Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Tăng sức cạnh tranh du lịch

Du lịch Hội An đang đứng trước nhiều thách thức gay gắt. Phải thường xuyên nâng cao năng lực cạnh tranh mới đảm bảo sự phát triển bền vững.

Trong 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm Hội An đón 1,6 triệu lượt khách, tăng 8,13%/năm. Hội An tiếp tục nhận được sự yêu mến của du khách với các danh hiệu được bình chọn như: “Thành phố yêu thích hàng đầu trên thế giới”, “Thành phố lãng mạn nhất thế giới”... Nền kinh tế du lịch Hội An đã có sự tăng trưởng ấn tượng liên tục những năm qua. Đó là sự gia tăng đầu tư, việc làm và thu nhập, sự phát triển khá ổn định trong điều kiện bất ổn về tài chính Châu Á và suy thoái kinh tế toàn cầu, các tác động khủng hoảng tiền tệ trong nước. Sự gia tăng cơ hội đầu tư cũng như xúc tiến đầu tư diễn ra khá liên tục trên địa bàn, chứng minh rằng các nhà đầu tư vẫn coi Hội An là một điểm đến hấp dẫn.

*Nhiều thách thức:

Mặc dù đạt được kết quả đáng kể nhưng cho đến nay, du lịch Hội An vẫn còn nhiều việc cần phải tập trung, với nhiều thách thức trước mắt cũng như lâu dài. Trong đó có những thách thức từ ngay trong nội bộ thành phố, trong nội bộ ngành và cả những thách thức trong mối liên hệ phát triển khu vực, trong sự gia tăng tiện ích hàng ngày về hạ tầng khu vực. Thực tế cho thấy, ở phía Bắc là Đà Nẵng – một thành phố du lịch biển đang thay đổi, phát triển nhanh về hạ tầng, nguồn lực và số lượng doanh nghiệp, cơ sở lưu trú. Phía Nam với sự nối liền của cầu Cửa Đại sẽ tạo cơ hội cho vùng du lịch biển tiềm năng với các dự án lớn được hình thành ở các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình. Phía Tây là sự phát triển của vùng du lịch sinh thái văn hóa Triêm Tây gắn với Điện Bàn và vùng lân cận với sự đa dang về chủng loại, chất lượng, giá cả, tính năng... “Đặc biệt, sau khi cầu Cửa Đại đưa vào sử dụng thì dọc bờ biển của Quảng Nam, kể cả Điện Ngọc, Điện Dương rồi Duy Hải, Duy Nghĩa, rồi Thăng Bình gồm có Bình Dương, Bình Đào... vừa rồi, đội ngũ lãnh đạo của các xã này đã qua đây học tập. Nhiều lượt, lãnh đạo các xã này đã đến để xem Hội An làm du lịch như thế nào. Rõ ràng là họ đang chuẩn bị. Nếu chúng ta không nhanh chóng, không tìm ra những giải pháp thích hợp để phát triển thì xung quanh sẽ phát triển nhanh hơn. Người làm sau nên sẽ rút kinh nghiệm, làm tốt hơn”, ông Kiều Cư – Bí thư Thành ủy lưu ý.

700 F

Các doanh nghiệp phải năng động, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh trong môi trường du lịch mới-

Ảnh: Đỗ Huấn

Thực tại, thách thức du lịch Hội An còn là sự phát triển chưa đồng đều ở một số địa bàn, là vấn đề môi trường du lịch đang xuất hiện nhiều yếu tố bất ổn về trật tự an toàn, cảnh quan tự nhiên bị xâm hại, sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều địa phương... đòi hỏi phải có sự đổi thay căn bản và đúng đắn để duy trì đà tăng trưởng bền vững.

*Nâng cao năng lực:

Để phát triển du lịch bền vững, lãnh đạo thành phố tập trung phát triển đồng bộ, đa dạng và khai thác phù hợp các loại thị trường, các dòng khách. Trong đó, thị trường khách truyền thống được chú trọng, khách Châu Á và nội địa được phát triển mạnh. Các vùng du lịch cũng được đa dạng hóa và tạo sự kết nối liên hoàn, ưu tiên phát triển du lịch văn hóa gắn với di sản, du lịch biển – đảo – làng quê – sông nước gắn với sinh thái, môi trường và các ngành nghề truyền thống, đồng thời tăng cường xúc tiến quảng bá, tiếp thị.

700 FO

Buổi sáng trên đường phố cổ- Ảnh: Đỗ Huấn

Chính quyền thành phố tiếp tục ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng nhằm nâng cao hơn nữa lợi ích và trách nhiệm của người dân, xem đây là yếu tố hàng đầu, quyết định tính bền vững của du lịch Hội An. Chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo hướng tinh về chất lượng, mạnh về số lượng, đa dạng về ngành nghề. Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động du lịch, dịch vụ, xây dựng và phát huy các cơ chế phối hợp liên ngành, liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương để nâng cao hiệu quả, chất lượng các sản phẩm du lịch. Bà Đinh Thị Thu Thủy – nguyên Trưởng Phòng TMDL thành phố phân tích: “Xuất phát từ thực tế, đội ngũ doanh nghiệp địa phương chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô nguồn lực, phạm vi hoạt động nhỏ hẹp, chủng loại sản phẩm hàng hóa dịch vụ giống nhau. Đây vừa là điểm hạn chế của đội ngũ doanh nghiệp Hội An, mặt khác cũng là lợi thế trong điều kiện kinh tế có nhiều biến động, khủng hoảng những năm qua để doanh nghiệp có thể tồn tại, duy trì. Với điều kiện thị trường mới, du lịch xóa dần khoảng cách về không gian và thời gian giữa Đà Nẵng – Điện Bàn – Hội An – Duy Xuyên, việc phân chia thị trường du lịch sẽ khốc liệt, gay gắt hơn. Với môi trường cạnh tranh mới, buộc các doanh nghiệp phải năng động, nhạy bén, đầu tư tâm sức để cung cấp những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao mà thị trường cần, đáp ứng nhu cầu đa dạng phong phú của khách hàng”

Cạnh tranh và thường xuyên nâng cao năng lực cạnh tranh là khâu cốt lõi để khẳng định vị trí, vai trò của doanh nghiệp, địa phương hay lĩnh vực kinh tế nào đó trên thị trường. Nhận rõ thách thức để ứng phó, cùng với việc xây dựng các chương trình kế hoạch cụ thể sát hợp, ngành du lịch Hội An cũng cần tiếp tục bố trí và thu hút nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh một số công trình hạ tầng thiết yếu như: trung tâm tư vấn thông tin và hỗ trợ du khách tại khu phố cổ, tại Cù Lao Chàm, cảng du lịch Cửa Đại, các công viên, bãi tắm ven biển ở Cẩm An, Cửa Đại...

Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An