Ngôi nhà cổ đặc biệt hơn 200 năm tuổi ở Hội An
- Thứ năm - 27/07/2023 07:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đến với TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) ai cũng biết tới các địa điểm như Chùa Cầu, hội quán Quảng Đông, hội quán Phúc Kiến hay miếu Quan Công, di tích đặc trưng cho kiến trúc đền miếu.
Tồn tại song song với những di tích đó và ít ai biết đến là căn nhà cổ của tộc Trần được đánh giá là một trong những ngôi nhà cổ với lối kiến trúc độc đáo, mang nhiều giá trị về văn hoá và lịch sử.
Nhiều du khách tìm đến tham quan ngôi nhà cổ đặc biệt này.
Trong khuôn viên rộng chừng 1.500m2 toạ lạc tại số 21 đường Lê Lợi (TP Hội An) ngôi nhà cổ tộc Trần được một bức tường bao quanh, tách biệt sự nhộn nhịp của phố phường, với sự yên tĩnh của ngồi nhà vườn cổ kính.
Ngôi nhà cổ tộc Trần gần như được giữ nguyên vẹn hoàn toàn.
Tự hào với truyền thống của gia tộc, chị Trần Thảo Phương, cháu đời thứ 12 của vị quan Trần Tứ Nhạc cho biết, ngôi nhà cổ này được xây từ năm 1802, tại thời điểm vua Gia Long lên ngôi đã cử ông Trần Tứ Nhạc đi sứ sang Trung Quốc.
Khuôn bông có hình tròn trên tường tượng trưng cho lối đi của con trai.
Thời điểm đó, ông Trần Tứ Nhạc được biết đến là một vị quan thông minh, tài giỏi. Trước khi đi sứ sang Trung Quốc, ông đã xây dựng ngôi nhà này để làm nơi thờ cúng tổ tiên cũng như để lại cho con cháu sau này.
Mái vòm xây dựng theo lối kiến trúc Trung Hoa "bì cua vỏ rùa".
Với quan niệm người Á Đông thời xưa, sinh ra từ hướng Đông và mất về hướng Tây gọi là Tây phương cực lạc nên ngôi nhà đã có hướng mặt tiền xoay về hướng Tây. Ngôi nhà được xây dựng theo kiểu ba gian, hai nếp, có một cửa chính và hai cửa phụ.
Bàn thờ được đặt ngay chính giữa ngôi nhà.
Cửa chính chỉ được sử dụng vào những ngày dịp lễ tết hay cúng ông bà tổ tiên, còn hai cửa phụ dành cho mọi người ra vào ngôi nhà với quan niệm "nam tả nữ hữu". Nam đi cửa phụ bên tay trái ngôi nhà, nữ đi cửa phụ bên tay phải với ký hiệu riêng biệt được sử dụng trên bờ tường.
Cổ vật hũ đựng trang sức được chủ nhà nâng niu, gìn giữ cẩn thận.
Bên cạnh bờ tường cửa phụ tay trái ngôi nhà được ký hiệu bởi gạch hoa thông gió (khuôn bông) có hình dáng tròn, tượng trưng cho người con trai. Còn bên bờ tường cửa phụ tay phải lại được sử dụng với hình dáng hình bông hoa, tượng trưng cho người phụ nữ.
Cuốn gia phả tộc Trần do ông Trần Tứ Nhạc viết vào năm 1812.
Bước vào ngôi nhà từ hai phía, là mái vòm cong theo kiến trúc của Trung Hoa với tên gọi "bì cua vỏ rùa" với hình dáng cong như lưng cua hay mai của rùa. Người xưa quan niệm rằng con cua tượng trưng cho sự may mắn, con rùa tượng trưng cho sự trường thọ.
Những ngày thường, tất cả các thành viên phải đi vào nhà bằng cửa phụ.
Với lối kiến trúc kết hợp hài hoà giữa ba nền văn hoá Nhật Bản, Trung Hoa, Việt Nam, ngôi nhà được sử dụng lối kiến trúc "chồng rường giả thủ" của Nhật Bản với năm cột dọc và ba thanh rường ngang.
Năm cột dọc gọi là “giả thủ”, tượng trưng cho năm ngón trên một bàn tay, tương ứng với ngũ hành Kim – Thuỷ - Mộc – Hoả - Thổ. Ba thanh rường ngang sẽ là ba đường chỉ tay trong lòng bàn tay, được xem là ba yếu tố Thiên, Địa và Nhân.
Hai chiếc đèn lồng giấy bên cạnh bàn thờ gia tộc.
Bên trong căn nhà, nằm chính giữa là không gian thờ cúng, với ba cây cột hình mũi tên và cung tên hướng lên trời. Đây là quan niệm của người Việt Nam ngày xưa, mong sau này con cháu sẽ làm ăn phát đạt, giàu có.
Ngoài các lối kiến trúc độc đáo, sắp xếp hài hoà giữa các nền văn hoá thì tất cả những vì kèo, cột, bàn ghế, bàn thờ…đều được làm bằng các loại gỗ quý và chạm trổ hoa văn tinh xảo.
Hoạ tiết đặc sắc trên chiếc đèn lồng trăm năm tuổi.
Đặc biệt, trong ngôi nhà cổ tộc Trần hơn 200 năm tuổi này còn có hàng nghìn cổ vật được gia chủ lưu trữ và bảo quản cẩn thận.
Từ những hiện vật như Bảo kiếm của vị quan Trần Tứ Nhạc đến các bức tranh sơn thuỷ, đèn lồng giấy, cuốn gia phả viết từ năm 1812 đều được bảo quản cẩn thận, có độ nguyên vẹn cao. Cùng đó là những cổ vật bát, chén, dĩa dành cho vua chúa sử dụng có niên đại từ 150 đến 200 năm.
Nhiều du khách đến tham quan ngồi nhà cổ tộc Trần đều choáng ngợp trước số lượng cổ vật trưng bày tại đây, đặc biệt là hũ tiền xu còn giữ được gần như nguyên vẹn và bộ sưu tập các đồng tiền từ các thời vua Quang Trung, Gia Long, Minh Mạng...
Nhiều cổ vật có tuổi đời hơn 200 tuổi được lưu giữ tại đây.
Cuối cùng, phía sau ngôi nhà là một khu vườn, có cây khế tuổi đời hơn 100 tuổi. Khu vườn được làm nên để trở thành “nơi chôn nhau cắt rốn” của tất cả các thành viên trong gia tộc, mong con cháu luôn được mạnh khoẻ, dù đi đâu cũng nhớ về quê hương, nơi mình sinh ra, là gia đình, là quê hương.
Hiện nay, ngôi nhà cổ tộc Trần đã được UBND tỉnh Quảng Nam đưa vào Danh mục di tích đăng ký bảo vệ với loại hình Di tích lịch sử.
Đồng thời, đây cũng là một trong bảy nhà cổ được TP Hội An công nhận và là điểm tham quan thuộc quần thể tham quan của phố cổ.
plo.vn