Nghề truyền thống Hội An: “Điểm nhấn” của kinh tế du lịch
- Thứ bảy - 17/03/2012 08:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
NHÀ nghiên cứu Nguyễn Đình An (Đà Nẵng) nhận xét: “Khách du lịch, nhất là khách phương Tây sống ở các nước phát triển, công nghiệp hóa đã lâu đời, ít có dịp ở nông thôn nên ít có cơ hội để hiểu biết về hoạt động công nghiệp thời xa xưa. Nghề truyền thống cho họ những kiến thức sống động về lịch sử văn hóa bổ ích và thú vị. Ở xứ họ, chủ yếu hàng hóa được sản xuất hàng loạt với các dây chuyền máy móc hiện đại nên họ có tâm lý chuộng các sản phẩm thủ công do bàn tay khéo léo của con người làm ra từng sản phẩm một”. Quá trình bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế và các nghề may mặc, làm lồng đèn… ở Hội An những năm qua cho thấy tiềm năng và thế mạnh của các nghề truyền thống gắn với kinh tế du lịch.
Du khách tham quan làng rau truyền thống Trà Quế. Ảnh: Đ.H |
Theo các nguồn tư liệu thư tịch, hoạt động nghề truyền thống ở thương cảng Hội An xưa rất nhộn nhịp với khoảng hơn 50 nghề tập trung vào 4 nhóm, gồm: thủ công mỹ nghệ, dịch vụ khai thác, chế biến gia công và nhóm nghề đặc biệt. Lâu nay, việc bảo tồn và khai thác du lịch ở các làng nghề mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế theo hướng giữ gìn nguyên vẹn cảnh quan, không gian sinh động của làng nghề để tạo điểm du lịch cho du khách hay trình diễn, giới thiệu các công đoạn sản xuất… là hướng đi đúng đắn và phát huy hiệu quả rõ nét. Hình ảnh những xa quay, nong tằm, khung dệt; bóng dáng những thôn nữ xe chỉ, luồn kim… trong khoảng không gian tằm tang quê cũ ở Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An thời gian gần đây là một nét mới trong nỗ lực giới thiệu về nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải ở Hội An. Cạnh đó, những dụng cụ đánh bắt sông nước cũng luôn thu hút sự chú ý, tìm hiểu của du khách. “Thật tuyệt! Chúng tôi đã biết thêm nhiều điều lý thú của đất nước các bạn, của di sản phố cổ từ ngôi nhà bảo tàng này. Chắc chắn chúng tôi sẽ trở lại và tiếp tục hành trình khám phá văn hóa Việt Nam, văn hóa Hội An vào một ngày không xa” - ông Philip Noice (quốc tịch Hà Lan) cho biết.
Rõ ràng, giới thiệu nghề truyền thống qua các bảo tàng mi – ni, bảo tàng chuyên đề là thế mạnh, cần tiếp tục được đầu tư khai thác. Một bảo tàng “Nghề thuốc đông y cổ truyền” đang được xúc tiến thành lập tại nhà số 46 đường Nguyễn Thái Học (TP. Hội An) tập hợp bước đầu khoảng 400 bài thuốc và nhiều dụng cụ quý hiếm do ông Jean Cousso (người Pháp) - Chủ tịch Hội những người bạn hữu Huế gửi tặng. Từng là cảng thị phồn thịnh, tấp nập tàu thuyền giao thương buôn bán với nước ngoài và cũng là nơi sớm phát triển loại hình dịch vụ nhiếp ảnh với nhiều nghệ sĩ đã khẳng định danh tiếng trong nước và quốc tế, Hội An có thể lập nên những bảo tàng về thuyền buôn phố Hội, về nghệ thuật nhiếp ảnh trên quê hương di sản…
Khai thác tiềm năng du lịch của nghề truyền thống còn cung cấp cho du khách những “câu chuyện về văn hóa nghề”, làm cho họ hiểu biết sâu sắc về sản xuất, về giá trị sản phẩm kết tinh từ công sức và tài khéo léo của người lao động. Ông Trần Hà – chủ cơ sở sản xuất lồng đèn Hà Linh cho biết: “Khách nước ngoài đến với cơ sở tôi rất muốn tự làm một hoặc vài công đoạn để cho ra chiếc lồng đèn mang nhãn hiệu Phố Hội. Họ tỏ ra thích thú khi tận mắt chứng kiến quá trình thao tác, được hướng dẫn làm thử và mua lại làm kỷ niệm những sản phẩm mà chính họ đã tham gia làm ra”. Hiện ngoài nghề làm lồng đèn, may mặc… vẫn còn nhiều nghề thủ công mỹ nghệ khác như làm giày dép, thêu - vẽ trên vải, đan mây - tre, chạm trổ gỗ… có thể đẩy mạnh khai thác theo hướng này.
Trong nhóm nghề dịch vụ - khai thác, có thể kết hợp với các tour, tuyến du lịch làng quê sinh thái để trình diễn, giới thiệu các nghề đặc trưng vùng sông nước như đan lưới, đóng ghe thuyền, quăng chài, bủa lưới trên sông… Một số nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên gia làm du lịch còn cho rằng, nếu duy trì thường xuyên, theo lịch định kỳ và được quảng bá rộng rãi các phiên chợ nghề truyền thống đã từng hình thành trước đây, Hội An sẽ có thêm cơ hội để tập hợp giới thiệu được nhiều nghề truyền thống, tạo môi trường tiếp thị tại chỗ, thu hút đông đảo du khách đến tìm hiểu, khám phá và từng bước phục hồi di sản văn hóa nghề, làng nghề quý giá của quê hương.
Với đặc thù là đô thị thương cảng cổ xưa, nghề truyền thống ở Hội An còn mang trong mình nhiều giá trị văn hóa đặc sắc mà hiếm nơi nào có được. Đó là mối tương quan với “vẻ đẹp không trùng lắp” của quần thể kiến trúc đô thị cổ. Đầu tư phục hồi thành công hoạt động của một vài “phố nghề” dù chỉ là “thấp thoáng bóng dáng xưa” như “phố thuốc bắc”, “phố kim hoàn”, “phố dịch vụ, hàng đặc sản Hội An” thì tin chắc tiếng thơm phố cổ sẽ vang xa hơn.