Tuyên bố Hội An về bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị 2017
- Thứ hai - 19/06/2017 09:42
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Như Báo CAND đã đưa tin, ngày 14-6, tại TP Hội An, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UNHABITAT) tại Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản với sự tham dự của đông đảo chuyên gia quốc tế, các nhà nghiên cứu, các cơ quan chính phủ và các nhà quản lý di sản đến từ Australia, Algeria, Argentine, Campuchia, Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Nicaragua, Paraguay, Senegal, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thái Lan, Trinidad và Tobago, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng Di sản Văn hóa thế giới Hội An là một ví dụ thú vị để xem xét đến các phương pháp tiếp cận tốt và chưa tốt trong lĩnh vực bảo tồn đô thị.
Việc quản lý và phát triển đô thị luôn là một chu trình xây dựng, phá hủy, tái phát triển hoặc tái sử dụng do nhu cầu của thay đổi trong xã hội, các luồng ảnh hưởng và những người đại diện về chính trị trong thành phố.
Hội An và các thành phố di sản có điểm tương đồng là trải qua hầu hết các quá trình già hóa về vật chất cũng như các giá trị xã hội gắn liền với hình thức xây dựng và ý nghĩa của nó.
Một góc Đô thị cổ Hội An.
Thành công lớn nhất của hội thảo lần này là việc các bên liên quan đã tìm được tiếng nói chung để ra Tuyên bố Hội An về bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị 2017.
Theo đó, các đại biểu tham gia hội thảo quốc tế này thông qua Tuyên bố về các nguyên tắc và khuyến nghị sau đây, hướng tới các cơ quan và chính quyền Trung ương và địa phương cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế:
1. Đảm bảo việc bảo tồn các đô thị lịch sử và di sản đô thị của Châu Á một cách có hiệu quả và công bằng, hướng tới cách tiếp cận toàn diện và xem xét bối cảnh nhận thức rộng lớn. Bối cảnh này bao hàm cả địa hình, địa mạo, thủy văn và các đặc điểm tự nhiên, môi trường được xây dựng, cả trong lịch sử và hiện tại, cơ sở hạ tầng trên và dưới lòng đất, các không gian mở và vườn tược, mô hình sử dụng đất và tổ chức không gian, nhận thức và các mối tương quan thị giác, cũng như các yếu tố khác thuộc về cấu trúc đô thị của một khu di sản. Bối cảnh này cũng bao gồm các khía cạnh phi vật thể liên quan đến sự đa dạng và bản sắc, chẳng hạn như các thực hành và giá trị văn hóa - xã hội hay các tiến trình kinh tế.
2. Cần có các chính sách và cơ chế rõ ràng, áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người nhằm đảm bảo sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc thiết kế, quản lý và chia sẻ công bằng lợi ích. Điều này sẽ hỗ trợ việc gắn kết các mục tiêu bảo tồn với công bằng xã hội và mức cuộc sống của người địa phương cũng như các chủ nhân và những người quản lý truyền thống của các yếu tố tạo nên di sản đô thị.
Các đô thị di sản, đặc biệt là các thành phố dọc bờ biển như Hội An đang phải đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, sạt lở bờ biển và thảm họa thiên nhiên.
3. Quản lý du lịch là một phần không thể tách rời trong mọi kế hoạch bảo tồn và quản lý các đô thị lịch sử. Khi được quản lý một cách phù hợp, các chức năng mới như dịch vụ và du lịch sẽ trở thành những sáng kiến kinh tế quan trọng có thể đóng góp vào sự thịnh vượng của cộng đồng cũng như công tác bảo tồn tại các khu đô thị lịch sử và di sản văn hóa liên quan, đồng thời đảm bảo sự đa dạng về kinh tế, xã hội và chức năng cư trú. Việc đảo đảm các dịch vụ và nhằm bảo vệ các di sản vật thể và phi vật thể có vai trò quan trọng đối với cả cộng đồng địa phương và khách du lịch.
4. Hợp tác công - tư nên được thúc đẩy thông qua quan hệ đối tác nhằm đảm bảo áp dụng thành công các sáng kiến mang lại cách thức và phương tiện giảm nghèo đô thị và thúc đẩy phát triển xã hội và con người. Tuy nhiên, việc gắn kết khu vực tư nhân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản không làm ảnh hưởng đến các mục tiêu quản lý, thay thế các sáng kiến địa phương, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như tính thống nhất toàn diện giữa các yếu tố di sản.
5. Đối với các công trình di sản gỗ dễ bị hư hại, cần có sự quan tâm và đầu tư đặc biệt đối với các đô thị lịch sử Châu Á nhằm phòng tránh và giảm thiểu rủi ro, đặt biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Ngoài ra, các chính sách và thực hành nhạy cảm sinh thái cần được xây dựng và đầu tư hướng tới tăng cường tính bền vững và chất lượng cuộc sống đô thị, đặc biệt liên quan đến tiêu thụ nước và năng lượng.
6. Việc tư liệu hóa và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể kết tinh trong tri thức truyền thống và nghề thủ công nên được coi là những bộ phận không thể tách rời trong các chiến lược bảo tồn đô thị. Tuy nhiên, việc khuyến khích sử dụng các kỹ thuật và vật liệu truyền thống như gỗ, đá hoặc đá vôi phải được thực hiện hết sức cẩn trọng, có tính đến các biện pháp bảo vệ rừng và trong chu trình tự nhiên của việc bảo vệ rừng.
7. Tăng cường tính liên kết giữa các quy định của địa phương và quốc gia với các cam kết quốc tế, hợp tác khu vực và chia sẻ kinh nghiệm thông qua việc giám sát và đánh giá thường xuyên của các cơ quan chính quyền Trung ương và địa phương với sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi của các tổ chức quốc tế.
8. Thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng lực, bao gồm hỗ trợ thực hiện Công ước Di sản thế giới và các công cụ có liên quan, bao gồm công tác chuẩn bị hồ sơ đề cử và lập kế hoạch quản lý di sản. Việc nâng cao năng lực cần có sự gắn kết với các bên liên quan, những người có quyền và những người ra quyết định, bao gồm cộng đồng địa phương, các chủ nhân truyền thống, các cán bộ có chuyên môn về di sản và nhà quản lý, hướng tới nhận thức chung về cách tiếp cận các khu đô thị lịch sử cũng như sự tham gia công bằng trong quá trình triển khai.
9. Nâng cao nhận thức của công chúng, sự tham gia và ủng hộ di sản thế giới cũng như các di sản khác, bao gồm cả các khía cạnh vật thể và phi vật thể, thông qua các cách thức truyền thông hiệu quả hơn.
10. Vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng trong việc hỗ trợ và tạo ra không gian cho đối thoại và hành động, trong công tác lập kế hoạch, thiết kế, thực hiện và giám sát các chính sách và chương trình, trong xây dựng cơ sở vật chất và nhận diện giá trị của di sản, tính đa dạng và sáng tạo cho phát triển bền vững. Cần có các mô hình phát triển đô thị toàn diện và nhạy cảm văn hóa nhằm thúc đẩy các quy trình mang tính toàn diện trong việc tiếp cận, đại diện và tham gia vào văn hóa. Tầm nhìn và cách tiếp cận này cũng là chìa khóa để đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc: “Làm cho các thành phố và các khu định cư trở nên toàn diện, an toàn, linh hoạt và bền vững”.
Ngọc Thi