Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Người với phố

Trong suốt diễn trình đô thị hóa toàn cầu, nơi nào cũng vậy, từ những khu vực nông thôn với cư dân thuần nông nghiệp, do nhu cầu trao đổi hàng hóa - lập tức người buôn bán (hay thương nhân) có mặt. Thời sơ khai, nghề buôn mang tính cá biệt, đơn lẻ, về sau hình thành nên một tầng lớp hoạt động phi nông nghiệp và chuyên môn “buôn có bạn, bán có phường”. Khu vực buôn bán hình thành - thường là những nơi trên bến dưới thuyền, những nơi đô hội, người dân đến hẹn lại về tụ hội - những nơi thuận lợi giao thương ấy hình thành nên những thị tứ, thị trấn với các chợ, các cửa hàng, cửa hiệu mọc lên rồi qua thời gian con người dựng nên phố xá…
images1304491 p

Phố cổ Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Cuộc sống rồi phát triển theo hướng hiện đại, nặng tính “ích dụng” và ngày càng khác xưa. Ngay những thành phố có thâm niên buôn bán như Hội An, Đà Nẵng, Tam Kỳ…, những cửa hàng chuyên bán một mặt hàng như ngày xưa, nay cũng đã thưa dần. Cả ở vùng nông thôn, nhiều hàng tạp hóa nhỏ lẻ chuyên bán “dầu đèn mắm muối” lúc xưa, nay cũng đã thành như một “siêu thị mini” với bao nhiêu là hàng hóa. Cung cách mua bán cũng đã khác. Không ai lại đi mua hàng rồi ký nợ khi bước vô “siêu thị” dù chủ nhân là người quen biết. Bạn bè bỏ phố đi xa, lâu lâu lại hỏi “quán đó còn không? chủ quán còn không?” - hàm nghĩa “nhớ món ngon thì ít mà nhớ người “ngon” thì nhiều”. Trong nỗi “bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người” ấy thường con người nhớ về nơi mình từng sống trong hạnh phúc, một ngôi nhà, một bờ cây, một bến sông, một góc ngồi trong quán xá…, tựu trung là những “kiến trúc ký ức đẹp” trong tâm tưởng - là những gì làm nên “hồn phố”, “hồn quê”…

Như vậy đâu chỉ các nhà văn, nhà thơ, các họa sĩ… mới là những người hay nói về việc giữ gìn “hồn phố” trong cơn lốc đô thị hóa. Trong lĩnh vực thiết kế đô thị - một khái niệm đã trở thành cốt yếu của lĩnh vực này - thì đó là kiến tạo nơi chốn (place-making). Theo một nhà quy hoạch, ở nghĩa giản dị, “kiến tạo nơi chốn” là làm sao cho nơi chốn trong một đô thị trở nên “đáng yêu, đáng nhớ, đáng sống và do đó đáng gắn bó” (Nguyễn Đỗ Dũng).

“Đất đã hóa tâm hồn” (ý thơ Chế Lan Viên) - một nơi chốn đáng yêu, đáng nhớ và đáng gắn bó là nhu cầu đậm tính nhân văn - tính người. Ở một nơi đáng sống khiến con người có một môi trường ích dụng về tiện nghi vật chất đồng thời cũng là nơi có môi trường tinh thần khoan dung, an lạc, thân thiện để con người có thể sống tử tế với mọi người, với thiên nhiên và với chính mình. Câu nói của Thủ tướng Anh từ mấy chục năm trước - ông Winston Churchill - nghiệm ra thật sâu sắc đối với thị dân: “Chúng ta xây nên những thành phố, để rồi sau đó, chúng dựng nên chúng ta”.

