Tiếp biến văn hóa phương Tây ở Hội An
- Thứ bảy - 06/08/2011 14:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lịch sử của Hội An là một chuỗi dài liên kết các thời kỳ tiếp biến văn hóa, trong đó vào thời kỳ đầu thế kỷ XIX đã diễn ra quá trình tiếp biến văn hóa phương Tây khá sâu rộng trong văn hóa Hội An từ di tích kiến trúc đến nghề truyền thống, ngôn ngữ, nghệ thuật... Năm 1885, lúc người Pháp đặt ách đô hộ trên toàn cõi Việt Nam là lúc Hội An vẫn còn là một đô thị buôn bán của tỉnh Quảng Nam.
Sự giao lưu văn hoá trong lĩnh vực ngôn ngữ là khá rõ nét bởi từ đầu thế kỷ XX, tiếng Pháp đã khá phổ biến trong ngôn ngữ Hội An. Đọc bút ký Hội An - quê tôi của Minh Hương. Tác giả đã phản ánh ký ức tuổi thơ của mình ở Hội An vào những năm 30 thế kỷ XX. Trong bút ký, ông đã dùng ít nhất 45 từ có nguồn gốc tiếng Pháp, đơn cử là san - đanh; cây phi lao; sơn đá tức quân lính; mề đay tức huy chương, phú – lít tức cảnh sát. Như vậy, ngôn ngữ Pháp đã sớm đi sâu vào tâm hồn thiếu niên Hội An với nhiều loại từ, từ danh từ chỉ người, đồ vật, địa danh, các chất hóa học đến các đại từ xưng hô, tính từ, động từ... Ngoài ra, trong dân gian Hội An vẫn còn lưu truyền nhiều địa danh có nguồn gốc là tiếng Pháp như xóm Si - ca.. hoặc lầu ông Robe. Đặc biệt, về địa danh Hội An, từ thế kỷ XVII, XVIII đã được người phương Tây phiên âm theo nhiều cách khác nhau, người Ý gọi là Pulluciabello hay Faifo và còn nhiều cách gọi nữa là Faiso, Haifo, Haiso. Người Pháp ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX lại gọi Hội An là Faifo. Tuy cách gọi có khác nhau nhưng các từ chỉ Hội An phiên âm theo ngôn ngữ phương Tây đã thành địa danh được nhiều người phương Tây biết đến cũng như đã đi sâu vào đời sống văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam, Quảng Nam, Hội An.
Ở lĩnh vực tôn giáo, cùng với các nhà buôn, các nhà truyền giáo cũng đã có mặt khá sớm ở Hội An để mở rộng biên cương của đức tin Công giáo. Năm 1615, cha đạo Francesco Buzomi, cha Diego Carvallho đến Hội An mở đầu thời kỳ truyền giáo ở Đàng Trong. Sau đó, Hội An đã có 2 nhà nguyện. Nhưng từ năm 1730 đến trước 1884 thì Công giáo bị cấm hoạt động, Hội An không có cha xứ, nhà thờ bị phá hủy. Đến khi Pháp đô hộ Hội An, Công giáo ở Hội An được phục hồi và trực thuộc giáo phận Qui Nhơn, năm 1914, nhà thờ được xây dựng lại năm 1935 được cha đạo người Pháp là Pierre trùng tu, mở rộng tại số 2 đường Nguyễn Trường Tộ hiện nay, đánh dấu thời kỳ khôi phục sự tiếp thu những giá trị của một tôn giáo có nguồn gốc, phổ biến ở phương Tây và đã từng có mặt khá sớm ở Hội An.
Trong văn hóa kiến trúc thể hiện rõ nét, đan xen sự giao lưu văn hóa Đông, Tây, Pháp - Việt. Các công trình kiến trúc nhà vườn có dấu ấn kiến trúc Pháp tương đối nhiều, đơn cử là nhà 37 đường Duy Tân, 158 Nguyễn Duy Hiệu, số 2 và số 149 - Phan Chu Trinh, số 2 đường Nguyễn Huệ... Về công sở có nhà 129 Trần Phú là Sở bưu điện, số 10 Trần Hưng Đạo là tòa Công sứ thời Pháp... Về nhà phố, trong khu phố cổ hiện có ít nhất 37 nhà 1 tầng có mặt đứng kiểu Pháp, 34 nhà 2 tầng mặt đứng kiểu Pháp, có một số nhà có niên đại như nhà 47 Nguyễn Thái Học xây năm 1920, nhà 108 Nguyễn Thái Học xây năm 1919... Đặc trưng nhất của nhà phố kiểu Pháp ở Hội An là mái ngói âm dương, bờ hồi luôn thẳng, hiên được đổ bê tông, có hệ chịu lực chia hiên làm ba gian. Bộ vì kèo cột trốn kẻ chuyền, kẻ suốt phổ biến ở Hội An được nâng lên về chiều cao để làm hệ chịu lực chính cho những ngôi nhà hai tầng nhằm tạo thêm diện tích sinh hoạt như nhà 151 Trần Phú, nhà số 23, nhà số 85, nhà số 106 Nguyễn Thái Học... Như vậy, người Hội An đã tinh tế trong tiếp biến văn hóa, đã biến hệ chịu lực bằng gỗ trong nhà 3 gian, nhà hình ống thành hệ khung chịu lực của nhà hình ống hai tầng theo bố cục của phương Tây. Từ đó, khắc phục nhược điểm không được rộng và thiếu ánh sáng của nhà 3 gian, 1 tầng của Việt Nam. Người Pháp còn qui hoạch mở rộng diện mạo đô thị Hội An về phía Đông, Đông Bắc khu phố cổ bằng nhiều công sở mà hiện nay là trụ sở Khách sạn Hội An, trụ sở của Ủy ban Mặt trạn Tổ quốc Việt Nam thành phố Hội An... Tuyến đường sắt Hội An - Đà Nẵng cũng được người xây dựng từ năm 1905 để thúc đẩy giao thông hiện đại ở Hội An, Đà Nẵng phát triển. Tuyến đường này hoạt động đến năm 1916 thì bị đình trệ vì thiên tai.
