Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Thông điệp vì người khuyết tật

Từ thông điệp vì người khuyết tật, cộng đồng doanh nghiệp ở TP.Hội An đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm góp phần thúc đẩy người khuyết tật hòa nhập và đồng hành phát triển.
Tổng Giám đốc khách sạn Phú Thịnh và người khuyết tật có hoạt động tiêu biểu được nhận giấy khen của UBND TP.Hội An.
Tổng Giám đốc khách sạn Phú Thịnh và người khuyết tật có hoạt động tiêu biểu được nhận giấy khen của UBND TP.Hội An.

Cách đây một năm, tại ngày hội với chủ đề “Thúc đẩy người khuyết tật hòa nhập - phát triển doanh nghiệp” do UBND TP.Hội An phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức nhân ngày Quốc tế người khuyết tật (3.12.2013), thay mặt chính quyền, ông  Trương Văn Bay - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hội An đã phát đi thông điệp “Du lịch Hội An - Thúc đẩy hòa nhập tạo ra sự thay đổi tích cực”. Thông điệp khẳng định, là một ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, ngành du lịch có trách nhiệm đi đầu và tạo một điểm đến với môi trường thật thân thiện, phục vụ đa dạng, không làm thất vọng cho bất kỳ khách du lịch nào và để đảm bảo ai cũng có thể tiếp cận được với dịch vụ du lịch, đặc biệt là tại một thành phố di sản, thành phố văn hóa.
Vào thời điểm đó, thực tế cho thấy phần lớn doanh nghiệp chưa hoặc có rất ít sự quan tâm, hỗ trợ cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Cơ sở vật chất tại khách sạn, điểm dịch vụ trên địa bàn thiếu hoặc thậm chí không có điều kiện để phục vụ người khuyết tật như các khu vực tiếp cận vào nhà hàng, điểm mua sắm... Hầu hết không có lối đi cho xe lăn, mặt đường đi không liên tục, bằng phẳng, cửa ra vào và khoảng không gian trong nhà vệ sinh quá chật hẹp không đảm bảo cho xe lăn ra vào hay xoay chuyển thuận lợi. Buồng tắm, bệ ngồi không có tay vịn, phòng ngủ chật... Nhưng sau khi thông điệp phát đi, chính quyền và các doanh nghiệp du lịch đã có sự vào cuộc. Phòng Thương mại - du lịch thành phố ngay sau đó đã có thông báo về việc triển khai các giải pháp cải tạo, xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng, mở rộng tiện nghi khách sạn, nhà hàng nhằm có thể phục vụ đa dạng khách du lịch và người khuyết tật. UBND thành phố cũng đã ban hành thông báo về phương án cải tạo, nâng cấp các khu vệ sinh công cộng trong khu vực phố cổ, trong đó có công trình vệ sinh dành cho người khuyết tật. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng như Phòng Quản lý đô thị, Trung tâm Văn hóa - thể thao, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa, Công ty CP Công trình công cộng Hội An, chính quyền các phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong... đã tiến hành xây dựng mới, thiết kế, bố trí lại các công trình có liên quan tại các điểm dừng chân, các không gian công cộng, các khu dịch vụ dành cho du khách theo một số tiêu chí cụ thể phục vụ người khuyết tật.

Hưởng ứng thông điệp vì người khuyết tật, nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP.Hội An đã quyết tâm thực hiện cam kết bằng việc thông qua các dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cho người khuyết tật như tuyển dụng, cải tạo và xây mới cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người khuyết tật. Bà Hứa Thị Anh - Tổng Giám đốc khách sạn Phú Thịnh cho biết: “Cuối năm ngoái, sau khi nhận được thông điệp, chúng tôi đã nhanh chóng cải tạo lối đi cho người khuyết tật từ cổng dẫn tới khu vườn và nhà hàng. Cửa ra vào phòng vệ sinh của các phòng ở tầng 1 cũng được cải tạo để xe lăn ra vào thuận tiện. Thực tế, gần 1 năm qua doanh nghiệp đã đón nhiều du khách là người khuyết tật trong và ngoài nước”. Không chỉ  có Phú Thịnh, các khách sạn Thái Bình Dương, Dấu Ấn, Vai-a cũng đầu tư nguồn kinh phí đáng kể để cải thiện và lắp đặt thêm trang thiết bị phục vụ người khuyết tật. Công ty CP Du lịch - dịch vụ Hội An đã bổ sung tại khách sạn thêm 6 phòng, nâng tổng số phòng nghỉ đủ tiêu chuẩn phục vụ du khách là người khuyết tật lên 8 phòng. Đơn vị còn bố trí thêm các tấm thang di động tại đường dốc lên xuống và đủ rộng tại các lối tiếp cận lên xuống, lắp đặt thêm tay vịn trong thang máy, tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật sử dụng tất cả các dịch vụ trong khách sạn. Ngoài ra, công ty còn có kế hoạch lắp đặt biển chỉ dẫn và những biểu tượng quy ước ở những vị trí cần thiết cho người khuyết tật biết và sử dụng...

Những thay đổi từ phía thành phố đến các doanh nghiệp tuy vẫn còn khiêm tốn và nhỏ lẻ nhưng rất tích cực, thể hiện được sự quan tâm đối với người khuyết tật nói chung và khách du lịch là người khuyết tật nói riêng. Hội An hiện có hơn 2.020 người khuyết tật (chiếm 2,16% dân số) và đang không ngừng phấn đấu để trở thành điểm đến an toàn, thân thiện cho du khách muôn phương. Thúc đẩy hòa nhập của người khuyết tật không chỉ tạo ra sự thay đổi tích cực mà còn là cơ hội của cả cộng đồng, của các doanh nghiệp trên phương diện phát triển kinh doanh và văn hóa. Vì vậy, kết thúc ngày hội “Doanh nghiệp và người khuyết tật” (3.12) năm nay, UBND thành phố đã phát đi thông điệp “Du lịch Hội An - Thúc đẩy hòa nhập, cơ hội của chính bạn”. Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố nói: “Hơn lúc nào hết, Hội An phải nỗ lực khắc phục những khiếm khuyết, phải tự làm mới mình, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, thân thiện bắt nguồn từ một thị trường lao động với những người khuyết tật, thị trường khách du lịch là người khuyết tật cùng với gia đình, người thân và bạn bè của họ”.

ĐỖ HUẤN

Nguồn tin: Báo Quảng Nam