Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Cù Lao Chàm- Đậm văn hóa tín ngưỡng truyền thống

Đây là tài nguyên lớn cần được quảng bá, phát huy để phục cho nhiều đối tượng tham quan, du lịch.

 

Cù Lao Chàm hay còn có tên gọi khác là Chiêm Bất Lao, Tiêm Bích La, Palaucham… nay thuộc xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, cách đất liền Hội An khoảng 15km, gồm bảy hòn đảo (Hòn Lao, Hòn Khô, Hòn Mồ, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông) với diện tích 15km2, chiếm ¼ tổng diện tích của Hội An với khoảng 3.000 người sống tập trung ở các thôn Bãi Làng, Bãi Hương, Xóm Cấm, Bãi Ông của Hòn Lao.

 

Cù Lao Chàm

 

Tuy ở miền hải đảo xa xôi nhưng do có vị trí là địa điểm tiền tiêu trên biển Đông nên các thế hệ dân cư ở Cù Lao Chàm đã tận dụng điều kiện này để tạo dựng nên và đang lưu giữ một hệ thống di tích tín ngưỡng, khảo cổ tương đối lớn. Những di tích này phản ánh khá đầy đủ đặc trưng văn hóa biển đảo trong thời kỳ Tiền – Sơ sử và hệ thống di tích tín ngưỡng thời kỳ phong kiến. Đây là tài nguyên du lịch văn hoá lớn, cơ sở góp phần để Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 26/5/2009. 

Ở Cù Lao Chàm có số lượng di tích tín ngưỡng, khảo cổ lớn với 27 di tích thuộc nhiều loại hình và niên đại khác nhau.

Đậm nét  văn hoá tín ngưỡng miền Trung

Di tích Bãi Ông là nơi cư trú của cư dân Tiền Sa Huỳnh và là di tích có niên đại xưa nhất ở Hội An (3.000 năm). Di tích Bãi Ông còn là đối tượng quan trọng để nghiên cứu về Văn hoá Tiền Sa Huỳnh ở miền Trung. Di tích khảo cổ Bãi Làng cũng là một di tích quan trọng của hệ thống di tích khảo cổ Champa ở Hội An và miền Trung vì nơi đây ngoài những hiện vật bản địa còn có nhiều hiện vật thủy tinh, gốm của Trung Đông, Ấn Độ, Trung Hoa vào khoảng thế kỷ VII – X. Qua đó, chứng tỏ cư dân nơi đây đã tận dụng địa điểm tiền tiêu trên biển, giao lưu thương mại với các hải thuyền quốc tế như đã từng được nêu trong các thư tịch cổ Trung Hoa, Trung Đông.

Bên cạnh các di tích khảo cổ là sự tồn tại khá đầy đủ thiết chế văn hóa tín ngưỡng truyền thống của làng xã ở miền Trung. Các thiết chế tín ngưỡng làng xã ở Cù Lao Chàm bao gồm: đình Đại Càn (thờ thuỷ thần Đại Càn Quốc gia Nam Hải, có thể được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 22 tức 1761), miếu thờ Thành hoàng, miếu Tiền hiền (thờ các bậc tiền nhân có công khai lập cộng đồng dân cư Cù Lao Chàm), miếu Thổ thần (thờ thần đất), miếu Ngũ hành, miếu Thần nông, lăng Cô (thờ âm linh, cô hồn), chùa làng (Chùa Hải Tạng, được xây dựng vào năm 1758, chuyển dời về vị trí hiện nay vào năm 1848), miếu Tổ nghề yến (thờ các vị có công lớn trong nghề khai thác yến sào ở Cù Lao Chàmđược trùng tu năm 1848), lăng Ông ngư (thờ cá Voi - loài cá mà theo quan niệm của ngư dân miền Trung là đã trợ giúp nhiều cho người đi biển khi gặp nạn và được triều Nguyễn sắc phong là Nam Hải cự tộc Ngọc lân tôn thần)...

Các di tích này có qui mô nhỏ nhưng mang dáng dấp điển hình của các công trình đình, miếu ở miền Trung. Ngoài các vật liệu xây dựng cơ bản, cư dân đảo còn sử dụng san hô để tạo nên các hoa văn trang trí của các di tích làm nên một đặc trưng văn hoá biển trong kiến trúc tín ngưỡng nơi đây. Đặc biệt, chùa Hải Tạng, miếu Tổ nghề yến là hai công trình có qui mô lớn, kiến trúc 3 gian hai lòng, có hậu tẩm, kết cấu vì kèo gỗ, các chi tiết kiến trúc được chạm trỗ khá công phu. Gắn kết với các di tích này là những sinh hoạt văn hoá phi vật thể mạng đậm tính biển đảo của cư dân Cù Lao Chàm nhất là dịp đầu xuân, đó là lễ Cầu Ngư có múa hát bả trạo vào đầu năm tại Lăng Ông, lễ tế Thành Hoàng, lễ tế Tiền Hiền, lễ tế Tổ nghề yến, nghề cá chuồn …

Từ những giá trị đặc biệt đó nên đã có 6 di tích khảo cổ, tín ngưỡng được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia vào ngày 13/12/2006 là các di tích Bãi Ông, Bãi Làng, Đình Tiền Hiền, Chùa Hải Tạng, Lăng Ông Ngư, Miếu Tổ nghề yến, lăng Tiền Hiền (còn một di tích cấp quốc giá khác thuộc loại hình giếng là Giếng Xóm Cấm). Các di tích này là cơ sở để nghiên cứu hệ thống thiết chế làng xã vùng biển đảo Quảng Nam cũng như nghiên cứu sự phát triển tôn giáo, tín ngưỡng, lịch sử hình thành dân cư.

