Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Khi mỗi người dân là một đại sứ du lịch

Người dân tại các di sản “sống” tạo ra hơi thở của di sản, thổi hồn vào các kiến trúc, tạo nên giá trị văn hóa phi vật thể...
“Điều khiến Hội An trở thành nơi đáng sống là bởi đây là mảnh đất đẹp lạ kỳ, yên tĩnh và quan trọng nhất là con người thân thiện.” – Chị Jing Wang, cán bộ Ban thư ký Uỷ Ban di sản UNESCO đã chia sẻ như vậy - “Tôi có thể chuyện trò với bất kỳ ai trên đường. Họ sẽ luôn nhiệt tình giúp đỡ tôi, nếu họ không giúp được thì họ sẵn sàng gọi những người xung quanh tới giúp”.

Nhưng điều ấn tượng nhất đối với chị Wang, đó là cảm nhận ấm áp về “hơi thở cuộc sống” của Hội An: “Người ta có thể bắt gặp những người bán hàng nhỏ kiếm chút đồng ra đồng vào. Họ yêu đời, yêu lao động, thật thà, chất phác”.

Đó cũng chính là cảm nhận chung của du khách, là điều khiến du khách cảm thấy bình an và yêu đời khi đặt chân đến xứ sở này.

Đến với Hội An, du khách dễ dàng cảm nhận sự tĩnh lặng và yên bình
 
Không chỉ biết gìn giữ di sản, người dân Hội An đã bồi đắp cho di sản những giá trị mới bằng cách ứng xử của họ.

Ở Hội An, ta có cảm tưởng như mỗi người dân đều là một đại sứ du lịch!

Chỉ có ở Hội An thì những loại hình du lịch làng nghề, du lịch sông nước, một ngày làm cư dân phố cổ, khu phố không có tiếng động cơ… mới được thực hiện thành công và trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Hội An. Đó là vì những sản phẩm này có sự tham gia tự giác, nhiệt tình đầy tự hào của người dân, điều mà nhiều nơi khác chưa làm được.

Vào những đêm 14 âm lịch hàng tháng là ngày diễn ra sự kiện “Đêm phố cổ”, người dân tự giác treo đèn lồng, dọn dẹp vỉa hè, mặc trang phục ngày xưa… Họ hát các làn điệu dân ca, hò khoan, chơi bài chòi, đánh cờ tướng, ngâm thơ… Họ vừa là tác giả, vừa là diễn viên, đồng thời là khán giả. Họ bán cả món đặc sản và chính họ là người thưởng thức…Du khách có thể dễ dàng cảm nhận được sự thích thú và niềm tự hào của chủ nhân di sản Hội An trong các hoạt động của họ.

Du khách lựa chọn những đồ vật được bày bán tại chợ đêm ở Hội An 
Ông Nguyễn Sự, Bí Thư thành ủy Hội An cho rằng: “Những con người đang sống tạo ra hơi thở của di sản, làm cho di sản biết nói. Chính họ đã tạo ra âm thanh rất lạ của phố cổ, tạo ra không khí phố cổ, chính những con người đang sống ở đây thổi hồn vào các kiến trúc, tạo nên giá trị văn hóa phi vật thể ở đây. Do đó là phải làm sao cho cuộc sống của người ta khá giàu lên rồi nhưng nếp sống của người ta mới quan trọng, họ ứng xử trước chính bản thân di tích đó - ngôi nhà người ta đang sống, ứng xử với những người đến đây phải thân thiện, bình yên và Hội An thành công vì điều đó”.

Hội An thành công vì đã tạo được sự đồng thuận trong dân. Hội An thành công vì các nhà quản lý của khu đô thị cổ này trước khi đề ra một hoạt động hay dự án nào, điều đầu tiên họ nghĩ đến là người dân được hưởng lợi gì trong đó và họ luôn tôn trọng sự minh bạch trong quản lý điều hành. Đây chính là cơ sở thuyết phục để UNESCO quyết định công nhận Hội An là di sản văn hóa thế giới vào ngày 4/12/1999 và sau đó là giải thưởng kiệt xuất về trùng tu, bảo tồn di tích của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Bí quyết thành công của Hội An nghe chỉ đơn giản thế thôi. Nhưng thực tế thì không giản đơn như vậy vì đã có mấy nơi làm được như Hội An? Nó liên quan đến cái tâm, cái tầm và vốn văn hóa của những người làm công tác quản lý chính quyền các cấp.

Hội An là di sản “sống” cũng giống như Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), Phố cổ Đồng Văn (Hà Giang). Đó là những di sản phản ánh lịch sử nhưng lại vẫn đang tiếp tục vận động, bồi đắp những giá trị mới và mang hơi thở cuộc sống hiện tại.

Vì vậy, với di sản “sống”, chúng ta cần có cái nhìn xuyên suốt, xâu chuỗi sự vận động, tiếp biến của nó từ quá khứ, hiện tại và tương lai.

 

Bảo tồn và phát huy các giá trị của "di sản sống" luôn là điều quan trọng và có ý nghĩa với mọi thế hệ
Nếu chúng ta chỉ chú tâm vào khai thác di sản mà không lo trùng tu cũng như chú ý đến lợi ích của những chủ nhân đích thực của di sản là chúng ta đang thực dụng kiểu “ăn xổi ở thì”, chỉ biết khai thác quá khứ và đe dọa đến tương lai của di sản. Làm biến dạng và biến mất di sản là có lỗi với cha ông. Còn đe dọa đến tương lai của di sản là có lỗi với các thế hệ con cháu sau này.

Kết quả nhãn tiền của trường hợp này là việc người dân Làng cổ Đường Lâm và Phố cổ Đồng Văn không mặn mà và muốn chối bỏ di sản.

Trách nhiệm của chúng ta là phải phát huy giá trị của những “di sản sống”, phải làm sao để các di sản đó ngày càng được bồi đắp thêm những giá trị mới. Chỉ khi nào chủ nhân thực sự của những “báu vật” quốc gia được hưởng lợi từ di sản, thấu hiểu giá trị của di sản thì họ mới hết lòng gìn giữ và phát huy giá trị của di sản trong niềm tự hào.

Thực tế đã chứng minh rằng tạo ra di sản là dân, giữ gìn di sản là dân và phá bỏ nó cũng là dân. Di sản văn hóa ngày càng được bồi đắp giá trị không chỉ là sự thể hiện đạo nghĩa đối với các bậc tiền nhân mà còn là để lại cho tương lai một tài sản giàu có hơn, là “của để dành” cho con cháu và làm giàu cho tương lai.

Đó mới là cách ứng xử thực sự có văn hóa với di sản mà Hội An đã làm được./.

Nguồn tin: www.bhg.com.au