Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Anh hiệu phố cổ

Hầu như du khách nào khi đến với phố cổ Hội An cũng đã một lần biết đến bài chòi và nghe giọng hát của “anh hiệu phố cổ” Lương Đáng. Với sự hài hước, dí dỏm và lối hát biến hóa, sáng tạo, không ít người đã bị nghệ nhân Lương Đáng chinh phục ở ngay lần đầu tham gia hội bài chòi.

images1150131 NGHE NHAN LUONG DANG 1

Nghệ nhân Lương Đáng hô hát trong một đêm hội bài chòi. Ảnh: P.L

Gặp tôi trong buổi chiều có chút se lạnh của tiết trời Hội An, nghệ nhân Lương Đáng ăn mặc lịch sự, gọn gàng trong bộ sơ mi sọc trắng và quần âu đen. Ông gây ấn tượng với tôi bởi tác phong nhanh nhẹn và nụ cười thường trực trên môi. Trang phục, cử chỉ, dáng đi bộc lộ đúng những gì trong chính con người ông: một người nghệ sĩ tài năng, giản dị, gần gũi, hòa đồng...

Bài chòi là máu thịt

Vừa uống cà phê vừa chia sẻ cái duyên đến với bài chòi, nghệ nhân Lương Đáng cho biết: “Khi nhỏ tôi đã quen nghe, bởi lúc nào bà ngoại đi chơi bài chòi cũng bồng tôi theo. Từ lúc lên 9, 10 tuổi, bài chòi đã nhiễm vào trong máu, thấm vào trong con người mình. Tôi hô với hát bài chòi từ hồi mười mấy tuổi”. Không chỉ chia sẻ về cái duyên đưa mình đến với bài chòi, ông còn tâm sự về quãng thời gian mình đi tìm và khôi phục - bài chòi từng có thời gian thất truyền và không được nhiều người biết đến. Nghệ nhân Lương Đáng tâm sự: “Năm 1998 là năm đầu tiên thử nghiệm khôi phục trò chơi dân gian hô hát bài chòi ở Hội An. Trước đó, tôi cùng một số anh, các bác lãnh đạo ngồi tìm hiểu về văn hóa dân gian, rồi đi tìm một số bác cao tuổi ở các xã như Cẩm An, Cửa Đại rồi lên những vùng trên như Thanh Hà nghe hát để tìm hiểu về loại hình dân gian này”.

Nói về “cát sê” cho mỗi đêm, nghệ nhân Lương Đáng cười và chia sẻ: “Nói về tiền thì ai cũng thích nhưng mà nếu chúng ta nặng về tiền thì rất khó làm. Bây giờ tiền theo thu nhập từ khách du lịch, hỗ trợ của Nhà nước kèm theo mấy đồng lương chay gì đó rồi cũng tạm ổn chứ không phải là làm như thế để kiếm tiền. Mình chấp nhận làm vì tương lai Hội An mình chứ không vì tiền bạc”. Bài chòi đã trở thành món ăn tinh thần với du khách khi đến thăm phố Hội. Còn với người nghệ sĩ đã hơn nửa đời người hô hát, bài chòi là máu thịt, là chính con người mình nên có lẽ quý hơn cả những giá trị vật chất.

Trong hơn 30 năm mang tiếng hát của mình phục vụ du khách xa gần cũng như bà con tại địa phương, nghệ nhân Lương Đáng đã có nhiều kỷ niệm khó quên. Ông kể: “Còn nhớ vào năm 2002, trong dịp đi biểu diễn phục vụ lễ hội Việt - Nhật tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, tôi có hát một câu bài chòi rất quen thuộc mà hầu như người miền Trung ai cũng biết là: “Con cu ăn đậu ăn mè/ Ăn chi của chị chị đè con cu”. Nhưng ở miền Nam có một số người nghe không hiểu, nói là hát tục. Người ta kiến nghị lên ban tổ chức. Thế là tôi được mời lên, ban tổ chức chất vấn sao lại hát tục. Tôi nói là có hát gì tục đâu. Người ta mời cái cô phản ánh lên, tôi mới bật ngửa là vì cái chuyện “con cu ăn đậu ăn mè”. Cô bảo hát như vậy là hát tục. Tôi phải giải thích một hồi để cô hiểu rằng, con cu là con chim có lông có cánh, ăn đậu ăn mè, có gì đâu mà tục”. Chú còn chia sẻ thêm, người Quảng Nam hay có những kiểu nói lái, nói ẩn dụ để gây cười, đôi khi hơi thô thiển nên lần đầu tiên ai nghe không hiểu cũng nghĩ là bậy bạ, hát tục.

Đa năng

Nghệ nhân Lương Đáng là người trực tiếp truyền dạy loại hình văn hóa dân gian này cho thế hệ trẻ. Ông bảo, điều quan trọng nhất với ông bây giờ là sưu tầm nhiều hơn những câu hát và làm sao để “truyền lửa” được cho những thế hệ tiếp theo. Nói về việc vừa đi hô bài chòi vừa dạy hát loại hình này, ông cho biết mình “tham” cả hai công việc này. “Mình đi hát, diễn làm khách vui thì mình vui. Còn đi dạy cho mấy em, niềm vui vì tương lai có thế hệ trẻ kế thừa” - nghệ nhân Lương Đáng thổ lộ.

Không chỉ là một nghệ nhân hát bài chòi, ông Lương Đáng còn là một MC, một diễn viên khá nổi tiếng tại Hội An. Người ta vẫn hay bắt gặp “Đáng bài chòi” làm “Đáng MC” trong một số đám cưới, đám tiệc. Có lẽ bởi khả năng ngôn từ phong phú, sự nhanh nhạy và sáng tạo trong câu chữ đã giúp cho ông có cách dẫn riêng, gây ấn tượng với người nghe. Bên cạnh đó, sự thông minh, dí dỏm và hài hước đã tạo nên một Lương Đáng tấu hài, luôn mang đến niềm vui và tiếng cười cho khán giả. Ông chia sẻ: “Tôi cũng thích sân khấu. Có thời kỳ cũng đứng trên sân khấu làm diễn viên, tham gia tấu hài. Cùng có thời kỳ nhảy vào lĩnh vực phim điện ảnh. Rồi có khi nhận làm MC đám cưới, đám tiệc. Việc nào cũng được, miễn sao làm cho mọi người vui”. Vốn xuất thân từ nhà nông nên ông cũng là nông dân thứ thiệt. Khi đã cởi bỏ trang phục biểu diễn sau mỗi đêm hát, ông lại trở về với cuộc sống thường ngày bên mảnh vườn nhỏ với đủ loại cây trái. Có lẽ đây cũng là niềm vui của người nghệ sĩ khi có thể làm nhiều thứ mình thích ngay trên sân khấu và trong cuộc sống đời thường.

Ông chia sẻ rất nhiều về chuyện đời, chuyện nghề khiến tôi có cảm giác như một câu chuyện dài bất tận và không có hồi kết. Những kỷ niệm vui, buồn cũng như những trải nghiệm của ông trong những năm làm nghề rất lôi cuốn. Nếu ai đã từng nghe ông hát, trò chuyện, tâm sự, hẳn sẽ nhận ra ở ông là một người nghệ sĩ “nông dân” hài hước, tài năng và cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Hơn 30 năm làm nghề, điều ông mang lại cho mọi người không chỉ là niềm vui mà còn là sự tự hào bởi nét văn hóa của quê hương vẫn đang được bảo tồn và phát triển.

Tác giả bài viết: PHƯƠNG LOAN

Nguồn tin: Báo Quảng Nam