Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Chủ quyền Biển Đông từ ý thức “Vọng hải đài”…

Vừa qua, tại Trường Đại học Phan Châu Trinh (Hội An, Quảng Nam) đã diễn ra buổi tọa đàm về biển đảo Việt Nam. Buổi tọa đàm thu hút hầu hết cán bộ giảng viên và sinh viên nhà trường tới dự. Trong buổi tọa đàm, ông Bùi Văn Tiếng, Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban tổ chức thành phố Đà Nẵng đã trình bày những vấn đề thời sự về chủ quyền của biển đảo Việt Nam. Ông Bùi Văn Tiếng nhấn mạnh: “Người Việt Nam không được phép tê liệt ý thức về chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa bởi vì còn nhớ là không mất”.

Từ ý thức “vọng hải đài” của cha ông thuở trước

Trong quá trình giao lưu tiếp biến với các nước, đặc biệt với Chămpa, người Việt đã bắt đầu có ý thức phát triển ngoại thương và tư duy hướng biển. Từ thế kỷ XVI, ngoài thương cảng Vân Đồn, các Chúa ở Đàng trong và Đàng ngoài đã mở thêm thương cảng Phố Hiến và thương cảng Hội An. Ở Đàng ngoài, thương cảng phố Hiến rất gần với Thăng Long, Hà Nội, ở Đàng trong, thương cảng Hội An rất gần với kinh đô Phú Xuân. Vị trí hai thương cảng này cho thấy một mặt các Chúa muốn phát triển ngoại thương, tăng thêm lượng giao lưu biển giữa Việt Nam với các nước, một mặt vẫn bất an. Phải chăng, ý thức cảnh giác đã buộc cha ông mở thương cảng ở một nơi gần kinh đô để vừa thuận lợi cho giao dịch, quản lý nhưng cũng vừa xa kinh đô để không phải quá lo lắng về sự an nguy của thủ phủ - những trung tâm kinh tế - chính trị nhạy cảm của hai đầu đất nước? 

Từ khi có ý thức phát triển ngoại thương, ông cha ta đồng thời đã có ý thức đề cao cảnh giác với ngoại xâm. Vua Minh Mệnh khi đặt tên cho Ngũ Hành Sơn đã đặt ở đây hai đài quan sát là “Vọng hải đài” và “Vọng giang đài” (tại Thủy Sơn). Những đài “nhìn xa” như thế gắn với ý thức giữ gìn an ninh biển. Bên cạnh đó, tại đỉnh Sơn Trà (Trà Sơn) ngày nay vẫn còn những đài ra đa, trong đó hai đài có từ thời Mỹ chiếm đóng miền Nam. Từ những đài ra đa này, với máy móc hiện đại, ta có thể nhìn thấu đến tận Trung Hoa đại lục cho nên từ thời chế độ cũ, nó còn được gọi là đài “Vọng Hoa lục”. 

 

Buổi tọa đàm về biển đạo Việt Nam tại Trường ĐH Phan Chu Trinh

 

Đến tình yêu nước ngày nay

Tại buổi tọa đàm, câu chuyện mà chủ tọa Bùi Văn Tiếng kể về những giáo viên và học sinh, sinh viên của Argentina đã khiến tất cả mọi người xúc động. Quần đảo có tên tiếng Tây Ban Nha là Malvinas (tiếng Anh là Falklands) nằm ở Nam Đại Tây Dương cách Argentina khoảng 400 km, cách Anh khoảng 13 ngàn km gồm hai đảo lớn và nhiều đảo nhỏ, tên và chủ quyền của quần đảo này đã từng là đối tượng bị tranh chấp. Người Argentina luôn khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này, dù nó đã bị Anh chiếm đóng từ năm 1833. Trước giờ học, khi giáo viên bước vào lớp, các học sinh của Argentina đứng lên chào giáo viên và người giáo viên đáp lại bằng cách đứng nghiêm trang, nói một câu, rằng “Quần đảo Malvinas là của người Argentina!”. 

