Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Đình Tu Lễ - Cẩm Phô Nghĩa Thương

Xưa, dân ta nói chung, người Hội An nói riêng vốn sống đời chân chất. Đôi lứa vào độ xuân thì khi mơ giấc vuông tròn cũng đà hiểu... mộng đá mộng vàng chăn gối nặng. Chuyện trăm năm ai biết ngày sau nên thường hẹn nhau đến đình làng miếu xóm nói lời thệ hứa.
Người dân ấp Tu Lễ cũng vậy. Khi rủi ro xảy ra có chuyện bán tín bán nghi, phân giải không thành thì cũng: "... Đứng trước đình ấp chúng tôi xin thề, kẻ nào gian dối thì cả đời không có gạo mà ăn".
Người ta thề... không có gạo mà ăn vì đình ấp Tu Lễ nguyên thủy là một kho lương chẩn tế.
 
Đình Tu Lễ, địa chỉ hiện tại: Ngã ba Tin Lành, 116 Phan Chu Trinh, Hội An.
 
Ngày trước, dưới làng là... ấp. Theo văn bia (đã mờ nhạt, được nhà biên khảo Phạm Thúc Hồng đọc ghi tại chỗ như dưới đây), mùa đông năm 1856, làng Cẩm Phô xảy ra nạn đói. Một số nhà hảo tâm đã nhanh chóng quyên tiền cứu trợ, lập kho chẩn bần, cứu tế gọi là CẨM PHÔ NGHĨA THƯƠNG.
 
Văn bia lập năm 1864 ghi lại việc lập kho lương
Tự Đức thập bát niên lục nguyệt cốc đán
 
Phiên âm: Bính Thìn chi đông, Cẩm Phô xã trị tuế hiết dân gian thực hồ chi bính hương sản dã xuất tiền ngũ bách quan, túc ngũ giốc mưu chư tú tài, bá hộ lý dịch, khuyến đạo chư nhân thính tùng lạc quyên đắc tiền tứ thiên thất bách dư dĩ chẩn bần chi tại số vu ư. ... ... ...
 
Dịch nghĩa: Mùa đông năm Bính Thìn (1856) suốt năm dân gặp nạn thiếu đói, rõ ràng đã xảy ra, nên làng xuất năm trăm quan tiền, năm thùng gạo lo công việc. Các vị tú tài, bá hộ, lý dịch, khuyến khích mọi người lạc quyên đạt được số tiền hơn bốn ngàn bảy trăm để chẩn bần theo số lượng như thế.
Cũng ngày tháng năm ấy (Bính Thìn) thu thập nguyên liệu họp thợ xây dựng nhà kho chứa lương thực lấy tên gọi là "Cẩm Phô Nghĩa Thương" và mong ghi lại thực tế điều này. 
Người xưa đã làm nhà kho vì việc nghĩa, mong mọi người chăm lo cùng làm việc nghĩa, phát huy lòng thương xót chu cấp vì nghĩa. Rồi theo suy nghĩ riêng phát triển thành tường vách phô trương việc nghĩa nhằm toại nguyện. Hiện nay có nhà kho xã nên việc nghĩa thêm phát triển. Không lấy nghĩa mà làm lợi, cũng không lấy đó mà tính lợi hại.
Trước hết, việc nghĩa một thời mà thành trăm năm, mong không thiếu hụt. Tên kho nghĩa làm việc thiện, nay ghi chép lại vậy.
Tiến sĩ hiệu: Xuân Viên, nhận chức Bố chánh sứ tỉnh Hà Nội, ông họ Lê soạn.
Buổi sáng mùa lúa, tháng sáu năm Tự Đức thứ tám (1864).
 
Thời gian qua, nhà kho này không còn sử dụng nên dân ấp Tu Lễ cải thành đình Tu Lễ vào năm 1908. 
 
Xà cò tiền đình ghi:
Duy Tân nhị niên, Mậu Thân trọng đông cát đán
Cẩm Phô Tu Lễ ấp, bổn ấp đồng kế tạo
("Kế tạo" chứ không phải "trùng tu", chứng tỏ có sự thay đổi mục đích sử dụng từ "nhà kho thành "đình").
 


Hiện tại, đình bố trí năm gian thờ trang nghiêm
 
Gian chính giữa thờ hai thần chủ:
ĐẠI CÀN QUỐC GIA NAM HẢI TỨ VỊ THÁNH PHI TÔN THẦN
(Đây là Thủy thần đứng đầu được sắc tứ vào hàng Thượng đẳng thần) 
BỔN XỨ THÀNH HOÀNG ĐẠI VƯƠNG TÔN THẦN
(Thành 城: trong gọi là thành, ngoài gọi là quách; Hoàng : hào nhưng không có nước bao bọc thành. Đây là Thổ thần được sắc tứ vào hàng Thượng đẳng thần)
 
Hai gian cận giữa phụng thờ âm linh cô hồn
 
Hai gian biên thờ tiền vãng liệt vị của các thế hệ dân bổn ấp
Nơi các khám thờ cũng có vài câu đối:
Lễ chi hữu công tắc tự
Thư viết hàm chật vô văn
(Lễ - tín thành còn hơn cúng
Sách - súc tích đâu cần văn)
Kim tích diệc đồng trù loại
Kính ái bất ngoại tôn tân
(Thủy chung vẫn giữ lòng cố cựu
Ái mộ lại mong sự canh tân)
 
Nhìn lại lần nữa đình TU LỄ
 
Đứng trước ngôi đình cổ xưa này cũng là một kho lương từng cứu đói bao người, Chư huynh cứ tha hồ vọng tưởng.
Một thời đại đã sang trang và nhiều thế hệ đã đi qua. Những nghĩ suy đơn giản dễ tin theo đã không còn cùng với bao con người ngàn đời chất phát.