Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


“Ngôi nhà cười” của người khuyết tật

Có một nơi những mảnh đời bất hạnh, khuyết tật sống cùng nhau trong tiếng cười tràn ngập và ở đó có những con người biết vượt qua nỗi đau số phận để vươn đến giá trị đích thực của cuộc sống. Nơi đó được mọi người yêu mến gọi tên “Ngôi nhà cười”.
Ngôi nhà tình thương (Smile house) tọa lạc phía sau miếu Khổng Tử nằm trên đường Trần Hưng Đạo, phường Cẩm Phô, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam được thành lập vào ngày 9-1-2009.
Những mảnh đời khuyết tật trong ngôi nhà tình thương
 
Những mảnh đời bất hạnh…
Vừa đặt chân đến cổng của “Nhà cười”, đã cảm nhận được một không khí làm việc hăng say nhưng không thiếu những tiếng cười lạc quan của những con người không được “vẹn toàn”, nếu không thiểu năng trí tuệ thì cũng bị dị tật bẩm sinh.
Sau vài lời tiếp chuyện với người đàn ông dáng người nhỏ bé có nụ cười đôn hậu thường trực trên môi và cũng bị khuyết tật, chúng tôi mới biết ông chính là “chủ” ngôi “nhà cười” của người khuyết tật. Ông Trịnh Xuân Vinh, Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên khuyết tật Hội An.
Chỉ tay về một thanh niên khập khiễng, đang khó nhọc bước từng bước, ông nói: “Đó là cháu Huỳnh Kim Ân, 39 tuổi ở xã Cẩm Thanh, TP.Hội An mồ côi cha từ nhỏ. Chân tay cháu Ân bị teo tóp từ bé nên việc đi lại rất khó khăn, mọi việc đều do một tay người mẹ già nghèo khổ đỡ đần. Cách đây hai tháng, đang đi trên phố tôi bỗng thấy một người thanh niên khuyết tật lê từng bước khó nhọc cầm xấp vé số bán dạo. Khi biết hoàn cảnh khó khăn của Ân, tôi quyết định đưa em vào ngôi nhà rộn ràng tiếng cười tình thương”.
Cùng cảnh ngộ éo le như Ân, Nguyễn Thị Lượm (17 tuổi ở phường Thanh Hà, TP.Hội An), mồ côi cha từ nhỏ, theo mẹ nhặt ve chai. Do ít tiếp xúc với mọi người nên em bị chứng trầm cảm. Trí tuệ phát triển không như bạn bè, Lượm chỉ đi học hai năm rồi nghỉ ở nhà. “Cháu Lượm vào học nghề từ khi hội mới thành lập. Công việc mà Lượm đảm nhận trong “nhà cười” là dán bao bì nó rất đơn giản với nhiều người nhưng với em, đó lại là công việc khó khăn.
Không may mắn như Ân và Lượm, cô bé “hạt tiêu” Nguyễn Thị Hạ, ngày ngày phải vật lộn với bệnh tật và khó khăn của cuộc sống để kiếm cơm nuôi thân. Đã 20 tuổi rồi mà Hạ như trẻ chỉ mới lên 5 cũng là thành viên của nhà cười.
Ông Trịnh Xuân Vinh đang hướng dẫn cho em Hạ cách dán bao bì
 
Quyết tâm học
Ngôi nhà tình thương nằm giữa đô thị cổ Hội An sầm uất, ban đầu chỉ có 5 thành viên, đến nay đã hội tụ 15 mảnh đời có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều chung cảnh ngộ tật nguyền. Các em đến đây được học những công việc từ đơn giản như gấp bao bì, làm nhang đến việc dán đèn lồng. “Tùy vào năng lực của từng em mà phân nghề”, ông Đặng Ngọc Bửu, phó Chi hội chia sẻ.
Trung bình mỗi em được nhận 300.000 đồng/tháng (sau khi trừ chi phí ăn uống), dù mức lương không cao nhưng các em được gần gũi nhau hơn, giúp đỡ nhau như người một nhà và có thể tự lập, nuôi bản thân mình.
Nếu đã một lần dừng chân, ghé thăm nơi đây, chắc chắn bạn sẽ được sống trong không khí tình thương lan tỏa. Đây không chỉ là nơi bao bọc các em mà còn là nơi dạy nghề, học văn hóa, học tiếng mẹ, học cả ngoại ngữ. Ông Vinh cho biết: “Do cơ sở hạ tầng còn yếu kém, không có mặt bằng thoáng đãng dành riêng cho việc học nên những buổi học của các em thường phải bó hẹp trong phạm vi rất nhỏ. Nhưng từ khi mở lớp, các em cũng thêm phần hứng khởi. Hàng ngày các em được tiếp xúc với người nước ngoài đến Hội An du dịch. Đây thực sự là cơ hội để các em được thực hành vốn ngoại ngữ “miễn phí” cũng như mở ra cánh cửa tiếp xúc với thế giới rộng lớn bên ngoài.

Tác giả bài viết: Thanh Ba

Nguồn tin: giadinh.net.vn