Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Người đổi sách đặc biệt ở Hội An

Với phẩm chất nhân tình thuần hậu của mình, nhiều người dân phố Hội đã làm rất nhiều việc ý nghĩa, nhân văn. Vì vậy, vườn hoa xuân “người tốt việc tốt” của thành phố ngày càng xuất hiện thêm nhiều những bông hoa đẹp.

Nhân dịp xuân mới, Website Hoianrt.vn trân trọng giới thiệu với bạn đọc một người đổi sách đặc biệt ở Hội An, đó là ông Nguyễn Đình Cừ, ở đường Phan Bội Châu, phường Sơn Phong. Ngoài công việc này, ông cũng là người làm việc thiện, giúp đỡ các học sinh, sinh viên nghèo khó có điều kiện học tập tốt hơn, góp phần ươm những “mầm xuân” cho quê hương đất Quảng.

Trong sắc xuân mới của đất trời, những đóa hoa tươi thắm bên hiên nhà, mái phố đã chớm nở như muốn tô điểm cho tuyến đường Phan Bội Châu, một tuyến phố mang đậm phong cách kiến trúc Pháp ở Hội An.

Trong lúc thả bộ nhìn ngắm một phố Pháp xưa cũ tại Hội An và cảm nhận không khí tết của người dân địa phương, chị Jaséphine - một Du khách đến từ thủ đô Pari tráng lệ tình cờ dừng chân ngay ở ngôi nhà số 43, đường Phan Bội Châu. Điều gì đã thu hút chị, khiến chị chững lại và nhẹ nhàng bước vào? Đó không phải là cửa tiệm thời trang hay mỹ phẩm, trang sức dành riêng cho phái nữ, mà đó chính là một quầy đổi sách. Jaséphine không giấu được niềm vui và thú vị. Chị bước vào gặp ông chủ tiệm Nguyễn Đình Cừ và xin phép được xem sách tại quầy.

ONGCU1902182

Chị Jaséphine - du khách pháp trao đổi với ông Nguyễn Đình Cừ về những cuốn sách quý- Ảnh: Lê Hiền

Bước đến giá sách được xuất bản bằng tiếng Pháp, Jaséphine xem qua tên và tác giả in ở từng cuốn. Điều khiến chị thấy ngạc nhiên nhất là những cuốn sách tưởng chừng như khó tìm thấy tại một số phòng đọc, nhà sách ở đất nước chị lại hiện diện ở đây, dù bản in đã cũ theo năm tháng. Ngoài những tác phẩm văn học cổ điển nổi tiếng trên thế giới của nền văn học Pháp, trong quầy sách này còn có rất nhiều cuốn viết về các vị vua và hoàng đế Pháp kiệt xuất như Napoleon hay nhà vua Louis XIV, người được mệnh danh là nhà chinh phạt vĩ đại nhất nước Pháp. Cầm trên tay cuốn sách về những danh nhân này, Jaséphine biểu lộ niềm vui mừng trông thấy. Chị đọc nhanh một số trang rồi quay sang trò chuyện với ông chủ tiệm về văn hóa Pháp và ngõ ý đổi sách mang về khách sạn. Ông chủ tiệm Nguyễn Đình Cừ cũng ôn tồn, vui vẻ trò chuyện và đồng ý cho Jaséphine được đổi 2 cuốn lấy 1 cuốn như quy ước đổi sách mà cửa tiệm đang áp dụng bấy lâu. Đổi được sách đọc, Jaséphine phấn khởi: “Với tôi, đọc sách là niềm đam mê. Khi đến hiệu sách này, tôi thấy rất hay là cửa tiệm đã hội tụ được rất nhiều loại, trong đó có những cuốn mà tôi chưa từng đọc qua. Tôi sẽ ở lại Hội An thêm vài ngày để đọc những cuốn sách mà tôi yêu thích, sau đó trả lại cho người khác đọc”.

Cùng với các cuốn sách in bằng tiếng Pháp, trong phòng đổi sách của ông Nguyễn Đình Cừ còn có rất nhiều loại sách hay được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng: Anh, Đức, Nhật, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch.... Để dễ quản lý, ông Cừ cũng phân chia sách theo cách của các thư viện. Giá sách được chia thành từng kệ nhỏ và có biển chỉ dẫn cụ thể để giúp mọi người dễ tìm. Ông chia sẻ rằng, Hội An có rất nhiều du khách đến từ các nước khác nhau nên sách ở “kho” của ông cũng rất đa dạng. Ngoài nguồn sách mà người con rể ông gửi lại khi chuyển nghề đổi sách trước đây, sau 13 năm làm công việc này, đến nay phòng sách nhà ông Cừ có đến gần 5 ngàn đầu sách. Tuy không biết hết tất cả các ngoại ngữ nhưng sau nhiều năm như vậy, ông biết cách cảm nhận và đánh giá giá trị, nội dung của các cuốn sách mà du khách mang đến đổi.

