Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Ước vọng đăng cao

Đối với cư dân Cù Lao Chàm, ước vọng đăng cao đã có từ xa xưa và vẫn còn chảy trong tâm tưởng thế hệ hôm nay…

 

Ngày nay, những cư dân trẻ Cù Lao Chàm chắc sẽ không quên câu hát: “Cù lao cơm gắm, mắm cà/Trầu rừng, cau rễ em đà biết chưa?”. Câu hát đã gợi lại thời của miền đất từng được xem như “biên địa ác kiến”, “rừng thiêng nước độc”; nơi mà những thực thể văn hóa vật chất và tinh thần ngủ quên hằng bao thế kỷ bởi trầm tích thời gian. Cù Lao Chàm có trong mình tất cả những hàm lượng giá trị văn hóa - lịch sử, kinh tế - địa lý, sinh thái - du lịch, chính trị - quốc phòng mà những hòn đảo khác trên toàn cõi Việt Nam khó có thể sánh kịp. Đặc biệt, nơi đây có đầy đủ phẩm chất của một miền quê với ước vọng đăng cao.

alt
Toàn cảnh bãi Làng trong góc nhìn “đăng cao”.                 Ảnh: H.X.H

“Tòng thiên địa thượng kiến thần minh” (Hợp với đất trời đi lên để thấy ánh sáng thần thánh, vũ trụ) là một vế đối trong ngôi đền cổ thờ ông tổ nghề yến sào ở Cù Lao Chàm. Hai mươi năm trước, tôi đã dịch trong lần đạo diễn, nhà báo Đoàn Huy Giao thực hiện một bộ phim tài liệu về Cù Lao Chàm mà sao ý tứ ấy vẫn ám ảnh đến bây giờ. “Đi lên Cù Lao Chàm” hay “Cù Lao Chàm đi lên” để bắt gặp “ánh sáng thần minh- vũ trụ” hay “ánh sáng văn minh, thời đại” là niềm mơ ước tự bao giờ của bao thế hệ cư dân xứ đảo? Trong bài thơ “Đăng quán tước lâu” của nhà thơ Trung Hoa - Vương Chi Hoán có câu: “Dục cùng thiên lý mục/ cánh thướng nhất tằng lâu” (tạm dịch: Muốn tầm mắt rộng muôn nơi/ lầu cao ta lại lên chơi một tầng). 

Về địa dư của Cù Lao Chàm cũng được khái quát một cách rất thơ và dễ thuộc lòng với cụm đảo gồm có bảy hòn: “Hòn Lao, hòn Lụi, hòn Dài/Hòn Khô, hòn Lá, hòn Tai, hòn Nồm”. Hòn Lao là hòn đảo lớn nhất Cù Lao Chàm, có ba đỉnh núi sừng sững mọc lên cong như hình cánh cung giữa biển Đông trông giống như cái giá gác bút. Những thủy thủ của tàu buôn Trung Hoa xưa, thay vì gọi Cù Lao Chàm là Chiêm Bất Lao như phiên âm chữ Hán từ chữ Cham pello thì lại gọi là Tiêm Bút Loa (giá gác bút). Trong phần thi văn ngoại kiều của tập Gió trăng cố quận (NXB Đà Nẵng, 1996), nhà Hội An học Nguyễn Bội Liên (đã quá cố), có sưu tầm được bài thơ “Tam sơn bút giá” sau: “Tam sơn bút giá chỉ thiên tôn/ Xác lập giang ba vạn cổ tồn/ Bất tả văn chương đề hổ bảng/ Duy tùng hải thượng điểm long môn”. Tạm dịch: Ba hòn giá bút xóng lên cao/Đứng vững muôn đời giữa sóng xao/Chẳng tả thơ văn đề bảng hổ/ Biển khơi làm cửa đón rồng vào.

Cù Lao Chàm có địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng phong phú từ bãi, ghềnh đến đồi núi, nên hệ động thực vật cũng phong phú không kém rừng nhiệt đới ở đất liền. Mỗi hòn đảo như thế có rất nhiều loại lâm - hải sản quý hiếm. Người ta đã thống kê có đến hàng chục loại danh mộc trên núi Cù Lao Chàm như quỹnh, chò, lim, sến, kiền kiền… Biển Cù Lao Chàm có trăm loài hải sản quý như tôm hùm, tôm mũ ni, tôm hoàng đế, ốc xà cừ… Thềm biển Cù Lao Chàm còn là quê hương của những rặng san hô với thiên hình vạn trạng màu sắc. Ngoài ra, nơi đây còn có mỏ vàng trắng lộ thiên. Đó là những chiếc nôi được chế tác từ tình yêu và nước bọt của loài hải yến bé nhỏ, treo lơ lửng trên những vách đá cheo leo, là loại sản vật trứ danh có giá trị xuất khẩu thập thành.  

Những “lão ngư tri hải” như Trần Trước, Trần Cần, Hồ Hiến, Nguyễn Biên đã ra đi cùng với những vụ cá nam xưa. Những chiến sĩ thi đua ngành ngư nghiệp một thời như Trần Trúc, Nguyễn Chân, Hồ Lên, Lê Biệu… đã từng  cưỡi thuyền lướt trên những ngọn sóng dữ săn cá kình ở biển Đông hay cứu người bị nạn trong bão, đưa bệnh nhân vượt sóng ngàn, cồn bãi hãi hùng vào cấp cứu ở đất liền, quên cả sự sống của mình, giờ đã trở thành những thuyền trưởng lái những con thuyền, những ca nô nhỏ bé chở khách du lịch quanh đảo hoặc đánh bắt ven bờ.

