Từ những tài hoa
Người phố Hội, hay là cả những người yêu mến nền tân nhạc Việt Nam, sẽ mãi nhắc nhớ về một La Hối với nhạc phẩm “Xuân và tuổi trẻ” nồng đượm, đắm say. La Hối có tên khai sinh là La Doãn Chánh, người Minh Hương. Trong tư liệu do nhạc sĩ Trương Đình Quang, thế hệ đàn em đã từng hoạt động văn nghệ cùng nhạc sĩ La Hối kể lại, sau 3 năm học âm nhạc từ Sài Gòn trở về Hội An (năm 1939), La Hối cùng một số bạn bè đam mê hoạt động trong tổ chức “Hội yêu nhạc”. Khởi sự từ đây, ở Hội An bắt đầu xuất hiện những nhóm thanh niên biết chơi nhiều loại nhạc cụ trổ tài trên những góc phố. Trong cuốn hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy nhắc chuyện khi ông ghé Hội An vào năm 1944, sau khi cùng gánh hát Đức Huy đi từ Bắc vào Vinh, Huế, đã rất ngạc nhiên về tinh thần văn nghệ của người dân tại đây. “Khi gánh hát vào Faifoo (Hội An), tôi còn thấy thanh niên ở đây yêu âm nhạc hơn tất cả thanh niên ở những nơi tôi đã đi qua. Nhạc sĩ nổi danh ở đây là anh Tầu lai La Hối, tác giả của bài “Xuân và tuổi trẻ”, tốt nghiệp nhạc viện Thượng Hải và có chân trong Hội ái (yêu) nhạc ở Faifoo. Các hội viên khác của hội này là vị chỉ huy trưởng người Pháp của Garde Indigène, là ông công chức cao cấp người Pháp của Nhà Đoan, là những nhạc sĩ Minh Hương như Vương Quang, Vương Quốc Mỹ…” (theo Hồi ức Phạm Duy - Nhớ).
Ban nhạc Cung đàn xưa - dấu ấn một thời ở Hội An nay đã không còn. (ảnh chụp năm 2010).
Khoảng gần 10 năm hoạt động âm nhạc tại Hội An, tính đến ngày bị phát xít Nhật sát hại (tháng 5.1945), nhạc sĩ La Hối như người mở đường và có sức ảnh hưởng khá lớn đến phong cách âm nhạc của những tên tuổi phố Hội sau này, như Hoàng Tú Mỹ, Dương Minh Ninh, La Xuân, Lê Trọng Nguyễn, Lan Đài… Ngay cả những tác giả trẻ đang sống tại Đà Nẵng thời bấy giờ như Phan Huỳnh Điểu, Vũ Hùng… cũng chịu ảnh hưởng và tác động từ các hoạt động biểu diễn, sáng tác của Hội yêu nhạc Faifoo từ người anh cả La Hối… Hơn 70 năm sau, duyên phố cổ cùng mảnh đất lắm người yêu nghệ thuật này lại có thêm những lớp “tài tử” mới, đủ để phong trào âm nhạc phố Hội không bị chững lại sau những thăng trầm. Một ban nhạc Cung đàn xưa với những cụ già đã bước qua tuổi thất tuần trải hồn cùng các tình khúc bất hủ. Đó là tay dương cầm phiêu diêu La Gia Quảng, tiếng phong cầm của cụ Thái Chi Hao, ông Dương Hạ Châu với tiếng đàn ghi ta đậm sắc, một cụ ông Lê Khuê hòa âm violon, hay cụ ông Võ Tân Nam đầy nghệ thuật với tiếng đàn mandoline… Những năm 1990 - 2000, ban nhạc này là một dấu ấn, biểu hiện của thú chơi hào hoa chốn đô thị cổ. Nhưng đời người vốn hữu hạn. Sự ra đi vì tuổi già của các cụ để lại một khoảng trống quá lớn cho âm nhạc phố cổ những năm sau đó. Phố vắng dần tài tử…
…đến các gia đình âm nhạc
