Hội An các thế kỷ trước qua đời. Hiện nay, vẫn còn các thế hệ của Việt Nam chăm sóc gìn giữ”.
Bên cạnh dấu ấn văn hóa vật thể, phố cổ Hội An còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể như các trò chơi dân gian, các đường nét hội họa trong tranh khắc gỗ, hay trong ẩm thực với món ăn Cao Lầu… Tất cả đều được lưu giữ cho đến ngày nay./.