Trong những hải đảo của Việt Nam không đảo nào có đỉnh cao như nhỏn Đài của Cù Lao Chàm. Vì thế mà Cù Lao Chàm dễ trở thành một trạm gác tiền tiêu, một vọng hải đài án ngữ phía đông của Hội An nói riêng và Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung. Đường lên nhỏn Đài gập ghềnh, quanh co, cây cối um tùm, tiếng chim hót, tiếng suối chảy, tiếng khỉ gọi bầy âm vang cả núi rừng. Nhất là sau tết âm lịch, những cội mai rừng vẫn còn đơm hoa vàng và những nhành ngô đồng tươi rói khoe sắc thắm khắp núi đồi đất đảo. Như từ bao đời, Cù Lao Chàm vẫn là một chỗ để đứng, để ngóng trông. Trông trước, trông sau biển trời bát ngát, trông về quê mẹ khói sóng mịt mù. Cảm giác mùa đông xứ đảo buồn và dài. Sóng to, biển động, Cửa Đại bế quan, Cù Lao Chàm trở thành một ốc đảo tiêu sơ. 

Nhớ lại, Cù Lao Chàm thời kỳ sau giải phóng nghiễm nhiên trở thành một vùng kinh tế, một ngư trường lớn nhất của duyên hải miền Trung. Sáng sáng, chiều chiều lũ lượt những đoàn thuyền khắp nơi cập cảng cân cá, lấy nước ngọt, đối lưu dầu diesel, nước đá từ công ty hải sản Quảng Nam - Đà Nẵng. Đêm, một vùng trời biển mấy trăm dặm quanh Cù Lao Chàm sáng rực ánh đèn tàu đánh cá. Tàu ra vào suốt ngày đêm. Những “mẻ lưới đứt đụt”, những bãi cá lấp lánh dưới ánh trăng khuya, những bể mắm cao to, chất ngất và ngạo nghễ như ông anh cả đầy quyền uy trong tập trung phân phối của thời kỳ kinh tế bao cấp. Từng đoàn thuyền sông Thu ngày ngày từ đảo về khẳm nặng những tấn san hô cung cấp cho các lò nung vôi xây dựng ở đất liền; các xưởng mộc không ngớt tấm tắc về những súc gỗ gõ chắc cứng, nổi vân như mây cuộn… Nhận thức kinh tế thời đó, Cù Lao Chàm là rừng vàng, biển bạc nên tư duy khai thác kinh tế biển vẫn là phương  thức chủ đạo. Thời ấy người ta chưa thể nghĩ rằng nguồn tài nguyên trên rừng dưới biển tưởng như vô tận của Cù Lao Chàm cũng đến ngày cạn kiệt.  

Đứng trên nhỏn Đài với độ cao 517 mét - đỉnh cao nhất Cù Lao Chàm - sẽ nhìn thấy đất liền, hòn Non Nước và cảng biển Đà Nẵng rất rõ bằng mắt thường. Ở đây ta sẽ cảm nhận được cái không gian địa văn hóa của tam giác Cù Lao Chàm - Ngũ Hành Sơn - Thánh địa Mỹ Sơn. Ngày xưa, người Pháp đã từng cho xây và đặt ở đây một đài quan sát nên mới có tên là nhỏn Đài. Trên độ cao như thế, không gian của nhỏn Đài phân làm hai phần. Bên sườn đông là vách đá cheo leo, hùng vĩ, nhìn ra biển khơi bát ngát, sóng chọi gà vồ vập bủa, bọt trắng tung trời, gió nồm từ trùng dương thổi về lồng lộng. Bên sườn tây là rừng cây bạt ngàn, xanh thẳm, mát rượi. Có vị trí địa lý như thế nên nhiệt độ của nhỏn Đài thấp hơn dưới chân đồi từ 1- 2 độ C.

Cách đây chừng hơn mười năm, sau nhát chém của cơn bão số hai năm 1989, nhân lực, vật lực của ngành đánh bắt hải sản Quảng Nam - Đà Nẵng thiệt hại nặng nề. Nhà nước cho đào một cái âu thuyền nhưng cố gắng lắm cũng chỉ đủ cho tàu bè có công suất nhỏ, đánh bắt ven bờ trú bão, xây lại cảng cá vững chắc hơn, tân kỳ hơn nhưng có lẽ nó tồn tại để trở thành một âu thuyền và cầu cảng phục vụ du lịch hơn là mục đích ban đầu. Những con thuyền có lịch sử đánh bắt lừng lẫy một thời; Hai Tê, Ba Tê (2 lốc, 3 lốc đầu bạc) nay cũng tự “teo” lại theo với ngư trường càng ngày càng hạn hẹp. Người dân biển bao đời gắn bó với sóng cả, trùng khơi đã bán nó, bán những giàn lưới mành sải cánh chim ưng, bán những giàn câu cá lớn, câu cá mập, đổi lấy những con thuyền nhỏ xinh để làm du lịch, câu cá kình, cá đổng, bủa lưới mực, lưới trích ven bờ. 

Hiện nay, dù ở trong điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa, với vị trí danh thắng quốc gia, Khu dự trữ sinh quyển thế giới, một xã đảo trực thuộc thành phố Hội An, Cù Lao Chàm vẫn chưa phát huy được những lợi thế kinh tế tiềm năng của mình. Trong khi tập quán của ngư dân Cù Lao Chàm nói riêng và duyên hải miền Trung nói chung ngày nay chỉ biết khai thác biển mà chưa biết nuôi trồng, di dưỡng nguồn tài nguyên phong phú này. Phải chăng, đó cũng là một hạn chế lớn làm cho Cù Lao Chàm chưa mạnh bước để đi lên.

Tác giả bài viết: HUỲNH DÕNG

Nguồn tin: www.zing.vn