Đạo hiếu của người Hội An (Tiếp theo)
- Thứ tư - 17/08/2016 08:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kỳ 2: “Chất liệu” để xây dựng thành phố văn hóa.
Chúng tôi tìm đến gia đình cụ ông Phan Quốc Hoành, hiện ở tại nhà 153 khối An Thắng, phường Minh An đúng vào lúc ông đang thư thái đọc sách. Không gian ngôi nhà cổ hình ống, tiếp giáp với 2 tuyến đường Trần Phú và Bạch Đằng, có sân trời thoáng đãng ở giữa đã xua tan không khí oi nóng bên ngoài. Dù đã ở tuổi 83, cái tuổi xưa nay hiếm nhưng cách trò chuyện mẫn tiệp, thông thái của ông vẫn có sức hút với mọi người. Ông kể, thời còn trẻ, một người con gái Quảng Bình vì mến đất, mến người đã kết duyên cùng ông, suốt bao năm qua gắn bó với ông nơi phố Hội. Hai ông bà đều là giáo viên, từng được rất nhiều người Hội An biết đến. Giờ đây, khi tuổi đã cao, ở giữa lòng phố cổ, mỗi ngày họ đều giữ những sinh hoạt dung dị, mộc mạc, điềm đạm, đó là trò chuyện với các cháu, rồi đọc sách, uống trà, chăm sóc cây cảnh trong sân trời và cho bầy chim sẻ ăn trên mái ngói ngôi nhà cổ. Bấy lâu nay, sống chung với con cháu, mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà đều diễn ra ấm êm hòa thuận, có trên có dưới. Giữ được nề nếp gia phong nên gia đình ông luôn được mọi người mến mộ. Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo, với ông, đó là tài sản lớn nhất của cuộc đời và cũng là điều làm ông mãn nguyện nhất khi về già. Và có lẽ, sự hài lòng mãn nguyện ấy đã giúp ông bà mỗi ngày sống vui, sống khỏe; mỗi năm lại thêm một tuổi mới để đại thọ cùng con cháu. Ông Phan Quốc Hoành chia sẻ: “Đối với gia đình ông cũng như gia đình người khác, nói chung là đa số vẫn tuân theo cái nề nếp đối với cha mẹ ông bà, con cháu rất là có hiếu. Tất cả những việc cha mẹ ông bà nói nó nghe. Chính nó nghe như vậy cho nên cái việc giáo dục xã hội của các đoàn thể đỡ bớt đi. Cái gia đình mà tốt thì con người nó cũng tốt, rồi nó lan tỏa ra, không phải đoàn thể giáo dục nữa. Ông thấy hiện nay ở Hội An mình thì cũng có nhiều nhà có nề nếp giáo dục gia đình rất mẫu mực, thế là tốt quá rồi còn chi nữa. Giờ mình cũng không còn đòi hỏi gì ở con cái, bởi vì nó đối xử với mình luôn coi trọng, hiếu thảo như vậy là mãn nguyện lắm rồi. Thời còn trẻ, ông cũng không tính toán chi nhiều, đến chừ cũng đâu có nhà để lại cho con cháu. Ở, đây ở nhà thờ, thế mà giờ con cái luôn lo gìn giữ, chúng nó không trách sao không có nhà cho con, chúng vẫn lo chu toàn mọi việc, rồi lo sửa sang mồ mã, thế là mừng, là mãn nguyện rồi”
Việc thường ngày của cụ ông Phan Quốc Hoành bên trong ngôi nhà cổ
Cũng từ câu chuyện với cụ ông Phan Quốc Hoành chúng tôi được biết, ở Hội An trước đây có rất nhiều gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống với nhau một cách hài hòa, tình cảm, đoàn kết, gắn bó. Ngay cả ở thời kỳ kinh tế còn khó khăn, các gia đình vẫn giữ nề nếp gia phong, con cháu hiếu thảo với ông bà cha mẹ và ngược lại, ông bà cha mẹ luôn yêu thương, chở che con cháu. Ngày nay, khi kinh tế du lịch thương mại phát triển, nhiều gia đình ở khu phố cổ đã tạm ra ngoài cư trú nhưng thâm tình ruột thịt trên dưới vẫn được gìn giữ thông qua các buổi đoàn tụ lễ tết, cúng kiếng giỗ chạp tổ tiên, tộc họ, lễ mừng thọ cho ông bà. Vì điều kiện cuộc sống, việc sum họp tuy thưa hơn trước kia nhưng cũng không vì thế mà con cháu lãng quên tình cảm, trách nhiệm với ông bà, cha mẹ. Nhiều người cho rằng xuất phát từ lòng hiếu thuận của người Hội An mà ở vùng đất này, từ những xã nông thôn tới các phường đô thị đều có nhiều món ăn đặc biệt, phù hợp với người cao tuổi, như các loại bánh Nậm, bánh Xoài, bánh Ướt, bánh Da Lợn, Đậu Xanh, bánh Tổ hay những món ăn mềm, dễ tiêu