Câu nói ấy được nhắc đi nhắc đi nhắc lại trước mỗi giờ học trong các trường của Argentina như kinh nhật tụng. Cách thể hiện tình yêu nước cũng như ý thức chủ quyền biển đảo của người Argentina khiến cả thế giới phải xúc động. Với họ, còn nhớ tức là không mất. 

Đà Nẵng được giao giữ chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa và Khánh Hòa được giao giữ chủ quyền của quần đảo Trường Sa. Nhưng hiện nay, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị xâm phạm, bị tranh chấp. Đó là điều mà người dân Việt Nam không được phép quên. Mặc dù chủ trương của Đảng và Nhà nước với vấn đề chủ quyền biển Đông là đấu tranh bằng những biện pháp hòa bình, nhưng với một nước lớn thường có những hành động không đi đôi với lời tuyên bố như Trung Quốc, mỗi người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ không được phép tê liệt ý thức về chủ quyền biển đảo. 

Hàng chục cán bộ, giảng viên và sinh viên đã đưa ra những câu hỏi về chính sách cho ngư dân đánh bắt trên biển Đông, vấn đề chủ quyền biển Đông trong lịch sử, các chủ trương tuyên truyền về biển đảo và những hành động sinh viên có thể làm để thể hiện tình yêu với biển đảo quê hương. Trong đó, câu hỏi được sinh viên hỏi nhiều nhất là “Tuổi trẻ cần làm gì để thể hiện lòng yêu nước cho đúng?”. Ông Tiếng cho rằng: “Thế hệ trẻ cần phải hiểu đây là cuộc đấu tranh lâu dài và ý thức “vọng hải đài” cũng như ý thức về chủ quyền biển đảo cần được nuôi dưỡng trong mỗi con người. Thế hệ trẻ phải sẵn sàng chủ động hành trang để khi Tổ quốc cần là có mặt. Có sức khỏe và kiến thức, lòng yêu nước sẽ kết thành sức mạnh”. 

Nhà văn Nguyên Ngọc - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Chu Trinh - khẳng định: “Mỗi khi đứng trước họa xâm lăng, mỗi khi vận mệnh đất nước lâm nguy, người Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng đều bộc lộ bản lĩnh và những phẩm chất tốt đẹp nhất. Tôi tin vào thế hệ trẻ hôm nay. Họ không hề vô cảm trước vận mệnh đất nước. Mỗi cá nhân có thể tìm cho mình những cách thể hiện lòng yêu nước, tôi tôn trọng sự lựa chọn của họ”. 

Thầy giáo Lê Tiến Công, giảng viên khoa Việt Nam học, người đã hoàn thành luận văn thạc sỹ với đề tài “Tổ chức và hoạt động phòng thủ vùng biển dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802- 1858” tâm sự: “Tôi đang tiếp tục phát triển đề tài của mình ở cấp nghiên cứu luận văn tiến sỹ với mong muốn luận văn của mình sẽ được in thành sách, góp phần nhỏ trong việc xác định chủ quyền biển đảo, đặc biệt công bố những nghiên cứu lịch sử thực thi bảo vệ chủ quyền biển dưới triều Nguyễn, một triều đại rất gần với chúng ta”. 

Tiếp nối ý thức “vọng hải đài” của cha ông thuở trước, cũng như vang mãi dư âm về câu chuyện khẳng định chủ quyền quần đảo Malvinas của người Argentina, người Việt Nam nói chung, những trí thức của Trường Đại học Phan Châu Trinh nói riêng, mỗi người đang có những cách thể hiện tình yêu nước, tình yêu biển trời quê hương của mình ở mỗi việc làm khác nhau và mỗi người trong số họ đã là một sứ giả về chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Họ đang viết tiếp truyền thống của thế hệ mình. 

 

Tác giả bài viết: Khiếu Thị Hoài

Nguồn tin: tintuc.vn