/

Trang chính » Báo Quảng Nam

Thú chơi sách vở

Đăng vào: Thứ năm, 15/01/2015

Quá khứ trăm năm

Quá khứ hiển lộ từ những trang sách cũ. Thú chơi sách cũng như nền văn hóa đọc đều phải bắt đầu và phụ thuộc vào nền kinh tế cũng như nền văn hóa của vùng đất. Cũng vậy, thú chơi sách của người Hội An có nguồn cơn đầu tiên, phải nói từ vị trí của một vùng đất giao thương, cảng thị. Những năm cuối thế kỷ XVIII kéo dài đến giữa thế kỷ XIX, Hội An là nơi tập trung đông đúc văn nhân, sĩ tử. Họ đến đây vì cảng thị Faifoo là nơi đón nhận những cuốn sách mới nhất, có giá trị của thế giới và cả miền Nam bấy giờ được nhập về theo đường thủy. Trong hồi ký cụ Huỳnh Thúc Kháng kể rằng, cụ Phan Châu Trinh từng đọc sách tân văn ở Hội An để nhen nhóm phong trào Duy Tân với ý nghĩa thời cuộc còn giá trị đến hiện nay. Cũng ngay từ những năm 1920, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Hội An đã phát huy thị hiếu văn hóa đọc để truyền bá tư tưởng yêu nước thông qua sách báo cách mạng và đem lại nhiều kết quả tích cực.

“Không gian đọc Hội An” do cán bộ, sinh viên Trường Đại học Phan Châu Trinh thành lập với các hoạt động: phục vụ đọc sách, mượn sách miễn phí dành cho cộng đồng tại trung tâm TP.Hội An vào Chủ nhật hằng tuần. Ảnh: SONG ANH

“Không gian đọc Hội An” do cán bộ, sinh viên Trường Đại học Phan Châu Trinh thành lập với các hoạt động: phục vụ đọc sách, mượn sách miễn phí dành cho cộng đồng tại trung tâm TP.Hội An vào Chủ nhật hằng tuần. Ảnh: SONG ANH

ThS. Phùng Tấn Đông, người khá am tường về vốn văn hóa Hội An, trong câu chuyện về thú chơi sách vở của người phố cổ, kể lại cho chúng tôi về những hiệu sách cũ trong khu phố. Chỉ trên vài con đường đã có tới 8 hiệu sách. Đường Trần Phú (trước là đường Cường Để) có các hiệu sách: Bình Minh, Rạng Đông, Trương Kim Điền, Nam Ngãi. Phía trên chùa Cầu đường Nguyễn Thị Minh Khai (cũng là đường Cường Để cũ) có hiệu sách Đại Đồng, đường Lê Lợi có hiệu sách Thống Nhất, đường Trần Quý Cáp có hiệu sách Nhất Tiếu (sau này đổi tên thành nhà sách Trùng Dương), đường Hùng Vương (trước là đường Phạm Phú Quốc) có hiệu sách Khai Trí. Rất nhiều tác phẩm thuộc hàng kinh điển của văn học thế giới có thể tìm thấy tại các hiệu sách này. Ngoài ra, ở đường Cường Để có một cửa hàng chuyên cho thuê truyện (nay là nhà cổ Đức An ở đường Trần Phú), sách cho thuê nhiều nhất lúc bấy giờ là truyện võ hiệp của Kim Dung - dịch giả Hàn Giang Nhạn, truyện của Duyên Anh (Vũ Mộng Long) như Hoa thiên lý, Thằng Côn, Bồn Lừa, Dzũng Đa Kao, Ngày xưa còn bé, Chương còm, Con Thúy…

Người còn được biết tới như một “nhà Kim Dung học”, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển chia sẻ, những năm học đệ tam, đường Cường Để cũng chính là chốn ông thường xuyên lui tới để thuê truyện về đọc. “Năm 1964 khi học đệ tam tôi đã xem các tiểu thuyết của Kim Dung. Hồi đó tôi đi thuê sách để đọc và ở tuổi trung học, tôi chọn ban văn chương (ban C). May mắn là từ nhỏ tôi có học trước một chút chữ Hán với cha và người bác nên cũng võ vẽ biết được một vài khái niệm trong Hán văn. Đọc tiểu thuyết của Kim Dung lúc đó tôi thích lắm”. Theo cụ Vương Hồng Sển, “phải là người trọng tuổi mới hiểu thấu đáo thú chơi sách và biết giá trị bộ nào hay, bộ nào dở”. Nhưng Hội An cùng với truyền thống văn hóa đọc, đã mang không khí sách vở chuyển tải qua nhiều thế hệ…

