Nhớ sông
- Chủ nhật - 05/06/2011 16:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Gọi là sông Cổ Cò nhưng khi chảy qua những địa phương nào thì cư dân nơi đó lấy tên đất, tên làng gọi tên sông. Đoạn sông chảy qua làng tôi dọc theo những tên đất, tên làng thân thuộc như Sợi Mây, Cồn Động, Làng Câu và những cồn bãi như cồn Nhì, cồn Búp. Có nơi còn gọi là sông Đế Võng vì gắn liền với quá trình hình thành làng Đế Võng, Hội An.
Chẳng biết tôi yêu sông tự thuở nào, có lẽ sông đã ăn sâu vào tiềm thức. Với tôi, sông như mạch sống tinh thần lặng lẽ và bền bỉ chảy mãi. Những kỷ niệm êm đềm về sông là những trưa hè của miền cát bỏng với lũ bạn í ới rủ nhau tắm sông. Bọn trẻ con chúng tôi nô đùa trong lòng nước mát hay đuổi bắt chim chột dột trên những đám dừa nước xanh rờn. Để rồi mỗi đứa gửi ước mơ ngây ngô, trong sáng của tuổi thơ theo những chiếc thuyền dứa. Lớn lên lại theo cha mẹ bủa lưới, giăng câu, những đêm tối trời cùng chị, cùng anh thắp đèn măng xông soi tôm cá. Những ngày nước sông cạn, già trẻ, gái trai của xóm Thới, xóm U đến những làng bên kia sông như xóm Chiêu, xóm Đồng kéo nhau ra sông nơm cá vui như hội… Bạn bè tôi giờ đây mỗi đứa mỗi phương trời, có lẽ cũng không lúc nào quên nhớ về quê cũ, nhớ sông quê gắn bó với bao kỷ niệm tuổi thơ hồn nhiên, tinh nghịch.
Tôi như người neo giữ ký ức với sông quê thân thương, mỗi sớm, mỗi chiều. Nhưng sông cũng trôi đi đời sông, đã vắng dần những hình ảnh xưa cũ, không còn những nàng rạm “đem cơm cho chồng” vào mỗi dịp tết Đoan ngọ và cô nàng học trò từ lâu cũng đã quên nô đùa nơi triền sông mỗi khi thủy triều xuống. Sông quê cũng không còn tấp nập thuyền bè xuôi ngược với con đường ven sông chạy từ An Bàng đến Phước Trạch rợp bóng dừa. Những bến đò Ông Củi, Ông Trạc ngày ngày đưa khách sang sông cũng đã lùi vào dĩ vãng. Sông đã nghẹn lời ru, cô đặc nỗi buồn vì ô nhiễm, bị lấn chiếm xây nhà cửa. Bến bờ thơ mộng ngày nào hóa thành đìa tôm, đìa cá vuông vuông, méo méo và thở bằng “sục khí” thời hiện đại…