Vốn "đối ứng" cho văn hóa Hội An
- Thứ năm - 27/12/2012 07:47
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hội An gìn giữ được văn hóa từ ý thức bảo tồn di sản của cha ông và sức sống văn hóa trong mỗi người dân.Ảnh: QUỐC HẢI |
Khơi dậy mạch nguồn
“Như tất cả các vùng đất, văn hóa Hội An bắt nguồn từ những giá trị truyền thống và khó có thể mô tả được. Tuy nhiên, khi chúng ta khơi đúng mạch nguồn, văn hóa đã thực sự là động lực cho sự phát triển về mọi mặt của Hội An hôm nay” - ông Nguyễn Hưng, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nói. Đó là cả một quá trình được bắt đầu từ những năm 1990, khi Hội An vẫn còn là thị xã, đời sống nhân dân nhiều khó khăn. Lúc bấy giờ, quan điểm của Đảng bộ thị xã là phải bảo lưu cho được các giá trị văn hóa truyền thống mới có thể đối diện và tiếp nhận những xung động và đòi hỏi của yêu cầu phát triển. Chính vì thế, bên cạnh quyết tâm đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vấn đề giữ gìn, xây dựng nếp sống văn hóa và phát triển sự nghiệp văn hóa đã được Đảng bộ thị xã đặc biệt quan tâm bằng các chủ trương, quyết sách sáng tạo, phù hợp và kịp thời.
Năm 1993, Ban Thường vụ Thị ủy Hội An đã ra Chỉ thị 06 về “Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hóa” với mục tiêu chính là xây dựng “Gia đình hòa thuận - xóm phố yên vui - xã hội kỷ cương - phố thôn sạch đẹp”. Trong đó, cốt lõi là xây dựng nếp sống cá nhân, nếp sống gia đình và nếp sống xã hội lành mạnh, văn minh. Đến năm 1996, tiếp tục lồng ghép vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”.
Bà Bùi Thị Tân Xuân - chủ nhân nhà cổ Tấn Ký Hội An nhớ lại: “Lúc đó mọi nhà đều khó khăn nhưng ai cũng nghĩ rằng bó đũa thì không thể bẻ gãy nên mỗi người đều có trách nhiệm giữ gìn từng mảnh vườn, góc phố. Từ đó, giềng mối quan hệ gia đình, cộng đồng dần bền chặt và hình thành nên “sức đề kháng” trước những biến đổi của đời sống, xã hội”.
“Sự khác biệt của văn hóa Hội An ở ngay trong từng con người với cách ứng xử hài hòa, phù hợp. Và hôm nay, những giá trị truyền thống của vùng đất và con người Hội An đã được khơi dậy, trở thành vốn “đối ứng” cho quá trình phát triển”. (Bí thư Thành ủy Hội An - Nguyễn Sự) |
Tháng 9.1998, Bộ VH-TT quyết định chọn Hội An xây dựng thí điểm mô hình “Đô thị văn hóa” của cả nước. “Đề án xây dựng Hội An - thị xã văn hóa” ra đời sau đó với quy trình xây dựng phân thành 2 giai đoạn. Từ năm 1999 - 2002 tập trung xây dựng và hoàn chỉnh các nội dung, tiêu chí cho các mô hình văn hóa, tổ chức phát động đăng ký ở tất cả các đơn vị. Từ năm 2003 - 2005, bổ sung, điều chỉnh, nâng cao chất lượng các mô hình, đăng ký kiểm tra công nhận danh hiệu Thị xã văn hóa.
“Sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân đã giúp cho Đảng bộ thị xã lúc đó tìm ra lời giải cho bài toán phát triển. Đó là đầu tư tăng trưởng kinh tế phải đồng hành với nhiệm vụ giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Chỉ có làm tốt công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa mới tạo cơ sở bền vững để phát triển mọi mặt” - ông Nguyễn Hưng khẳng định.
Giá trị khác biệt
Không quá lời khi cho rằng, nói đến Hội An là nói đến văn hóa. Thế nhưng, văn hóa Hội An là gì thì khó có thể trả lời một cách rõ ràng. Tuy nhiên, theo nhà văn Nguyên Ngọc, văn hóa của Hội An là sự tích hợp giữa sự khác biệt với cái đa dạng.
Ảnh: Tấn Vịnh |
Sự khác biệt đó thể hiện ngay trong việc người dân ủng hộ và hưởng ứng một cách hiệu quả hàng loạt quy chế, chủ trương, chính sách và chương trình hành động của Đảng, chính quyền. Có thể kể về các quy định trong giao tiếp, buôn bán, đến việc ứng xử với môi trường tự nhiên, xã hội. Từ quy chế quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích; quy chế buôn bán, kinh doanh đến các quy định về “lằn cai đỏ” trên đường phố, phố đi bộ. Hay như các phong trào “không sử dụng túi ni lông”, “không khói thuốc lá”… đều đã trở thành những quy ước chung cho cộng đồng. Ông Lê Huyễn - thủ từ chùa Ông nói: “Người dân chúng tôi phải thực hiện hàng chục quy định trước đây chưa hề có và cũng không địa phương nào có. Ban đầu nhiều người cũng phản ứng nhưng dần về sau thấy nó phù hợp với đời sống hằng ngày nên thuận theo. Mà có như thế mới giữ gìn được di sản, từ di sản mới phát triển du lịch, rồi bà con cũng hưởng lợi thêm từ các hoạt động văn hóa”.
Hiện tại, “những giá trị không trùng lặp” của di sản văn hóa thế giới, những giá trị vô giá của di sản thiên nhiên và cả lịch sử, văn hóa truyền thống đã và đang được người Hội An chung tay quản lý, bảo tồn và phát huy. Một Cù Lao Chàm hoang sơ, những ngõ kiệt hút sâu phố cổ, những ngôi nhà vẫn còn giữ khoảng sân trời với 4 thế hệ cùng chung sống… Nếu không xuất phát từ văn hóa truyền thống và ý thức giữ gìn di sản của cha ông trước những tác động của xã hội và tự nhiên, làm thế nào Hội An có thể giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa việc gìn giữ di sản với nhu cầu của đời sống đương đại. Nếu không có sự sáng tạo để liên tục làm mới đời sống lao động sản xuất cũng như sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân, Hội An chẳng thể là một điểm đến hấp dẫn của du khách bốn phương.