Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Cù Lao Chàm - hướng mở du lịch Hội An

Du lịch Cù Lao Chàm tăng trưởng với tốc độ nhanh trong những năm gần đây, đã mở ra hướng phát triển mới của du lịch Hội An. Hiện các ngành chức năng địa phương đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để gắn kết phát triển du lịch Cù Lao Chàm với phố cổ Hội An.
Du khách tham quan Bãi Chồng (Cù Lao Chàm). Ảnh: Đ.H
Du khách tham quan Bãi Chồng (Cù Lao Chàm). Ảnh: Đ.H

Tăng trưởng nhanh

Từ khi Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (ngày 26.5.2009) đến nay lượng khách du lịch đến đây tăng mạnh. Tốc độ phát triển bình quân lượt khách đến Cù Lao Chàm 5 năm qua (2008-2012) là hơn 41,6%/năm, trong đó tốc độ phát triển bình quân khách quốc tế hơn 28,7%, khách Việt Nam hơn 48,6%. Riêng năm 2012 có hơn 105.000 lượt khách tham quan, tăng 34% so với năm trước, trong đó có gần 78.000 lượt khách trong nước và hơn 27.000 lượt khách quốc tế. Đáng chú ý là lượt khách lưu trú đã tăng ngoài sức tưởng tượng: 265% với hơn 2.200 lượt. Bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Thương mại - du lịch TP.Hội An cho biết, khách đến tham quan đông làm cho doanh thu dịch vụ du lịch trên đảo tăng lên đáng kể. Năm 2012 đạt hơn 30,110 tỷ đồng doanh thu các loại, tăng 59,46% so với năm trước. Cao nhất là dịch vụ lặn biển, đạt gần 1,5 tỷ đồng, tăng 250%. Tiếp đến là dịch vụ ăn uống và cho thuê mặt bằng ở Bãi Ông đạt gần 20 tỷ đồng, tăng 237%. Dịch vụ vận chuyển đạt 19,880 tỷ đồng, tăng gần 49%. Bán vé tham quan đạt gần 995 triệu đồng, tăng gần 45%. Từ chỗ chỉ có vài ba doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận chuyển du khách ra đảo, đến nay đã có tổng cộng 21 doanh nghiệp lữ hành tham gia làm dịch vụ này với 44 ca nô và 15 tàu gỗ hoạt động thường xuyên, liên tục.

Ông Trần Tấn Dũng - Bí thư Đảng ủy xã đảo Tân Hiệp cho biết, năm 2012 tổng thu ngành thương mại du lịch ở Cù Lao Chàm đạt 52 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng thu nhập của toàn xã. Như vậy đóng góp của ngành thương mại du lịch là rất lớn, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của địa phương chứ không phải là ngư nghiệp như đã xác định lâu nay. Đặc biệt, du lịch Cù Lao Chàm còn tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai nhờ vào những giá trị tài nguyên thiên nhiên, sinh thái, văn hóa đặc sắc của khu dự trữ sinh quyển thế giới mà hiếm nơi nào sánh bằng. Song cũng cần thấy rằng, dù sao thì Cù Lao Chàm vẫn còn là một xã đảo với nhiều khó khăn đặc thù, hạ tầng kém phát triển, điều kiện phục vụ du lịch mới hình thành mang tính nhỏ lẻ, chưa xứng tầm với tiềm năng. Do vậy du lịch Cù Lao Chàm cần được đặt trong tổng thể định hướng phát triển du lịch của TP.Hội An mới tương xứng với lợi thế, tiềm năng.

Gắn kết phát triển

Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An khẳng định, Cù Lao Chàm là hướng mở của du lịch Hội An. Phát triển du lịch Cù Lao Chàm sẽ thúc đẩy du lịch Hội An phát triển bền vững và lâu dài trên cơ sở kết hợp giữa du lịch văn hóa (gồm khu phố cổ, làng nghề, văn hóa phi vật thể trong đất liền) với du lịch sinh thái, biển đảo (gồm khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu bảo tồn biển, rừng đặc dụng và toàn bộ các bãi biển ở Cẩm An, Cửa Đại). Theo ông Sự, du lịch Cù Lao Chàm cần đặt trong tầm nhìn chiến lược của tỉnh, trong mối tương quan của cả khu vực miền Trung với các vùng kinh tế trọng điểm như Đà Nẵng, Điện Nam – Điện Ngọc, Chu Lai, Dung Quất... Trong tương lai không xa, Cù Lao Chàm không chỉ là điểm tham quan “hút khách” mà sẽ trở thành điểm đến lý tưởng của các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý đầu tư nước ngoài. Đồng thời, với vị thế quan trọng, phát triển du lịch Cù Lao Chàm không chỉ mang ý nghĩa kinh tế đơn thuần mà còn có ý nghĩa sâu sắc về quốc phòng-an ninh, chủ quyền biển đảo quốc gia…

Đón đầu thời cơ, từ đầu năm đến nay UBND TP.Hội An đã chỉ đạo các ban ngành và địa phương liên quan thực hiện một số nhiệm vụ phát triển kinh tế du lịch Cù Lao Chàm theo định hướng gắn kết giữa du lịch văn hóa với du lịch biển đảo để thu hút du khách, tạo động lực thúc đẩy đầu tư phát triển. Cụ thể, xúc tiến nhanh việc lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết về không gian kiến trúc, xây dựng gắn với phát triển du lịch tại Cù Lao Chàm; tăng cường quản lý chặt chẽ về kiến trúc, xây dựng trên đảo, không xây thêm công trình cầu cảng bằng bê tông, ưu tiên sử dụng những cầu cảng “mềm”; quy hoạch trồng cây xanh tạo cảnh quan tại khu cầu cảng Bãi Làng; xây dựng các phương án, kêu gọi đầu tư công trình phục vụ du lịch, tạo điểm, tuyến tham quan mới… Ngoài ra, xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái Cù Lao Chàm, khuyến khích nhân dân đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú, chú trọng phát triển mô hình homestay, biên soạn nội dung tuyên truyền quảng bá về giá trị lịch sử, văn hóa các di tích, danh thắng và nguồn tài nguyên sinh học đa dạng của Cù Lao Chàm…Trước mắt địa phương sẽ mở rộng các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí, tăng cường công tác quản lý trật tự kinh doanh, vệ sinh môi trường tại khu vực cảng Cửa Đại (ở đất liền) để phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan đảo của nhân dân và du khách, tạo sự gắn kết liên hoàn từ khu phố cổ đến Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

 

Tác giả bài viết: ĐỖ HUẤN

Nguồn tin: www.zing.vn