Huyền thoại một dòng sông
- Thứ hai - 16/07/2012 21:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chị Năm gắn bó với mái chèo trên sông Thu Bồn từ thuở ấu thơ. Ảnh: Lê Hà |
Chị Năm bảo, từ thuở nhỏ, chị đã thông thuộc cảnh sông nước và gắn bó với mái chèo như lòng bàn tay. Vì thế, chị không bao giờ lo sợ khi một mình đứng trước dòng sông rộng lớn này, kể cả khi nó nổi trận cuồng phong, bão tố. Với chị, sông cũng như con người. Có lúc buồn, lúc vui, khi giận hờn, lúc hứng khởi. Nếu thấu hiểu được quy luật của dòng sông, thì sẽ không bao giờ gặp bất trắc...
Giữa dòng nước biếc xanh, tôi ngước nhìn hai bên bờ sông, thấy trời mây bao la và không khí mát lành. Sông Thu Bồn được thiên nhiên ưu đãi nên quanh năm đều có nước tràn trề, bao đời nuôi dưỡng cư dân đôi bờ. Chính bởi thế mà cuộc sống của người dân hai bên bờ Thu Bồn lúc nào cũng ấm êm, đủ đầy, dù không tránh khỏi những lo toan thường nhật. Và tôi chợt hiểu, vì sao chị Năm lại “nặng lòng” với dòng sông này đến thế. Có lẽ, bởi chị đã gắn bó với con sông như máu thịt của mình.
Thương cảng Hội An. |
Qua chặng đường dài hàng trăm cây số, khi ầm ầm cuốn qua các ghềnh thác, lúc thênh thang băng qua những cánh đồng, làng mạc trù phú, khi nhẹ nhàng lướt qua những vùng kỹ nghệ phát đạt. Trên dòng chảy của mình, sông Thu Bồn đều để lại một dáng dấp, “hình hài” văn hóa riêng. Nhưng ở bất cứ đâu, Thu Bồn cũng là một dòng sông có sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp của thiên nhiên và sự phong phú của bàn tay, khối óc của người đất Quảng gây dựng.
3. Người đất Quảng cho rằng, từ thuở xa xưa, người Chăm, một trong những thành viên của cộng đồng dân tộc Việt đã từng sinh sống và chịu ảnh hưởng rất lớn của nền văn hóa sóng nước sông Thu Bồn. Và chứng tích huy hoàng ngày ấy còn để lại trên mảnh đất này chính là Di sản văn hóa thế giới Thánh địa Mỹ Sơn.
Thánh địa Mỹ Sơn được xem như là một tuyệt tác văn hóa mà ở đó, con người như được quay trở về thời hoàng kim trong quá khứ, được chứng kiến tất cả những gì rực rỡ, huy hoàng nhất của một nền văn hóa đặc sắc đã đi vào lịch sử. Ở đó, có quang cảnh của những ngày thánh lễ với hàng đàn voi ngựa, với những chiếc kiệu vàng lấp lánh ánh hào quang, những đoàn vũ nữ Apsara rực rỡ xiêm y đang múa lượn theo những điệu nhạc của thần linh bên chân tháp cổ. Chỉ chừng ấy thôi, cũng khiến bất cứ ai đến với di sản văn hóa có một không hai trên thế giới này cũng phải xiêu lòng.
Trên hành trình xuôi ra biển của mình, dòng Thu Bồn chở nặng phù sa để lại cho đời những cánh đồng màu mỡ, để con người đến khai phá, dựng bản, dựng làng. Xuôi theo cùng dòng Thu Bồn, những tên đất, tên làng Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An... đã đi vào sử sách; những làng dệt vải Tằm Tang (Duy Xuyên), làng gốm Thanh Hà (Hội An) làm nên một thương hiệu đất Quảng, sông Thu.
Ngư dân đánh bắt cá trên sông Thu Bồn. |
Dừng chân ở một bến nước, tôi có dịp ghé thăm một phiên chợ quê mộc mạc, ấy là chợ Trung Phước. Trên bến dưới thuyền, cảnh qua lại, bán buôn tấp nập của chợ được xem như sầm uất nhất vùng. Ngôi chợ này, nghe nói có từ xa xưa, cái thuở Quảng Nam còn mang tên Phủ Điện Bàn, còn giữ lại trong mình hình ảnh đông vui, dân dã của chợ quê vùng trung du. Ăn một tô mì Quảng đơn sơ, nơi lều quán tuềnh toàng, hương vị rơm rạ chân quê thấm vào tận chân răng khiến tôi cứ bổi hổi bồi hồi.
Một ngày đắm mình trên dòng Thu Bồn, tôi đã cảm nhận để rồi thấm thía bao nét đẹp, sự vinh quang, hào hùng cũng như giá trị vĩnh hằng của dòng sông quê xứ Quảng. Mỗi dòng sông có một triết lí của riêng mình. Sông Thu Bồn cũng vậy. Triết lí ấy chính là sự giao hòa của sóng nước, núi non, bờ bãi. Trải qua biết bao sóng gió, sự thăng trầm, lấp vùi của thời gian, dòng Thu Bồn vẫn giữ được vẻ đẹp hiền hòa xanh thẳm của mình. Để rồi vẫn là dải lụa mềm, vắt từ điệp trùng Trường Sơn, qua châu thổ rồi băng băng, hào hùng đổ về biển lớn, trở thành biểu tượng của sức mạnh, của sự trường tồn, vĩnh cửu từ đó.