Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Đợi gì năm 2011?

Hành trình di sản (hai năm một lần) đã “bị” bãi bỏ; người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, đồng nghĩa sẽ giảm những chuyến du lịch thì liệu Quảng Nam có đạt con số ước định 2,48 triệu lượt khách đến trong năm 2011?

 

Đủ để vui…

Ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới tới du lịch Việt Nam chưa kết thúc; giá cả biến động hay sự cắt giảm chi tiêu của nhiều người… vẫn không hề làm suy giảm lượng khách đến Quảng Nam. Con số doanh thu du lịch 920 tỷ đồng từ 2,4 triệu lượt khách đến tham quan, lưu trú (tăng 4%) trong năm nay cho thấy cộng đồng doanh nghiệp (DN) du lịch đang kinh doanh giữa môi trường bình ổn! Theo nhận định của ngành chủ quản và giới DN, thắng lợi có phần “may mắn” và “đủ để vui” này bắt đầu từ việc không mạo hiểm mở cuộc chơi lớn mà chỉ mở rộng, phân khúc thị trường; hướng mạnh vào thị trường nội địa, tạo thêm sản phẩm mới, nâng cao chất lượng dịch vụ… để “đón gió thị trường hồi phục” của du lịch Quảng Nam đã đúng hướng.

alt
Hoa hậu Thế giới đến với Hội An.           Ảnh: T.D

Ngay từ đầu năm, dự đoán sẽ khó đạt chỉ tiêu đón lượng khách quốc tế, ngành chủ quản đã lên chương trình tìm kiếm nguồn hỗ trợ để tiếp tục các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng bằng Bắc Bộ… Với việc xây dựng điểm du lịch, làng du lịch cộng đồng thì mỗi DN đã tự vạch ra một kịch bản để thu hút khách về khách sạn. DN lữ hành chọn cách mở rộng thị trường nội địa, các các đoàn khách MICE, hướng tới thị trường châu Á  Thái Bình Dương; tạo sản phẩm tiết kiệm, tăng chất lượng, thêm dịch vụ phù hợp với túi tiền của khách; mở nhiều tour tuyến thay vì chỉ chú trọng vào chất lượng dịch vụ lưu trú như trước. 

Một trong những cách được các khách sạn cao cấp (chủ yếu đón khách quốc tế) áp dụng là thực hiện những chính sách linh hoạt, tập trung hơn vào thị trường nhỏ châu Á và thị trường trong nước cùng dịch vụ ẩm thực… Tuy nhiên, theo nhiều DN, tất cả cũng chỉ là nỗ lực tự thân để tìm cách tồn tại. Nếu như sức tiếp thị, tạo sản phẩm cho cả điểm đến Quảng Nam mà nhận được sự hợp tác của cả DN lữ hành, khách sạn, hàng không và cơ quan quản lý chuyên ngành để tạo những chương trình, sự kiện lớn thì lượng khách về Quảng Nam đã không dừng ở con số 2,4 triệu lượt như đã công bố. Vấn đề này, hiện vẫn là điểm yếu chung của ngành du lịch Quảng Nam và toàn vùng tam giác di sản!

2,48 triệu lượt khách, được không?

Du lịch Quảng Nam phát triển trong vòng 15 năm qua đã không nằm ngoài dự liệu của chính quyền địa phương và các nhà quản lý du lịch. Con số hàng ngàn bài viết, hàng trăm trang web chuyển tải hình ảnh lễ hội, điểm đến du lịch,… gửi đi khắp thế giới là thành công lớn của công cuộc tự làm mới mình của du lịch Quảng Nam. Về lý thuyết, Quảng Nam đủ sức hấp dẫn du khách thông qua những “sự kiện” thành công như APEC, các cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền Phong, Hoa hậu Hoàn vũ hay Hoa hậu Trái đất mới đây hoặc sự kiện “Ngày không túi nilon 9-9” thường niên cùng với 4.115 phòng của 106 cơ sở lưu trú du lịch. 