như cháo đậu Đỏ, đậu Đen hầm, đậu hủ, xí mà… Không chỉ thể hiện lòng hiếu thảo bằng việc chăm sóc, phụng dưỡng, trong đời sống tâm linh của mình, người Hội An cũng có cách riêng để thể hiện tình cảm với ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Ông Lê Huyễn, Thủ từ chùa Ông cho biết: “Đối với đạo hiếu của người Hội An thì đầy đủ lắm, đảm bảo một gia đình có đạo hiếu gia phong rõ ràng. Họ giáo dục con cái, biết hiếu thảo với cha mẹ, tôn kính ông bà. Đạo hiếu của Hội An là một trong những điều mà có thể nói là hơn các cái chỗ khác, vì người Hội An luôn luôn hiền hòa. Để mà tỏ lòng tôn kính ông bà cha mẹ tổ tiên, trời phật thì Hội An rất là tôn trọng cái đó, giữ gìn cái điều đó rất là tốt. Ví dụ như là sắp tời đây là rằm tháng 7 lễ vu lan, mùa báo hiếu và cũng là ngày xã tội vong nhân, ông bà ở nơi chín suối cũng được hàn hưởng với con cái trong gia đình, thì người ta cũng dùng cái lễ để cúng vái tỏ lòng hiếu đạo với ông bà cha mẹ. Những người theo đạo phật, phật tử người ta luôn đến chùa để tụng kinh nguyện cầu cho ông bà mình được siêu thoát, cái điều đó rất là quan trọng.”
Từ phẩm hạnh và ý nguyện của người dân địa phương, những năm gần đây, vào dịp rằm tháng 7, thành phố Hội An đều tổ chức lễ hội hoa đăng và vu lan báo hiếu. Người dân và du khách được tham gia các hoạt động thiêng liêng và ý nghĩa như thả hoa đăng cầu nguyện, thực hiện nghi thức “Bông hồng cài áo”… Hoạt động này đang được duy trì và đã trở thành một sản phẩm văn hóa đẹp ở Hội An, được nhiều người mong đợi, yêu thích. Và cũng trong những năm gần đây, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tộc họ văn hóa được phát động sâu rộng tại cộng đồng dân cư đã tạo động lực cho mọi người, mọi nhà hướng đến xây dựng gia đình văn hóa, trong đó lòng hiếu thảo, sự đoàn kết, hòa thuận giữa các thành viên trong từng gia đình là yếu tố cốt lõi. Đây cũng chính là “chất liệu”, là nền tảng then chốt để Hội An khởi xây thành phố văn hóa sinh thái du lịch. Nói về nội dung này, ông Trần Ánh - Phó Bí thư thường trực thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Hội An thành phố văn hóa, nhận định: “Trong xu thế hiện nay, khi xã hội đang có quá nhiều thay đổi, làm cho những giá trị truyền thống ít nhiều bị biến đổi theo chiếu hướng tiêu cực thì việc duy trì bản sắc thuần hậu của người Hội An nói chung, trong đó đặc biệt là lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà cha mẹ nói riêng là những giá trị rất đáng được tôn trọng và tôn vinh. Không chỉ lòng hiếu thảo này là bổn phận của con cháu đối với ông bà cha mẹ mà mà đó còn là những giá trị hết sức nhân văn, văn hóa mà xã hội ta đang hướng tới. Trong những năm qua, thành phố Hội An đang thực hiện chủ trương xây dựng thành phố sinh thái, văn hóa du lịch, thì một trong những nội dung quan trọng để xây dựng gia đình văn hóa có yếu tố hiếu thảo của con cháu đối với ông bà cha mẹ. Nếu như lòng hiếu thảo, đạo lý truyền thống của Hội An được gìn giữ, thực hiện thì đó là nền tảng để xây dựng thành phố văn hóa. Mà gia đình văn hóa là một tế bào quan trọng để xây dựng thành phố văn hóa nói chung.”
Phẩm chất thuần hậu, đạo hiếu của người Hội An trở thành vẻ đẹp đặc trưng cho vùng đất di sản văn hóa
Cứ như vậy, đạo hiếu của người phố Hội được gìn giữ, tôn vinh. Để rồi, dù đâu đó vẫn còn những “hạt sạn” trong ứng xử nhưng trên chặng đường hội nhập, mở cửa đón khách của mình, Hội An sẽ luôn đổi mới nhưng không đổi màu, hòa nhập nhưng không hòa tan, hay nói cách khác phẩm hạnh, nếp sống thuần hậu của cư dân địa phương sẽ không lẫn tạp, đổi thay, dù cho mỗi ngày có hàng trăm du khách đặt chân đến nơi này giao du, thưởng ngoạn.
Bài & ảnh: Lê Hiền