Thị dân mang diện mạo tinh thần của đô thị nơi anh ta sống. Tín hiệu hay mã nhận diện “căn cước thị dân” có nhiều - nhất là bao hàm một lĩnh vực rộng - đó là văn hóa. Người ta có thể “giải mã” ngay thị dân của đô thị nào qua cách ứng xử, giao tiếp, thói quen hành vi hay thậm chí niềm đam mê về một thú giải trí. Trong câu chuyện của những người “đồng hương” ở một đô thị nào đó mà nay thì họ sống ở một đô thị khác vì nhiều lý do thì bao giờ cũng là nhắc nhớ về khung cảnh cũ - phố xưa, người cũ - những ký ức đẹp của thời thơ dại, mảnh sân, căn nhà, góc phố, con đường, những khuôn mặt dấu yêu, những người cũ khó có thể quên. Trong văn chương, từ rất lâu đã có bệnh hoài nhớ về một nơi chốn tri kỷ và con người đâm ra yêu phố như một tình nhân -  “phố bỗng hoang vu từ lúc em đi” (lời bài hát “xin còn gọi tên nhau”) và những người đồng hương gặp nhau là ngồi lại, cùng chia sẻ cái gọi là “ký ức tập thể” về phố cũ.

Một thành phố của tiện nghi vật chất với những “con người máy” - vô cảm hoặc không chia sẻ bất cứ một hoạt động tinh thần nào chắc chắn sẽ không có ký ức trong mỗi con người đang sống với phố. Một thành phố không có cây xanh, mặt nước mà chỉ là những khối bê tông cao tầng san sát nhau thì cũng khá nghèo ký ức - nhất là không có “mặt bằng ký ức” - vốn là cảm quan quen thuộc của người “làng xã” ở nước ta. Một món quà của ông cha ta khi xây dựng các đô thị là những con sông trong lòng phố và những mặt hồ soi bóng cây xanh, tạo nên một môi trường thiên nhiên thân thiện, lành sạch. Phố bên sông cho chúng ta ký ức “phố thò chân nghịch nước bờ sông” (Hội An - Nguyễn Ngọc Hòa) hay cho dù một ký ức buồn  “gió trên cao đã rao buồn mấy phố/ chừ về bên người rồi về cũng như không” (Kim Long và em - Đỗ Văn Khoái). Các đô thị đang phát triển đang đối mặt với xu thế cao tầng đồng thời là xu thế thiếu vắng không gian công cộng, những nơi chốn để thị dân thư giãn, hẹn hò. Làm thế nào để những “thành phố sông” giữ được những con đường ven sông thoáng rộng và người đi dạo không bị hàng quán quấy rầy, chèo kéo.

Phần lớn các đô thị ở ta đang phát triển thiếu bền vững. Trước hết nạn tăng dân số cơ học là “quá tải” sức cung ứng của “hạ tầng đô thị”. Năm 1986 dân số đô thị dưới 13 triệu thì đến năm 2015 đã hơn 30 triệu người, khiến mật độ cư dân nội thành và ngoại thành ở các đô thị mất cân đối nghiêm trọng. Giao thông, dịch vụ dân sinh ở “trung tâm” bị dồn ứ, bất cập. Nhiều đô thị có cảnh quan đẹp buộc phải “hy sinh” cho việc xây dựng các công trình chung cư cao tầng khiến cho phần “tâm linh” - các di tích văn hóa - tín ngưỡng - cảnh quan ngày càng bị thu hẹp và những vấn nạn về “quy hoạch đô thị” luôn được đặt ra trong đà phát triển. Cần có nhiều thế hệ thị dân mới có được ký ức văn hóa để làm nên một truyền thống văn hóa của một đô thị. Một khi đã có truyền thống văn hóa thì thành phố đó bao giờ cũng “đáng sống”; nếu đặt vấn đề “so với cái gì, điều gì?” thì thị dân sẽ nói - ngoài những tiêu chí định lượng về vật chất, mà quan trọng là những tiêu chí định tính về tinh thần - rằng ở đó có gì để nhớ, để yêu, để về và cảm biết mình hạnh phúc.

PHÙNG TẤN ĐÔNG.