Cộng đồng chung tay vì di sản
- Thứ năm - 07/12/2017 16:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bao lâu nay, người dân xã Cẩm Hà đã trở nên quá quen thuộc với hình ảnh cụ ông Nguyễn Văn Tin ở thôn Trảng Kèo thường ngày chạy chiếc xe máy Chaly phân khối nhỏ đến miếu Âm Linh để trông nom, quét dọn, hương khói.
Đã 80 tuổi nhưng ông còn rất minh mẫn. Câu chuyện ông chậm rãi kể với chúng tôi không hề bỏ sót một chi tiết nào về quá trình trường tồn của ngôi miếu. Theo ông, cũng như đất và người Hội An nói chung, ngôi miếu Âm Linh và các công trình di tích ở Cẩm Hà đã trải qua nhiều thăng trầm biến sự. Giờ đây cái còn, cái mất nhưng tất cả vẫn in hằn trong tâm trí của ông.
Qua hai cuộc kháng chiến và quảng thời gian dài sau giải phóng, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, có thời điểm, miếu Âm Linh ở thôn Trảng Kèo cũng hương tàn khói lạnh, xuống cấp, mối mọt, dột nát. Không đành lòng, Chính quyền thành phố và bà con nhân dân chung tay góp sức tu bổ, chỉnh trang để làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng và gìn giữ công trình cho mai sau. Bà con trong xã thi thoảng ngày rằm, mùng một, tết nhất ghé lại thắp hương.
Cụ Nguyễn Văn Tin thường ngày hương khói, chăm sóc miếu Âm Linh ở thôn Trảng Kèo – xã Cẩm Hà-
Ảnh: Phú Toàn
Với ông Tin, ngôi miếu này không chỉ là nơi để tri ân các thế hệ tiền nhân có công lập đất, dựng làng mà còn là nơi thờ phụng những người đã hy sinh trong kháng chiến. Ông quan niệm, có nơi thờ phụng yên ổn như vậy sẽ giúp các đồng chí, đồng đội được an nghỉ vô ưu. Việc ông trông miếu, hương khói thường ngày ở đây đều xuất phát từ tấm lòng chân chất, nghĩa tình của một người dân phố Hội. “Bác năm nay 80 tuổi rồi nhưng mà còn rất là lo. Mùa nắng thì chăm sóc tưới mấy cái cây, dân làng tới đông đúc có bóng mát để ngồi. Hay là các vị khuất mặt cũng tập trung về hết đây, xa mồ lạc nấm, rồi các những người hy sinh trong kháng chiến, vô danh không biết được quê hương, người thân ở đâu, không ai hương khói thì họ cũng tập trung về đây. Do đó mà bác lo. Trước đây, mối mọt ăn đổ nát cái miếu này, bác cũng đã lo. Bây giờ, lo quét dọn hương khói theo cái tâm của mình thôi. Mình nghĩ bao nhiêu đời trước đây gian khổ, hai cuộc kháng chiến hy sinh mất mát rất nhiều người, bây giờ còn bác, mình còn biết nên thôi kệ cố gắng, lo cho bề trên, lo cho vong linh của các chiến sỹ. Rứa đó, bác nghĩ rứa đó mà làm thôi” - Ông Nguyễn Văn Tin bộc bạch.