ONGCU190218

Ông Cừ dọn dẹp, bày trí, nâng niu những cuốn sách của mình- Ảnh: Lê Hiền

Để có được những kệ sách dù đã cũ nhưng vẫn còn tinh tươm, mỗi ngày ông Cừ cũng dành nhiều thời gian để sửa soạn. Quyển nào cũ quá, khách đem đến đã cong bìa hoặc có vết rách nhỏ ông lại tìm cách sửa lại. Mỗi ngày ông đều đặn mở cửa để du khách đến đổi trả, giao lưu văn hóa đọc, trao đổi tri thức là chủ yếu. Ông cũng “bật mí” rằng, có nhiều người ngỏ ý muốn thuê nhà của ông để kinh doanh nhưng ông thấy không nỡ bỏ công việc đổi sách này. Ông thật thà bộc bạch: “Cái này không phải là một cái dịch vụ, nghề thì cũng không phải nghề. Dịch vụ này rất là ích lợi, ích lợi về văn hóa, đời sống. Chứ nếu chỗ này mà làm ra tiền thì sao bằng quán nhậu, cà phê được. Đứng về sách, nói về kinh doanh thì sách không “ăn”, không so bì được. Họ bán đồ lưu niệm, tò he, áo da… mà có ăn đó. Cái hay của công việc này là mình tiếp xúc với đối tượng có văn hóa. Hay cái chỗ đó. Có văn hóa vui lắm! Từ chào hỏi, trả tiền, cảm ơn, họ lịch sự lắm, vô chào hỏi, đi cảm ơn. Giao lưu trí thức thì không so bì với cái vật chất được. Tôi nghĩ, chuyện này còn làm chuyển biến văn hóa đọc trong mọi người.

Là một cựu giáo chức nay đã ngoài 70 tuổi, lại nguyên là Phó Chủ tịch Hội khuyến học phường Sơn Phong nên ông Nguyễn Đình Cừ rất quan tâm đến sự nghiệp trồng người. Thương những sinh viên nghèo khó, ông đã đứng ra vận động người chị họ là bà quả phụ của bác sỹ Tạ Trung Quấc, một trí thức yêu nước du học và làm việc tại Pháp từ trước giải phóng, hình thành quỹ học bổng tại Quảng Nam. Có nguồn quỹ, ông tìm cách thông tin tới các hội khuyến học các địa phương trong tỉnh cho sinh viên nghèo biết, mỗi năm vào ngày 23 tháng Chạp đến nhận mỗi em 2 triệu đồng. Cả khóa học, các em nhận từ 8 đến 10 triệu đồng. Tuy nhiên để nhận được học bổng Tạ Trung Quấc, ông Cừ cũng quy ước các em phải học tập nghiêm túc ở trường, mỗi kỳ không được thi lại quá 3 môn. Năm nào không đạt sẽ bị cắt cho đến khi đạt chuẩn trở lại sẽ được nhận tiếp. Nói vậy chứ trong danh sách nhận học bổng không có em nào bị ngưng nửa chừng. Ngoài việc cấp học bổng, ông Cừ và vợ cũng thường lặng thầm làm từ thiện. Mỗi khi đọc báo thấy hoàn cảnh thương tâm, ông bà lại gói ghém ít tiền gửi đến những số phận không may. Ông Cừ chia sẻ: “mình làm việc thiện thì cứ thầm lặng mà làm. Đừng làm phúc vì danh tiếng hay vì mục đích khác, như vậy sẽ không còn ý nghĩa.”.

Ngày đầu xuân mới, nghe lời bộc bạch của ông Nguyễn Đình Cừ càng thấm câu khẩu hiệu đang được trang trí ở các địa phương: Hãy làm nhiều việc tốt để đón mừng năm mới. Mỗi người mỗi việc tốt sẽ góp thêm những đóa hoa tươi thắm để mùa xuân cuộc đời thêm những “bông hoa đẹp”, nhân văn, thấm đẫm tình người. 

Lê Hiền

Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An