May thay, lớp tài tử của một thế hệ vàng đã kịp sản sinh ra những tài năng nghệ thuật, đủ để đi tiếp cuộc chơi còn dang dở. Phố của những đêm rằm, trong một góc ngã tư, những thanh âm dặt dìu trong không gian thoảng mùi hương trầm, thoảng thứ ánh sáng vàng đặc trưng của Hội An. Một gia đình tài tử gồm ba người, hai thế hệ, làm nên những âm khúc say lòng người. Gia đình ấy, với tiếng hạ uy cầm nỉ non vọng vào đường phố của ông Đỗ Văn Bừng, tiếng đàn mandoline của người em trai Đỗ Văn Anh và tiếng ghi ta thùng của con trai Đỗ Hùng Đăng Vy. Nhiều năm sau ngày phố mở cửa, gia đình âm nhạc này gợi lại nhiều hoài niệm về một Hội An tĩnh tại, của thế kỷ trước. Vài năm trở lại đây, chỉ còn “tài tử hạ uy cầm” Đỗ Văn Bừng say sưa với tiếng đàn nơi góc phố đêm. Nhưng gia đình họ Đỗ, phần nào đó, thắp lên những tươi vui cho phong trào âm nhạc đường phố của Hội An.
Âm nhạc, với những người trong gia đình họ La - nơi sản sinh ra một La Hối tài hoa, đã ngấm vào máu. Và như một lẽ đương nhiên được tiếp truyền qua từng thế hệ, sau cụ La Gia Quảng, hai người con La Vĩnh Sơn và La Vĩnh Hoàng bây giờ đều là những nhạc công dương cầm nổi tiếng ở Hội An. Hai người cháu nội La Anh Thư và La Anh Thùy cũng kịp nối gót niềm đam mê âm nhạc, trở thành giáo viên thanh nhạc tại Huế, đồng thời là những giọng ca trẻ được nhiều người mến mộ. Bên cạnh đó, nữ danh ca Ánh Tuyết, cùng những người anh em Trần Dũng, Trần Thương, Trần Mến, góp phần làm nên không khí âm nhạc sôi động của phố cổ.
Với người Hội An hiện tại, Mỹ Phương, Mỹ Hiệp, Văn Bình, Thanh Xuân, Duy Dũng… là những cái tên thường xuất hiện trong các sự kiện âm nhạc nào đó. Họ đã kịp tạo cho mình một giềng mối với âm nhạc, với những cuộc chơi bền bỉ. Mỹ Phương, sau những ngày trẻ tuổi, giờ trở về rèn luyện cho các đội ca nhạc thiếu nhi của thành phố. Và năm nào, trong cuộc thi tiếng hát Hoa phượng đỏ do Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam tổ chức, Mỹ Phương và đội nhạc của chị cũng để lại nhiều dấu ấn. Những chiếc huy chương trên lĩnh vực âm nhạc của Hội An trong các cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia đều có sự góp mặt của gia đình Lý Khoa Hàn và Mỹ Phương, cùng những người con trai Lý Hùng, Lý Dũng, Lý Đình Kiệt… Mới đây, cái tên Duy Dũng, người em họ của Mỹ Phương, lại tiếp tục ghi dấu ấn một vùng đất nghệ thuật đến đông đảo người dân cả nước, khi anh vượt lên rất nhiều thí sinh để giảnh giải Nhất cuộc thi Tiếng hát mãi xanh do Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh tổ chức năm 2013.
“Tôi vẫn hẹn hò một bài hát cũ”, như lời của Văn Cao, và người Hội An, đất Hội An vẫn là chốn của những lời hẹn trong âm nhạc. Muôn nẻo đường nghệ thuật, dù ẩn chìm hay gây nên tiếng vang, vẫn là những chuyện đời khi nhắc đến phố cũ…
SONG ANH - PHƯƠNG GIANG
Bài 4: Ẩn trong quang gánh
Có một góc lặng thầm với câu chuyện về những cuộc đời quang gánh hàng rong tảo tần, góp phần làm nên giá trị văn hóa ẩm thực của Hội An.