Bên cạnh sự hoàn thiện của các thiết chế tín ngưỡng làng xã thì hệ thống di tích ở Cù Lao Chàm thể hiện rõ nét sắc thái tín ngưỡng địa phương. Đó là sự phổ biến của các di tích thờ nữ thần ở Cù Lao Chàm, với 4 miếu Ngũ Hành (thờ Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) (Bãi Làng có 2 miếu, Bãi Hương có 1 miếu, Xóm Cấm có 1 miếu). Ngoài ra, còn có một số miếu thờ riêng lẻ một trong 5 vị thần trong Ngũ hành như miếu Bà Mộc, miếu Thổ thần. Đặc biệt, ở đây còn có lăng Bà Mụ thờ Bà chúa Sinh thai và 12 Bà mụ, đây là một hiện tượng khá đặc biệt bởi không có nhiều làng xã ở Hội An và địa phương khác có di tích này. Sự phổ biến của các di tích thờ thần cho thấy cư dân Cù Lao Chàm tôn trọng các giá trị khởi nguyên (theo triết lý phương Đông) và sự tôn thờ tính nữ.

Đề cao tín ngưỡng nghề nghiệp

Ngoài ra, tín ngưỡng nghề nghiệp đã được cư dân Cù Lao Chàm đề cao bởi có đến 5/25 di tích tín ngưỡng là di tích thờ tổ nghề, thờ thần bảo hộ nghề. Các di tích đó bao gồm miếu Tổ nghề yến (tu bổ lần đầu vào năm 1848 – Tự Đức nguyên niên), miếu Tổ nghề cá chuồn, lăng Ông ngư, miếu Thần nông, miếu bà Mộc. Điều này cho thấy sự đa dạng trong nghề nghiệp, cơ cấu kinh tế truyền thống ở Cù Lao Chàm chứ không chỉ bó hẹp trong nghề đánh bắt sông nước. Bởi Cù Lao Chàm là địa bàn sinh sống của chim yến, điều kiện quyết định hình thành nghề khai thác yến sào ở Hội An.

Trong di tích này, ngoài thờ Tổ nghề (những tiền nhân khai lập, có công lớn với nghề khai thác yến như ông Hồ Văn Hòa – sống vào đầu thời Nguyễn và nhiều người khác), ngoài ra còn thờ các vị thần bảo hộ nghề - một nghề liên quan đến sông nước là Phục ba tướng quân (thần phục sóng biển). Ở lăng Ông ngư lại có 13 bài vị thờ cá Ông (cá voi) là Nam Hải cự tộc Ngọc lân tôn thần. Một điểm khác là ở Cù Lao Chàm không có nghề đánh chuồn mạnh nhưng có miếu thờ Tổ nghề đánh cá chuồn là do các ngư dân làm nghề này ở vùng biển Cẩm An, Cửa Đại... ở trong đất liền Hội An xây dựng để mỗi khi ra biển đều ghé lại đây để làm lễ cầu an, cầu may trước khi hoặc sau khi đánh bắt. Tín ngưỡng nông nghiệp vẫn được coi trọng ở vùng biển đảo này dầu diện tích canh tác không lớn, người làm nông không nhiều nhưng những sản phẩm nông nghiệp được làm ra tại vùng biển đảo này thì lại có giá trị hết sức lớn lao cả về mặt vật chất, tâm linh, mang lại màu xanh và sức xuân của con người trên vùng hải đảo xa xôi.

Nhu cầu tìm đến đấng linh thiêng của tôn giáo mà ở đây là Phật giáo để  che chở cho cuộc sống tâm linh của người Cù Lao Chàm là rất lớn. Bởi trong không gian của Cù Lao Chàm, với dân số ít đã có đến 3 chùa Phật. Trong đó có Chùa Hải Tạng thuộc hệ phái Phật giáo Đại thừa được xây dựng vào thế kỷ XVIII và 2 chùa thuộc hệ phái Phật giáo Tiểu thừa được xây trong thế kỷ XX là Tịnh xá Ngọc Truyền và Tịnh Xá Ngọc Hương.

Như vậy, mặc dầu Cù Lao Chàm có vị trí xa xôi với đất liền nhưng là vùng đất mang đậm văn hóa tín ngưỡng truyền thống Việt Nam biểu hiện qua hệ thống di tích được phân bố dày đặc, đầy đủ về loại hình trên một địa bàn có số dân cư thưa thớt. Có thể lý giải điều này là do vị trí của Cù Lao Chàm nằm ở nơi đầu sóng, ngọn gió, đời sống kinh tế, sinh hoạt luôn phải đối chọi với những bấp bênh, nguy hiểm nên tư tưởng cầu an, cầu may vào đầu năm, đầu đợt đánh bắt hải sản, cầu sinh sôi, nảy nở, tôn trọng thế giới siêu nhiên, tìm về cội nguồn... để đem đến sự an lành trong cuộc sống luôn thường trực và được biểu lộ rõ nét. Từ đây, sự cố kết cộng đồng của người Cù Lao Chàm được nâng cao hơn trong quan hệ sản xuất cũng như sinh hoạt tín ngưỡng làm nên hệ quả vượt khó chung xây hệ thống di tích tín ngưỡng qui mô.

Đây là tài nguyên lớn cần được quảng bá, phát huy để phục cho nhiều đối tượng tham quan: du lịch Hội thảo, du lịch nghiên cứu, du lịch văn hoá, du lịch văn hoá kết hợp du lịch sinh thái…để phục vụ cho sự phát triển du lịch của Cù Lao Chàm, qua đó đem lại nguồn lợi cho người dân, làm cho người dân gắn bó hơn trong sự nghiệp bảo tồn di tích và bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển Cù Lào Chàm - Hội An./.