Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Đội hợp xướng nhí giữ hồn dân ca xứ Quảng

Trong Liên hoan hợp xướng quốc tế lần thứ 3 tổ chức tại Hội An (Quảng Nam) vừa qua, nhiều người bất ngờ khi dàn hợp xướng nhí TP Hội An biểu diễn và đạt giải Bạc. Để có những phút giây làm xao động lòng người ấy, ít người biết rằng những "nghệ sĩ nhí" không chuyên phải luyện tập rất vất vả.

 

 Các em học sinh trong Câu lạc bộ Hợp xướng thiếu niên Hội An.

Tại Liên hoan, Câu lạc bộ (CLB) Hợp xướng thiếu niên Hội An thể hiện ca khúc "Đón Cuội chơi trăng", bài hát dựa trên hai làn điệu dân ca Lý thượng và Hò giã vôi của dân ca Quảng Nam. Bằng hình thức Accapella, cùng các đạo cụ phụ trợ là gáo dừa khô, sanh tiền, trống cơm... các nghệ sĩ thiếu nhi vừa hát, vừa vỗ tay và đánh nhạc cụ theo điệu bài hát. Khúc dân ca bình dị qua giọng hát hồn nhiên, trong trẻo của các em đã khiến bản nhạc dân ca đặc trưng của xứ Quảng có sức hút lạ thường. Kết thúc bài biểu diễn, nhạc sĩ Nguyễn Hoàng, nhạc trưởng dàn hợp xướng cũng phải thốt lên: "Trực tiếp hướng dẫn các em nhưng tôi cũng thấy rất bất ngờ. Để thể hiện tốt bài hát này không phải dễ, đòi hỏi phải luyện tập rất nhiều". Với những gì đã thể hiện trong Cuộc thi hợp xướng quốc tế lần thứ 3, CLB Hợp xướng thiếu niên Hội An-dàn hợp xướng thiếu niên  đầu tiên đại diện Việt Nam đã vinh dự nhận giải Bạc thể loại dân ca dành cho thiếu niên dưới 16 tuổi.

Vượt qua nhiều dàn hợp xướng khác để đạt được giải thưởng danh giá ấy, hẳn không phải chuyện dễ dàng. CLB có 32 em từ 10 đến 16 tuổi, là học sinh của các trường TH và THCS trên địa bàn thành phố. Chỉ trước khi diễn ra Liên hoan các em mới được tập hợp lại để tham gia luyện tập. "Do mới làm quen với thể loại này nên các em còn rất nhiều bỡ ngỡ. Ban đầu chúng tôi chỉ cho các em tập những bài đơn giản như Trống cơm, các bài Lý... sau đó mới nâng dần độ khó của mỗi bài hát lên. Hằng đêm, các em cũng dành ra hơn một tiếng đồng hồ để luyện giọng tại các lớp dạy dân ca"-nhạc sĩ Nguyễn Hoàng cho biết. Nhớ lại những ngày đầu vào đội hợp xướng, em Nguyễn Phạm Gia Hân (học sinh lớp 4, Trường TH Lương Thế Vinh) kể: "Lần đầu tập thể loại này nên không quen, nhiều lúc em chỉ hát mà quên đánh trống, khi khác lại đánh trống mà chẳng hát, mãi sau được thầy hướng dẫn em mới quen được. Trước khi thi, đêm nào chúng em cũng cùng tập hơn 1 giờ, sau đó mới về học bài, hơi mệt nhưng chúng em rất vui". Mỗi lần tập luyện ngoài giờ các em gặp khá nhiều khó khăn. Tuy vậy với niềm say mê dân ca, được thầy cô và cha mẹ động viên các em đều nỗ lực tập luyện. Trong 32 em trong đội hợp xướng có 2 em là học sinh tiểu học vì vậy mỗi lần tập, phụ huynh phải đưa đón.

Thành quả nào cũng phải đổi bằng công sức, vì thế khi chứng kiến các em biểu diễn trên sân khấu và đạt được giải thưởng cao trong Liên hoan, thầy cô và phụ huynh các em vô cùng vui sướng. Vẫn còn nguyên cảm xúc bồi hồi lúc nhận giải, em Đặng Thục Oanh, (Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu, TP Hội An) nói: "Chúng em không nghĩ sẽ được giải vì vậy khi nhận giải đứa nào cũng vui, ba mẹ cũng vui nữa vì không dễ nhận giải trong Liên hoan hợp xướng quốc tế. Sau này em sẽ tiếp tục học hát dân ca". Để có những thế hệ mới đam mê hát dân ca, trong những năm qua Hội An đã chú trọng giảng dạy và bồi dưỡng cho các em học sinh. Anh Phạm Văn An-Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa thể thao (Trung tâm Văn hóa Hội An) cho biết,  những năm qua, TP Hội An đã đưa nội dung dạy thanh nhạc, hát dân ca vào trường học vào mỗi sáng thứ hai. Ngoài ra, vào tất cả các buổi tối, những lớp dạy hát hợp xướng, dân ca miễn phí cũng được mở để thu hút các em học sinh. "Từ đó, chúng tôi đã phát hiện và lựa chọn được những em có chất giọng tốt, có năng khiếu ca hát để "góp" lại thành một đội Hợp xướng, nhờ thế mới tạo nên tiếng vang ở Liên hoan hợp xướng quốc tế vừa qua", anh An tâm sự.

Việc CLB Hợp xướng thiếu niên Hội An đạt giải trong Liên hoan hợp xướng quốc tế là một thông tin vui, cho thấy hướng đi đúng của Hội An trong việc giữ gìn và phát triển nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Tác giả bài viết: Minh Hà