Thuyền buôn ở Hội An và xứ Quảng
- Thứ tư - 17/08/2011 13:49
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thuyền buồm có mặt tại các bến cảng xứ Quảng, Đàng Trong khá sớm. Tư liệu thư tịch cho biết, từ thời Champa (thế kỷ II - XV) thuyền buồm các nước Trung Cận đông, ấn Độ, Trung Hoa, Nam Dương...đã từng ghé lại Lâm ấp phố của Chămpa nằm ở bên trong Cù Lao Chàm thuộc Hội An ngày nay để buôn bán, trao đổi hàng hoá, sản vật.
THUYỀN BUỒM Ở HỘI AN VÀ XỨ QUẢNG
Thuyền buồm có mặt tại các bến cảng xứ Quảng, Đàng Trong khá sớm. Tư liệu thư tịch cho biết, từ thời Champa (thế kỷ II - XV) thuyền buồm các nước Trung Cận đông, ấn Độ, Trung Hoa, Nam Dương...đã từng ghé lại Lâm ấp phố của Chămpa nằm ở bên trong Cù Lao Chàm thuộc Hội An ngày nay để buôn bán, trao đổi hàng hoá, sản vật. Mặt khác, người Chăm vốn giỏi về hàng hải và có nhiều kinh nghiệm về đóng cũng như sử dụng các loại thuyền buồm, cả về chiến thuyền lẫn thương thuyền. “Chămpa có hàng trăm chiến thuyền có lầu (lâu thuyền) cũng có loại thương thuyền dài hơn 20 trượng (60m), cao hơn mặt nước từ 2- 3 trượng (6m) trông như nhà gác chở được từ 6 - 700 người, hàng vạn hộc sản vật”Đến thế kỷ XV, Lê Thánh Tông, một vị vua nổi tiếng của Việt Nam đã đặt chân lên vùng đất Quảng Nam, và tại đây, từ đỉnh Hải vân quan ông đã chứng kiến sự có mặt của một số thuyền buồm nước ngoài. Điều này đem lại cho ông sự bất ngờ thú vị:
“Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt
Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền”
“Đồng Long” là phiên âm của Turon hoặc Tuarane sau này, còn thuyền Lộ Hạc, theo các nhà nghiên cứu, là thuyền của Lavo, một quốc gia cổ ở hạ lưu sông Chao Praya của Ménam.
Với vai trò là một cảng thị thuyền buồm phát triển vào bậc nhất của Việt Nam thời Trung - Cận đại, tại thương cảng Hội An ngày trước từng có mặt nhiều loại thuyền buồm nội địa cũng như quốc tế. Trong quá khứ, từng đoàn thuyền chiến, thuyền buôn, thuyền đánh cá, thuyền vận tải với những cánh buồm no gió dọc ngang ven biển là hình ảnh hết sức lãng mạn, đầy ấn tưọng, in đậm trong ký ức của nhiều thế hệ cư dân xứ Quảng nói chung, Hội An nói riêng về một thời kỳ hoạt động buôn bán sôi nổi, nhộn nhịp “Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng”...
Vào thời hưng thịnh của thương cảng Hội An (thế kỷ 17 - 19), tại đây những chiếc thuyền buồm tấp nập ghé bến mà “cột buồm lô nhô dày đặc như rừng tên xúm xít” theo như mô tả của thiền sư Trung Hoa Thích Đại Sán trong Hải ngoại kỷ sự hoặc như ghi nhận của một thương nhân Hoa kiều:
“... Xa trông thuyền lẫn nước
Thấp thoáng bao cánh buồm
Theo dòng nhấp nhô sóng
Dưới trăng lặng lờ trôi...”Sự tấp nập của các loại thuyền buồm ở xứ Quảng, Hội An đã được thể hiện khá ấn tượng trong bức tranh “Trên sông Hội An” của thương nhân người Anh John Barrow vẽ váo năm 1793. Trong tranh ta thấy sự có mặt của nhiều loại thuyền buồm nội địa cũng như ngoại quốc được nhận biết qua kiểu dáng thuyền và những cánh buồm tam giác nhiều lớp vùng Địa Trung Hải, buồm cánh quạt xoè rộng với những nẹp ngang của Trung Hoa và những cánh buồm tứ giác hình thang bằng lá đệm của người Việt. Thực tế về sự tấp nập thuyền buồm này ở Hội An kéo dài mãi cho đến tận đầu thế kỷ XX và được nhà văn Nguyễn Tuân phản ánh khá sinh động trong tuỳ bút Cửa Đại. Có lẽ đây là những hình ảnh vàng son cuối cùng của cảnh quan thuyền buồm ở cảng thị Hội An:
“... Đêm đầu của tôi ở phố, tôi ra ngắm bóng trăng thanh rọi xuống mặt sông Hội An. Trên mặt sông, thực là một cái rừng cột thuyền buồm, mành ghe chi chít giây lèo buồm, giây thừng. Bấy nhiêu nét đen sắc đều nhấp nhô lay động theo mực nước thuỷ triều đang dâng lên rất mạnh. ánh trăng bị dầng tan trong lòng con sông mà nước ngọt đang bị bể ngoài pha rót vào bao nhiêu là muối chát mặn”
Một loại thuyền buồm nội địa khá đặc trưng có số phận gắn bó với sự hưng thịnh và suy thoái của thương cảng Hội An là ghe bầu. Đây là loại thuyền buồm có trọng tải lớn hàng trăm tấn , dùng để chuyên chở hàng hoá buôn bán dọc các bến cảng ven biển nước ta và có lúc đã sang tận Thái Lan, Singapore, Malaxia... Loại ghe này có 3 hoặc 4 cánh buồm hình thang hoặc hình tam giác bằng lá đệm và được điều khiển bằng hệ thống dây lèo rất phức tạp. Một loại thuyền buồm khác, nhỏ hơn dùng để bốc hàng lên xuống gọi là ghe vợi (dân gian gợi là ghe dợi), thường có từ một đến ba cánh buồm. Các ghe vợi này ngày xưa tụ tập quanh các ghe bầu, thuyền buôn lớn để nhận hàng, xuất hàng. Ghe bầu và nghề buôn ghe bầu đã làm nên sự phát triển nhộn nhịp một thời của các bến cảng, thị tứ ven biển Việt Nam.
“Kể từ Gia Định kể ra
Kể chí An Hoà ngoài Huế kể vô
Trên thì khôi phục thành đô
Dưới sông các lái ra vô dập dìu”
(Hải Trình Ca)
Trải qua quá trình vật lộn với sóng nước, cư dân ở đây đã tích luỹ nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật sử dụng và điều khiển hệ thống buồm sao cho bắt gió, chạy đúng hướng. Đặc biệt, lúc ngược gió người ta vẫn cho thuyền di chuyển được về phái trước bằng kỹ thuật “chạy vát” rất độc đáo. Và như nhiều nhà nghiên cứu nhận xét, có một vệt văn hoá ghe bầu dọc dài ven biển miền Trung cho đến Sài Gòn, Gia Định
Có người đề nghị lấy hình ghe bầu để làm biểu tượng cho sự tích cực, nhạy bén của xứ Quảng trong hoạt động kinh tế, trong quan hệ giao lưu - hội nhập khu vực và quốc tế. Tưởng cũng cần lưu ý đến ý tưởng này.