Tàn phai và phục dựng

Trong những năm trước 1975, tủ sách gia đình là một trong những điều tự hào của mỗi tộc họ ở phố cổ. Nhà Hội An học Nguyễn Bội Liên, cùng những công trình nghiên cứu văn hóa, dịch thuật, trong đó đáng kể nhất phải nói đến mảng văn hóa cổ Hội An, cũng là một người “chơi sách” có tiếng của phố cổ. Tiếc thay, gia tài sách vở cùng những công trình cả cuộc đời cụ đeo đuổi, đến nay vẫn chưa được phát huy giá trị. Nhiều gia đình ở phố cổ, trong những biến thiên thời cuộc, đã không thể giữ tủ sách gia đình - thứ gia sản đã từng một thời là “báu vật” của người phố Hội. Ngay cả những người mê đắm cổ vật và cũng từng một thời sống trong không khí sách vở của Hội An như Diệp Gia Tùng, Thái Tế Thông…, trong gia tài vẫn không thể giữ một cuốn sách cổ có tuổi đời như cuộc hành trình của tộc họ mình.

“Điều đáng báo động là thú chơi sách vở đang tàn lụi dần ở Hội An. Mất thú chơi này cũng đồng nghĩa phố cổ mất đi một nét văn hóa rất đẹp. Những nhà sách lớn không tồn tại ở Hội An được, vì nguồn thu rất ít” - ông Phùng Tấn Đông chia sẻ. Câu chuyện văn hóa đọc ở Hội An trở nên sôi động hơn, khi nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông tiếp tục mổ xẻ những tiêu chí về gia đình văn hóa, thành phố văn hóa. “Nền tảng một gia đình văn hóa, theo mình, điều cần trước tiên phải có một tủ sách gia đình, tủ sách cho trẻ em. Một thành phố văn hóa, cần phải xây dựng, khôi phục văn hóa đọc” - ông Đông nói.

Từng ngày thức dậy nét văn hóa đang lùi vào dĩ vãng, một “Không gian đọc” ở phố được mở ra, ngõ hầu khơi lại niềm yêu thích sách vở trong cư dân đô thị cổ. Khiếu Thị Hoài cùng những cộng sự của chị đã hơn một năm trời duy trì chốn tươi xanh cùng với sách này. Những ông bố, bà mẹ bắt đầu hình thành nếp quen mỗi sáng Chủ nhật chở con đến khuôn viên Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An để “nói” với con về một thú chơi đẹp. Một câu lạc bộ “Cùng em đọc sách”, một dự án “Thư viện miễn phí” đặt trước cửa hiệu, hộ gia đình đang từng ngày lớn dần lên, để ít ra phục hồi một phần nào đó không khí sách vở chưa xa của phố.

Lang thang phố cổ, chúng tôi bắt gặp bộ liễn đối Bách điểu tại nhà cổ Tấn Ký, với thâm ý sâu xa: “Bích xích thùy dương thiên lý vũ/ Thập phân minh nguyệt nhất lầu thư (Tạm dịch: Một dãy dương liễu chỉ dài trăm thước đón được cơn mưa từ ngàn dặm/ Một mảnh trăng chỉ rộng mười phân rọi sáng cả một căn gác đầy sách). Lẽ rằng câu chữ vậy, người phố Hội nỡ đâu đánh mất một nét văn hóa đẹp hình thành nên cốt cách “phong lưu” đã ăn sâu vào vùng đất?

SONG ANH - PHƯƠNG GIANG
Bài 3: Những tài tử âm nhạc
Nhạc sĩ Phạm Duy, trong hồi ức của mình, năm 1944, khi ở trong gánh hát Đức Huy đi xuyên Việt, dừng chân tại Faifoo và viết rằng “tôi còn thấy thanh niên ở đây yêu âm nhạc hơn tất cả thanh niên ở những nơi tôi đã đi qua”. Rất nhiều gia đình âm nhạc tại phố cổ góp phần không nhỏ làm nên “tên tuổi” của vùng đất.


Các bản tin cùng thể loại

Mới nhất

Cũ hơn