Văn hóa mặc phương Tây cũng được nhiều tầng lớp người Hội An ở đầu thế kỷ XX tiếp thu. Thông qua các tư liệu nhiếp ảnh, hồi ký, ta thấy giới công chức hoặc thanh niên ăn mặc gọn gàng với áo sơ mi, quần tây dài hoặc quần soọc, thắt nịt, đầu đội mũ phớt, mũ cối, chân đi sanđanh, giày da... Giới lao động nghèo cũng mặc như kể trên nhưng không bỏ áo vào quần, không đeo cà vạt, thắt nịt, chân đi guốc. Học sinh mặc áo sơ mi trắng, quần soọc trắng, chân đi san - đanh, đầu đội nón cối hoặc mũ bêrê, tóc chải rẽ có bôi dầu láng.
Có thể nói vào các thập kỷ 2,3,4,5 thế kỷ XX sự tiếp biến văn hóa, thể thao, nghệ thuật phương Tây ở Hội An được phản ánh rất rõ ở nhiều lĩnh vực. Năm 1928, đội bóng Aurore - Rạng Đông được ông Phan Thêm (cụ Cao Hồng Lãnh) thành lập, đội bóng đá hay, danh vang khắp Trung kỳ và đội bóng đá này trở thành mũi nhọn tuyên truyền cách mạng ở Hội An trong thời kỳ trước khi có Đảng ra đời. Thông qua đội bóng, ông Phan Thêm đã hoạt động cách mạng, giác ngộ nhiều quuần chúng đi theo cách mạng. Về nghệ thuật âm nhạc, trong bút ký Hội An quê tôi của mình, tác giả Minh Hương nhắc đến ông Mu – dích là người lính Việt trong đội lính kèn của Pháp đã thụ động tiếp thu âm nhạc Pháp nhưng sau đó truyền tải âm nhạc Pháp cho nhiều thanh thiếu niên ở Hội An vào thời đó. Tiếp thu âm nhạc phương Tây cởi mở, chủ động hơn thì có Hội yêu âm nhạc Faifo, ra đời năm 1942 (gồm 12 người do La Hối làm Hội trưởng, hội có các nhạc khí: Piano, Tây Ban Cầm, Viôlông,..). Từ giai điệu nhạc Pháp, những nghệ sĩ lồng vào thi tứ, lời Việt, viết nên các bản nhạc thể hiện những cảm xúc thiết tha, lãng mạn hoặc tinh thần cách mạng sôi sục như các bản nhạc nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn, Xuân và Tuổi trẻ do La Hối viết nhạc, lời của Thế Lữ, bài Trai đất Việt của Dương Minh Ninh, bài Cờ Việt Minh của Vương Gia Khương... Các ông Vương Quốc Mỹ, Vương Quốc Nhã, Võ Trọng Xáng tiếp thu được nghệ thuật sân khấu kịch nói phương Tây hiện đại và đã viết, diễn kịch. Về sau, những nghệ sĩ âm nhạc, kịch nói nói trên đã trở thành lực lượng nòng cốt của phong trào nghệ thuật quần chúng vùng Liên khu V, thời kháng chiến chống Pháp.
Về lễ hội, mỗi năm người Pháp thường tổ chức hai lễ hội lớn vào ngày Tết Tây và ngày Quốc khánh Pháp. Trong lễ có các cuộc đấu xảo, trưng bày cổng chào, các trò chơi diễn ra sôi nổi giữa các làng ở Hội An và các bang người Hoa. Các đội múa Thiên cẩu của bang Quảng Triệu, Triều Châu, múa chút chít của bang Hải Nam thường tranh nhau vào biểu diễn tại Tòa Công sứ để được nhận thưởng. Vào ban đêm thì các đội múa này diễu hành quanh phố cổ cùng đội xướng tấu du hồ. Những hoạt động này nay không còn nữa nhưng tư liệu phản ánh về những lễ hội hiện vẫn còn được lưu giữ trong ký ức của nhiều người dân cao tuổi Hội An và khả năng phục hồi là rất có thể.
Tiếp biến văn hóa phương Tây trong thời kỳ Pháp ở Hội An là khá phổ biến, cởi mở, tinh tế và cải biến phù hợp với đời sống kinh tế, văn hóa, làm phong phú, nâng cao dần kỹ thuật sản xuất, đa dạng hóa các biểu hiện văn hóa qua đó thể hiện tinh thần vừa chủ động giao lưu vừa tự tôn văn hóa mạnh mẽ của người Hội An, Quảng Nam. Di sản văn hóa mang dấu ấn văn hóa phương Tây còn lưu lại ở Hội An rất phong phú và hiện đang là một bộ phận đan xen trong các di tích của Khu phố cổ Hội An. Vì vậy, vấn đề này cần được quan tâm khi tu bổ, phục hồi, phát huy