alt

Nhưng thực tế, trừ “Đêm phố cổ”, “Phố không tiếng động cơ”… là những “cuộc chơi nghệ thuật” đầy tính sáng tạo và quyến rũ chỉ riêng của Hội An đã định hình từ nhiều năm nay thì sự hiện diện của các nguyên thủ hay nụ cười hoa hậu phát đi thông điệp tình yêu hòa bình từ phố cũ cũng chỉ là những chất xúc tác. Sự thiếu chuyên nghiệp quảng bá, tổ chức lễ hội nghiệp dư, quản lý chất lượng lỏng lẻo, giá cả dịch vụ, môi trường du lịch giảm sút… đã dần làm yếu đi vị thế Quảng Nam trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Khách truyền thống vẫn bình ổn nhưng năm nào danh sách sắp xếp đầu tiên vẫn là những cái tên quen thuộc như châu Âu, Mỹ, Nhật… Cần chú ý mở rộng thị trường để hoán đổi vị trí khách cho nhau. Du lịch chuyên nghiệp không thể theo quan niệm cũ xưa “bói rẻ hơn ngồi không” để mở cửa đón khách bằng bất cứ giá nào, thậm chí rẻ mạt, mà cần phải có đủ hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch cho điểm đến…
(Ông Trần Văn Nhân, Phó phòng Thương mại - Du lịch Hội An)

Có lẽ cũng đã lường trước khó khăn, vì không thể dự đoán được nhu cầu khách và cả hạn chế về sản phẩm, hạ tầng du lịch… nên ngành du lịch có vẻ thận trọng khi chỉ đưa ra con số doanh thu 970 tỷ đồng từ 2,48 triệu lượt khách sẽ thu hút trong năm 2011! Đợi gì trong năm 2011 vẫn là câu hỏi không dễ trả lời cho cả ngành chủ quản và cộng đồng DN Quảng Nam trong lúc này. Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam than phiền rằng sự xúc tiến quảng bá đơn lẻ, thiếu hợp tác giữa các DN trên địa bàn; giá trị sản phẩm không cao lẫn việc cạnh tranh bất cứ giá nào đã  góp phần làm kém chất lượng phục vụ dịch vụ, đẩy vị thế cạnh tranh của du lịch Quảng Nam xuống thấp, ít khách quay trở lại vùng đất này du lịch như mong muốn. Tình trạng “cò” hay khó khăn từ tấm vé tham quan của du khách hoặc thiếu hạ tầng giao thông cho các điểm đến đã ngày càng trở nên “phản cảm” hơn trong mắt du khách. Thậm chí điểm đến như Lộc Yên (Tiên Phước) cũng đã có khách sạn như Riverside mở tour cho du khách nhưng đành nhận những cái lắc đầu với “một đi không trở lại”. 

Sự thu hút hàng triệu USD từ du lịch của Quảng Nam là điều đáng mừng, nhưng theo ông Claude M. Balland - Tổng Giám đốc Victoria Hội An, hiện số lượng cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc tế có trên 1.500 phòng, công suất bình quân 50%. Có nghĩa là còn lại 50% phòng sẽ bị bỏ trống. Thời gian tới, số lượng buồng phòng đủ tiêu chuẩn sẽ gia tăng nhưng lại không có chuyến bay quốc tế nào tới khu vực Quảng Nam. Nếu để đủ công suất buồng phòng từ 90% trở lên thì phải có ít nhất 15 chuyến bay quốc tế tới Đà Nẵng mỗi ngày, nhưng thực tế không có nên sẽ rất khó cho du lịch Quảng Nam tăng trưởng. “Đầu tiên là tìm cách đem khách về hơn là tiếp tục xây khách sạn. Không hiểu sao ở Hội An lại không thể tạo ra một trung tâm thông tin du lịch “đúng nghĩa” để cung cấp thông tin chính xác cho khách du lịch” - ông Balland nói.

Chỉ mới có khoảng 29,5% khách quốc tế du lịch Việt Nam tìm tới Quảng Nam, bao giờ lấp đầy khoảng trống này không chỉ DN trả lời là đủ!

Nguồn tin: www.zing.vn