Hợp tác xã làm du lịch nông nghiệp
- Thứ ba - 24/10/2023 08:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Truyền thống làng nghề trồng rau Trà Quế
Nhiều nguồn tư liệu cho biết, cách đây gần 400 năm, những cư dân Việt đầu tiên thuộc các tộc Phạm, Mai, Nguyễn, Lê đã đến định cư tại vùng đất Trà Quế. Về sau có thêm các tộc Trần, Hồ. Ban đầu, họ sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá tôm trên sông, tìm các loại rau nấu với tôm, cua, cá,... để ăn thấy rất ngon, bèn đem giống về trồng.
Trong tài liệu Quảng Nam xã chí của Viện Viễn Đông bác cổ đề cập đến thổ sản làng Thanh Hà vào thập niên 40 của thế kỷ XX như sau: “Làng Thanh Hà có diện tích trên 700 mẫu trừ Thanh khách ngoại nhân số độ 5.000 người. Thổ sản của làng này đặc biệt là rau sống, lúa, khoai sắn… Trừ rau sống là có xuất sản chứ các thực phẩm khác thì cũng không đủ tiêu dùng cho dân làng”. Điều này cho thấy trước đây nghề trồng rau của làng gần như là nghề chính.
Du lịch nông nghiệp là thế mạnh có thể phát triển, nâng tầm ở xã Cẩm Hà.
Kế thừa lịch sử của một làng nghề trồng rau truyền thống trong điều kiện mới, bên cạnh việc nhận làm đầu mối thu gom và tìm kiếm thị trường cho làng rau, HTX du lịch dịch vụ nông nghiệp Cẩm Hà (tiền thân là HTX nông nghiệp Cẩm Hà, thành lập từ năm 1978) nhận thấy thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp thiếu ổn định nên đã chủ động xây dựng thương hiệu rau phối hợp tổ chức tour du lịch sinh thái tại Trà Quế.
Hiện nay, mỗi ngày, làng rau đón từ 50 - 70 khách du lịch nước ngoài đến tham quan và đăng ký trải nghiệm việc trồng, tỉa như một nông dân thực thụ. Ngày lễ, chủ nhật có lúc đón từ 100 - 150 lượt khách tham quan. Việc phối hợp tổ chức du lịch sinh thái ngoài tác dụng giới thiệu, quảng bá sản phẩm, còn tạo được nguồn thu nhập nhằm góp phần đầu tư thêm cơ sở vật chất tại làng rau.
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao và truyền thanh, truyền hình thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Trong thời gian tới sẽ hướng tới du lịch xanh, du lịch sinh thái làng nghề, nên sẽ tổ chức các tour tham quan du lịch. Chúng tôi sẽ kết nối các điểm đến giữa khu phố cổ Hội An với các làng nghề truyền thống. Tập trung nâng cấp, xây dựng những sản phẩm cho du khách trải nghiệm”.
Sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo
Lối sống nông nghiệp làng Trà Quế được định hình và phát triển trong suốt hành trình lịch sử của vùng đất, hồn người, với các hoạt động mang đậm dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước được trao truyền qua nhiều thế hệ. Trải qua nhiều thăng trầm, hiện nay người dân Trà Quế vẫn duy trì lối canh tác nông nghiệp cổ truyền.
Trong đó nổi bật là việc sử dụng rong và tảo sông để làm phân bón, tưới nước bằng tay, sử dụng các nông cụ truyền thống phục vụ canh tác. Kết quả điều tra khảo sát cho thấy, gần 95% hộ dân ở Trà Quế vẫn áp dụng kỹ thuật truyền thống để trồng rau. Chính việc sử dụng rong và tảo từ sông Cổ Cò như một loại phân hữu cơ đã giúp tăng chất dinh dưỡng và mùi thơm cho rau, giảm sâu bệnh, giữ độ phì nhiêu của đất, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng…
Mô hình sản xuất rau của HTX thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Du khách đến trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp tại làng nghề trồng rau Trà Quế có thể di chuyển bằng xe đạp, bằng thuyền… hoặc tìm đến các tour du lịch được tổ chức chuyên nghiệp nơi đây để được phục vụ tận tình.
Tại làng rau có nhiều hộ gia đình kinh doanh dịch vụ homestay cho du khách cùng tham gia vào trải nghiệm công việc trồng rau sạch, trải nghiệm cuộc sống của người trồng rau. Du khách sẽ được trở thành một người nông dân thực thụ trong những bộ quần áo nông dân, đội nón lá, đi chân đất, được người dân dạy cho cách cuốc đất, trồng rau, thu hoạch rau.
Khi đến với làng rau truyền thống, du khách đều ấn tượng bởi sự hiếu khách, hiền lành, đôn hậu và vui vẻ của người dân nơi đây. Sau khi trải nghiệm “Một ngày làm nông dân”, du khách sẽ được học cách chế biến cũng như thưởng thức các món ăn đặc hữu của Trà Quế nói riêng và Quảng Nam nói chung như bánh đập, bánh vạc, hến trộn, tôm hữu, mì Quảng, cao lầu Hội An...
Theo đánh giá của giới chuyên gia, lối sống nông nghiệp làng Trà Quế chính là chìa khóa để thu hút khách, phát triển du lịch nông nghiệp gắn liền với làng nghề di sản Trà Quế.
Sau khi tham gia các công đoạn canh tác rau cùng người dân làng Trà Quế, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức ẩm thực địa phương nhưng theo một cách rất riêng: tự tay ra vườn chuẩn bị nguyên liệu, được người dân hướng dẫn cách chế biến các món ăn dân dã đậm nét văn hóa Quảng Nam như bánh xèo, gỏi hoa chuối, tôm hữu, mỳ Quảng...
vtc.vn