Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Tăng giá vé và trách nhiệm quản lý

Chuyện tăng giá vé tham quan đột ngột tại Hội An gây xôn xao một tháng nay cuối cùng đã có câu trả lời từ cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa chính quyền với báo giới và lữ hành ngày 1.12.

 

Đầu tháng 11, giới lữ hành và du khách tỏ ra khá bất ngờ khi nhìn thấy tấm vé tham quan phố cổ đã có mệnh giá 120.000 đồng (tham quan 6 công trình văn hóa dành cho khách nước ngoài) và 60.000 đồng/3 công trình văn hóa/khách Việt Nam, cao hơn nhiều so với giá cũ lần lượt là 90.000 đồng và 45.000 đồng. Có nhiều luồng ý kiến trái chiều diễn ra suốt một tháng qua, đến nỗi có cán bộ quản lý du lịch (DL) Quảng Nam phát biểu với báo chí là “Hội An đã sai!”. Điều này buộc chính quyền và cơ quan quản lý hướng dẫn tham quan phố cổ Hội An phải mở một cuộc gặp gỡ với báo chí và lữ hành để thông tin đầy đủ về sự thay đổi này.


Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An (đơn vị tổ chức thực hiện hướng dẫn tham quan phố cổ) khẳng định địa phương thực hiện đúng quy định của Luật DL hiện hành với du khách. Lý do tăng giá vé dựa trên so sánh mức thu phí tham quan áp dụng cho một điểm tham quan (một công trình) ở các khu di sản khác như Đại nội (Huế), động Thiên Đường (Quảng Bình), Khu đền tháp Ăng Co (Campuchia)… đều cao hơn và cũng chỉ sử dụng 1 lần tham quan ban ngày. Còn tại Hội An, một tấm vé có giá trị tham quan từ 7 giờ đến 21 giờ, kèm theo cơ chế miễn giảm đối với khách tham quan theo đoàn do đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp DL tổ chức (như đủ 15 khách thì miễn 1 vé, đoàn 8 khách thì miễn hướng dẫn viên, trẻ dưới 16 tuổi được tham quan miễn phí). Trong khi khu phố cổ Hội An là một quần thể kiến trúc với hơn 1.000 di tích, bao gồm nhiều loại hình nhà cổ, hội quán, đình chùa, giếng, cầu, nhà thờ tộc, đường phố, sông, chợ, tập quán, nếp sống, sinh hoạt văn hóa… vốn được mệnh danh “bảo tàng sống” khá nguyên vẹn.  

Theo ông Võ Phùng, kinh phí thu được từ vé tham quan suốt 17 năm qua đã dành 85% cho việc trùng tu di tích, nâng cao chất lượng, trả phí cho các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, hoặc bảo đảm an ninh trật tự tại các đề án phố không động cơ, phố đêm… Số kinh phí này, dù rất quan trọng, nhưng cũng chỉ là phần rất nhỏ, hoàn toàn không thể đáp ứng việc thường xuyên trùng tu, tôn tạo di tích. Ấy là chưa kể đến việc “bù đắp” cho sự hy sinh những tiện ích cá nhân của người dân phố cổ khi góp phần gìn giữ môi trường, không gian phố yên bình. Nếu sử dụng toàn bộ tiền vé tham quan để đầu tư lại di tích, thì mỗi năm Hội An cũng chỉ sửa chữa được từ 7 - 10 công trình trong số hàng trăm di tích tại Hội An đang xuống cấp nghiêm trọng. “Vì vậy, mua vé tham quan, khách đã chia sẻ trách nhiệm với người dân Hội An với tinh thần góp phần gìn giữ Di sản văn hóa thế giới Hội An. Chưa có doanh nghiệp lữ hành nào trong số 12 doanh nghiệp ký kết hợp đồng với trung tâm gửi ý kiến phàn nàn về chuyện điều chỉnh giá vé tham quan khu phố cổ Hội An” - ông Phùng nói. 

Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An cho biết, lẽ ra trước khi tăng giá vé mà địa phương mở một cuộc họp báo sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, ông cũng xác nhận rằng phố cổ như một người già, ngày càng xuống cấp. Nếu đến Hội An chỉ để tham quan, tìm hiểu văn hóa không thì thôi; còn đã tổ chức DL, nhất là việc bán tour lấy phố cổ để “kinh doanh” thì phải trả tiền cho ngân sách có nguồn trùng tu... cũng là điều đương nhiên. Tất cả điều chính quyền và cơ quan quản lý DL Hội An nói đều có cơ sở, nếu biết rằng trong vòng 5 năm qua ngân sách tỉnh chỉ đủ khả năng chi ra khoảng 2 tỷ đồng cho công tác trùng tu phố cổ.

Tại cuộc gặp gỡ ngày 1.12, không nhiều doanh nghiệp lữ hành tham dự. Cộng thêm một số cuộc khảo sát, phỏng vấn du khách tại các quầy bán vé trên phố… cho thấy không nhiều ý kiến phàn nàn về chuyện tăng giá vé từ phía doanh nghiệp lữ hành. Thậm chí ông Đào Huynh - Giám đốc Vidotour tại Đà Nẵng nói rằng mua vé hay tăng giá vé vào phố cổ là trách nhiệm đối với sự bảo tồn các di sản, trừ các hãng lữ hành đã “chốt tour” cho khách theo giá vé tham quan cũ từ nhiều tháng trước khiến họ lúng túng trong điều hành và bị thất thu. 

Không phải bàn cãi thêm về chuyện bán vé hay tăng giá vé tham quan, bởi trên thực tế ở nhiều nơi muốn tham quan bất cứ di sản nào cũng phải trả tiền. Điều đáng nói ở đây chính là thuật ngữ “DL trách nhiệm” kết nối những cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan để tổ chức và thực hiện vai trò tương ứng, cung cấp nền tảng để ngành DL bền vững hơn, mang tính cạnh tranh cao hơn và tạo ra nhiều lợi nhuận hơn; đồng thời mở rộng các cơ hội đối với người nghèo và các nhóm đối tượng chịu thiệt thòi khác… Vậy “DL bền vững” tác động và có ý nghĩa như thế nào đối với các hãng lữ hành, khách đến Hội An tham quan? Ngược lại, chính quyền hay cơ quan quản lý cũng không thể vin vào chuyện giải quyết ô nhiễm chùa Cầu “là một quá trình, giải pháp dài hơi và không có chỗ đặt công trình vệ sinh công cộng” để kéo dài tình trạng ô nhiễm này mãi, khiến chất lượng tour tuyến giảm sút. Lại càng không thể tự trào theo kiểu “cũ ta, mới người” khi không tìm thêm cái mới để mời người đến phố. Bởi, một nơi chốn, món ăn hoặc sản phẩm DL dù hấp dẫn đến đâu cũng sẽ nhàm chán nếu không biết làm mới. Và DL bền vững là phải việc tạo ra được điểm đến để khuyến dụ khách có ngày trở lại hay không. 

Đó mới là điều đáng suy ngẫm hơn là chuyện bán vé, thu tiền!


Nguồn: Báo Quảng Nam