Cũng như cụ ông Nguyễn Văn Tin ở thôn Trảng kèo xã Cẩm Hà, lâu nay, tại Hội An có rất nhiều người tự nguyện thu xếp công việc gia đình, dành thời gian để lo công việc chung của các đình, miếu, hội quán. Việc làm của họ có tính kế thừa các thế hệ tiền nhân và cũng vì chữ tâm, trách nhiệm với cộng đồng. Ngoài việc liệu lo, sắp xếp chuyện cúng tế theo lệ thường ở từng di tích, các cụ còn trông coi, bảo vệ khuôn viên, cảnh quan để giữ gìn sự tôn nghiêm và các giá trị văn hóa truyền thống. Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo quản, giữ gìn di tích, tùy tình hình thực tiễn, các địa phương cũng đã hình thành Ban đại diện bảo tồn di tích văn hóa, trong đó, chủ yếu là người lớn tuổi, am hiểu lịch sử văn hóa và di tích. Tại Đình Sơn Phong, một di tích lịch sử văn hóa Cấp Quốc gia hiện nay có 13 thành viên trong Ban Đại diện bảo tồn di tích văn hóa, do ông Trần Duy Năm làm trưởng Ban. Ban Đại điện đảm nhận trách nhiệm trực tiếp quản lý cơ sở vật chất, bảo tồn đình làng và tổ chức lễ tế định kỳ thường niên. Ông Trần Duy Năm cho biết: “Chúng tôi cố gắng giữ di tích này để nối tiếp cho về sau. Con cháu chúng ta có một nền tảng văn hóa lịch sử cổ truyền của ông bà để lại, từ đó uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, nhớ công ơn tiền nhân đã xây dựng cái đình làng. Chúng tôi đây đều là những người nối gót theo công việc của cha mình đã từng làm công việc này cho đình và mong rằng các thế hệ sau này kế thừa để bảo vệ di tích lịch sử Quốc gia và của dân làng địa phương”
Các thành viên trong Ban đại diện đình Sơn Phong theo dõi hiện trạng xuống cấp bên trong di tích để đề xuất tham mưu sửa chữa- Ảnh: Phú Toàn
Một thành phần rất quan trọng góp công sức rất lớn trong việc cùng với nhà nước trùng tu, bảo tồn di tích đó chính là cộng đồng cư dân bản địa. Nhân dân ở các xã phường có di tích hầu hết đều phụng cúng, đóng góp công sức, tiền của theo lòng hảo tâm của mình. Số tiền cộng đồng cư dân cúng tế tại các di tích được dùng để hương hỏa, mua sắm vật phẩm trang trí bên trong di tích và đặc biệt còn được dùng để sơn phết, tu bổ, sửa chữa lớn, phục dựng lại nhiều công trình. Ông Nguyễn Văn Mai, một trong rất nhiều người dân ở phường Sơn Phong đã công đức tu bổ di tích Đình Sơn Phong cho hay: “Hàng năm đến ngày tế xuân tế thu, chúng tôi thường công đức để sửa chữa đình làng ở đây, nhưng có điều là hiện tại thấy đình có phần hư hại, chúng tôi có công đức nhưng không đủ. Xin giúp đỡ của trên”
Mười tám năm nay, cùng với các nguồn ngân sách của Trung ương và địa phương, nguồn tài trợ trong nước và quốc tế, công đồng cư dân Hội An đã chung tay, đóng góp rất lớn trong công tác bảo vệ, tôn tạo di tích. Nhiều công trình tên tuổi như Chùa Ông, đình Sơn Phong, đình An Mỹ, đình Nam Diêu… và kể cả các nhà thờ tộc đã được người dân góp công sức, tiền bạc, đặc biệt là thời gian tu bổ, bảo vệ. Các di tích phân bố từ nội thị đến vùng ven, từ đất liền đến hải đảo nên việc giữ gìn, bảo vệ, quản lý di tích đạt được kết quả như ngày hôm nay phải kể đến công sức của cộng đồng. Ông Tống Quốc Hưng, Phó Trưởng phòng VHTT thành phố nhận định: “Như chúng ta đã biết hệ thống di tích trên địa bàn thành phố, đặc biệt là trong khu di sản có hơn hơn 80% thuộc sở hữu của tập thể và tư nhân. Cho nên trong nhiều năm qua, ngoài kinh phí của Nhà nước đầu tư tu bổ các di tích, sự đóng góp của cộng đồng cư dân là rất lớn, kể cả trong khu di sản cũng như ở ngoài vùng ven khu phố cổ. Có thể nói rằng là ý thức bảo tồn và phát huy di sản của người dân Hội An là rất cao. Thứ nhất là do họ chính là chủ sở hữu, thứ hai là họ có được ý thức là muốn làm đẹp cho Hội An và gìn giữ di sản thì bên cạnh đó cũng mạng lại lợi ích kinh tế cho chính họ nên người ta rất quan tâm đến việc bảo tồn các di tích, bên cạnh sự giúp đỡ của nhà nước.”
Có thể nói, bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm với lịch sử văn hóa của vùng đất Hội An, những người dân nơi đây vẫn đang ngày ngày lặng thầm giữ gìn và bảo tồn di tích. Điều đó góp phần làm nên những giá trị vững bền cho Di sản văn hóa thế giới Hội An.
Lê Hiền