Du lịch Hội An: Hướng về biển đảo
- Thứ ba - 22/07/2014 09:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Gần 20 năm qua thương hiệu du lịch Hội An đã khẳng định được vị trí vững chắc trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới với tốc độ tăng trưởng khách bình quân hàng năm từ 10 - 13%, trở thành điểm không thể thiếu của du khách khi đến miền Trung. Nhiều sản phẩm gắn với giá trị di sản đã được khai thác, mang đến cho du khách những cảm nhận thú vị về bề dày lịch sử, văn hóa của vùng đất thương cảng xưa. Tuy nhiên, trong bối cảnh một số sản phẩm tại phố cổ không còn nhiều hấp dẫn du khách thì việc mở rộng không gian du lịch về phía biển đảo trở thành chiến lược trọng tâm của thành phố. Đây được xác định là “cánh tay nối dài” cho việc phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch kết hợp giữa đất liền với biển đảo; giữa di sản văn hóa với môi trường sinh thái, thiên nhiên; giữa du lịch trải nghiệm với du lịch hưởng thụ nhằm tạo nên sự phong phú, riêng biệt và đầy sức hút. “Thật ra du lịch biển đã được thành phố quan tâm từ rất sớm, bằng chứng là sự xuất hiện của nhiều dự án và các khu resort ven biển thu hút khoảng 30% lượng khách lưu trú thường xuyên khi đến Hội An. Tuy nhiên, để phát triển như một chiến lược hoàn chỉnh, trong đó có sự lồng ghép, đan xen, tác động, bổ sung lẫn nhau giữa các giá trị di sản phố cổ và thế mạnh biển đảo để hình thành nên một chuỗi sản phẩm đa dạng thì vẫn chưa đáp ứng được” - ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.
Các khu resort ven biển Cửa Đại thu hút khoảng 30% du khách đến Hội An hàng năm. Ảnh: VĨNH LỘC |
Để hiện thực hóa hướng đi này, thời gian qua thành phố đã tiến hành đầu tư nâng cấp hạ tầng các tuyến đường ven biển, nhất là chất lượng hạ tầng các cơ sở lưu trú cao cấp. Ngoài ra, địa phương cũng khoanh vùng xây dựng 10 khu công viên biển xen kẽ những khu resort ven biển Cửa Đại, Cẩm An. Đặc biệt, với mục tiêu đẩy mạnh khai thác dịch vụ du lịch từ biển đảo gắn với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và di sản thế giới Hội An theo hướng phát huy hiệu quả các tiềm năng du lịch nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, thành phố đã ban hành một số chính sách cụ thể như Đề án quản lý khai thác các bãi biển du lịch Hội An từ nay đến năm 2015. Trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng dịch vụ, thực hiện tốt công tác cứu hộ, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan, giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo vệ và khai thác nhằm xây dựng bãi biển Hội An an toàn, văn minh. Ngoài ra, thành phố cũng tranh thủ các nguồn lực của đề án quản lý khai thác bãi tắm của tỉnh để đầu tư, hoàn thiện nâng cao chất lượng phục vụ du khách tại bãi tắm Cửa Đại… “Chính quyền thành phố luôn tạo cơ chế thông thoáng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư tại các khu công viên ven biển và tại Cù Lao Chàm để tạo ra các sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách, góp phần nâng cao thu nhập cộng đồng địa phương” - ông Bay khẳng định.
Nỗi lo từ biển
Phát triển du lịch biển đã trở thành hướng đi hiệu quả của nhiều địa phương mà Đà Nẵng là một trong những điển hình thành công. Tuy nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng xâm thực bờ biển, áp lực về sức tải, sức chứa, công tác vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan tự nhiên, đặc biệt là những căng thẳng, bất ổn trên biển Đông cũng đã đặt ra cho du lịch biển đảo Hội An không ít nguy cơ và thách thức. “Điều quan tâm nhất của doanh nghiệp hiện nay là sự ổn định của bờ biển trong mùa mưa bão” - ông Claude M. Balland, Tổng Giám đốc Khách sạn Victoria Hội An cho biết. Khách sạn Victoria là một trong những “nạn nhân” bị ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng biển xâm thực với tốc độ xói lở bình quân mỗi năm trên 10m. Đây cũng là trình trạng chung của nhiều khu du lịch ven biển Cửa Đại hiện nay. Ngoài ra, trình độ quản lý, xây dựng sản phẩm du lịch từ biển mang tính đặc trưng không trùng lặp với những địa phương khác… cũng là bài toán cần giải quyết của ngành du lịch Hội An. Riêng đối với phát triển du lịch biển đảo Cù Lao Chàm, áp lực về lượng khách gia tăng vượt khả năng cung cấp dịch vụ tại chỗ hay sản phẩm du lịch nghèo nàn, hạ tầng cầu cảng yếu kém, trình độ nhân lực, quản lý chưa hiệu quả… là những áp lực thực tế đòi hỏi chính quyền thành phố có chiến lược điều chỉnh hợp lý, hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.
Ông Trương Văn Bay thừa nhận những thách thức trên là một thực tế trong chiến lược phát triển du lịch biển đảo của thành phố, tuy vậy với sự nỗ lực chung của các cấp ngành, sự hưởng ứng của nhân dân xã đảo Tân Hiệp, du lịch biển nói chung và Cù Lao Chàm sẽ tìm ra cách đi hiệu quả. Đặc biệt, năm 2015 khi điện lưới quốc gia được kéo về xã đảo sẽ mở ra cơ hội lớn để du lịch Cù Lao Chàm phát triển ổn định. “UBND thành phố đã có chủ trương khai thác các bãi biển mới ở Cù Lao Chàm như bãi Nần, bãi Xép, bãi Cụt, bãi Ruộng để phục vụ cho phát triển du lịch dịch vụ theo những hình thức phù hợp, đảm bảo phát triển bền vững. Ngoài ra, thành phố cũng đã có chủ trương phát triển một số tuyến điểm du lịch mới trên đảo như tham quan eo Gió bằng đường bộ, tham quan khu vực hồ Bìm, hang yến, bãi Hương…” - ông Bay cho biết thêm.
Mỗi địa phương đều có những lợi thế và điều kiện khác nhau để phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp. Du lịch biển đảo luôn được đánh giá là có sức hút mạnh mẽ với nhiều thị trường khách trên thế giới, kể cả nội địa. Xây dựng chiến lược phát triển du lịch với không gian hướng về biển đảo sẽ là hướng đi phù hợp trong tình hình hiện nay nhằm không chỉ mang đến sự đa dạng sản phẩm mà còn tạo ra sự kết hợp hoàn hảo giữa các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử và chăm sóc tài nguyên thiên nhiên, tôn trọng tự nhiên. Đó chính là sự phát triển bền vững mà du lịch Hội An đang hướng tới trong những năm đến.