Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Phát huy giá trị di tích vùng ven Hội An

Di tích lịch sử - văn hóa vùng ven thành phố Hội An là một bộ phận liên hoàn, gắn kết với khu di sản văn hóa thế giới – đô thị cổ, mang những giá trị văn hóa phi vật thể quý giá cùng đời sống văn hóa phong phú của cư dân. Phát huy giá trị di tích vùng ven kết hợp với phát triển kinh tế du lịch là hướng khai thác cần tăng cường và mở rộng…
DITICHVUNGVEN169191

Lồng ghép phát huy giá trị di tích trong hoạt động du lịch – dịch vụ ở một số địa phương- Ảnh: Đỗ Huấn

Theo số liệu thống kê, trong tổng số hơn 1400 di tích thuộc 4 loại hình gồm; lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ và danh lam thắng cảnh ở Hội An thì ngoài khu phố cổ có 276 di tích. Gắn cùng với các di tích là giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng như đời sống văn hóa phong phú của nhân dân.

Nhiều năm qua, chính quyền và nhân dân thành phố đã có nhiều nỗ lực, thông qua nhiều hình thức khác nhau bằng cả công sức, vật lực, tiền của để đầu tư tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích. Tính trong 10 năm (2008 – 2018), toàn thành phố đã thực hiện tổng cộng 227 công trình tu bổ di tích nhà nước và hỗ trợ tu bổ di tích tư nhân - tập thể với tổng vốn đầu tư gần 104,83 tỷ đồng, trong đó riêng nguồn vốn ngân sách thành phố là 69,38 tỷ, vốn xã hội hóa trong dân là 13,62 tỷ.

Việc phát huy giá trị di tích bước đầu cũng đạt kết quả khả quan thông qua hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương. Đặc biệt bộ phận di tích cộng đồng ngày càng trở thành thiết chế văn hóa tín ngưỡng quan trọng trong đời sống dân cư, được chăm nom thường xuyên, duy trì tổ chức cúng tế theo phong tục truyền thống. Một số địa phương có di tích cũng đã chú trọng trong định hướng phát triển kinh tế lồng ghép với phát huy thế mạnh di sản trong hoạt động du lịch – dịch vụ, trong đó trọng điểm là các làng nghề truyền thống: gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, rừng dừa Bảy mẫu, danh thắng bãi tắm Cửa Đại, An Bàng, các di tích và danh thắng ở xã đảo Tân Hiệp. Trong năm qua, chính quyền và ngành chức năng của thành phố cũng đã thành lập Tổ quản lý cho 10 di tích xếp hạng di tích cấp quốc gia, chỉ đạo các xã phường thành lập Tổ quản lý cho 89 di tích thuộc sở hữu cộng đồng; đồng thời xây dựng nội dung và triển khai làm 72 bảng nội quy để bàn giao đặt tại các di tích. Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, lĩnh vực bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phục vụ du lịch ở Hội An đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Công tác quản lý di sản ngày càng chặt chẽ, bài bản hơn. “Việc đầu tư tu bổ, chống xuống cấp di tích, phát huy giá trị di tích được quan tâm đẩy mạnh. Sức hút của thương hiệu du lịch Hội An nhờ vậy tiếp tục được khẳng định”, ông Sơn nói.

DITICHVUNGVEN169192

Mở rộng kết nối một số ngôi mộ người Nhật ở vùng ven để du khách tham quan- Ảnh: Đỗ Huấn

Quan tâm đầu tư tôn tạo, phục hồi di tích ở các xã phường, lãnh đạo thành phố vừa muốn bảo tồn, giữ gìn khối tài sản vô giá của cha ông để lại vừa muốn phát huy những giá trị đặc sắc của từng di tích để phục vụ tham quan, phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống nhân dân vùng ngoại vi phố cổ. Song thực tế hiện còn khá nhiều di tích chưa được sử dụng, phát huy đúng mục đích, thậm chí còn bị ảnh hưởng xấu đến di tích và cảnh quan môi trường bởi nhiều nguyên do khác nhau. Một số di tích quan trọng nằm trong các khu du lịch làng quê, làng nghề như: khu miếu tổ nghề gốm Nam Diêu, đình tiền hiền Kim Bồng, mộ ông Nguyễn Điển ở làng rau Trà Quế, đình làng An Mỹ ở Cẩm Châu, sau khi được nhà nước đầu tư tu bổ, tôn tạo ít được quan tâm chăm nom, để cỏ dại mọc nhiều trong khuôn viên… làm phá vỡ không gian, cảnh quan xung quanh – vẻ đẹp sống động, kết nối di tích với cuộc sống cư dân và khách tham quan. “Ở ngoài thành phố có một số di tích thuộc cấp quốc gia, cấp tỉnh mà nó liên cư liên địa, tạo một chuỗi liên hoàn thì cũng nên mở ra trong các cụm đó. Trong thành phố thì giữ, bảo tồn, phát huy tác dụng nhưng mà phải kết nối ,mở ở ngoại ô một số điểm. Tôi thấy cái cách như vậy thì có sự phát triển cả trong nội ô và cả ngoại ô. Không gian phát triển như vậy sẽ hài hòa, cân đối hơn”, bà Nguyễn Thị Lâm – chủ di tích mộ ông Nguyễn Điển đề nghị.

Bên cạnh đó, việc huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích ở nhiều địa phương chưa thực sự mạnh, dẫn đến một số di tích xuống cấp nhỏ vẫn còn để kéo dài, chờ kinh phí đầu tư của nhà nước hoặc một số hạng mục tôn tạo nhỏ cũng xin hỗ trợ kinh phí của nhà nước. Mặc dù đã có chỉ đạo từ cuối năm 2017 và đã nhắc nhở, đôn đốc không ít lần nhưng đến nay vẫn còn một số địa phương chưa thành lập Tổ quản lý di tích. Lực lượng cộng tác viên quản lý, bảo vệ di tích chưa thật sự phát huy hết chức trách, thiếu chủ động trông nom chăm sóc, chưa kịp thời thông tin thông báo về tình trạng di tích bị xuống cấp, bị ảnh hưởng... Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Ánh cho rằng, Hội An đã không chọn công nghiệp, không chọn ngư nghiệp, không chọn nông nghiệp làm mũi nhọn cho sự phát triển bởi lẽ Hội An có một lợi thế hơn hẳn, đó là những giá trị di sản. Không những là giá trị văn hóa mà còn giá trị thiên nhiên. “Và Hội An phải cố gắng phát huy truyền thống, làm cho văn hóa, làm cho khu phố cổ Hội An, làm cho các di tích ở vùng ven nói chung trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển”, ông Ánh nói.

Ngoài trách nhiệm của chính quyền thành phố và ngành chuyên môn, chức năng thì từng địa phương, từng chủ di tích và cả cộng đồng dân cư ở các vùng ven của thành phố phải thường xuyên nêu cao ý thức trách nhiệm, tăng cường hợp lực mới mong bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của các di tích – vốn tài sản quí hiếm mà các bậc tiền nhân đã dày công tạo dựng và truyền lại đến hôm nay.

                                                                                                ĐỖ HUẤN