Khám phá một Hội An không ở phố
- Thứ hai - 17/11/2014 10:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhắc đến Hội An, nhiều người thường nghĩ tới dòng sông Hoài hiền hòa hay những ngôi nhà mang nặng dấu ấn thời gian. Ngoài vẻ đẹp phố cổ, nơi đây còn quyến rũ du khách ở những làng nghề truyền thống vốn là nét văn hóa được gìn giữ lâu đời.
Hiện tại, Hội An còn khoảng 12 làng nghề chế tác các sản phẩm truyền thống như mộc, mỹ nghệ, lồng đèn... Dưới đây là một số làng nghề nổi tiếng bạn không nên bỏ qua khi ghé thăm phố cổ này.
Làng mộc Kim Bồng
Nằm tại xã Cẩm Kim, làng mộc Kim Bồng có lịch sử lên tới 600 năm. Dưới thời vua chúa nhà Nguyễn, Kim Bồng là cái tên nổi tiếng với những tác phẩm mộc tinh xảo với từng con thuyền, ngôi nhà. Không chỉ vậy, kiến trúc những ngôi nhà hay chùa tại phố cổ Hội An cũng được thiết kế bởi bàn tay của thợ mộc Kim Bồng.
Rất nhiều tác phẩm tinh tế được ra đời dưới đôi bàn tay khéo léo của người thợ Kim Bồng. Ảnh: Thùy Trang. |
Để tới đây, bạn chỉ cần đi phà từ phố cổ trong khoảng 10 phút. Ngay từ khi đặt chân lên mảnh đất này, những âm thanh đục đẽo hay khoăn cắt đã khiến du khách rộn rạo về một điểm du lịch hấp dẫn.
Các sản phẩm mộc tại làng nghề này được đánh giá nhẹ nhàng, mộc mạc nhưng không kém phần tinh xảo. Bạn có thể tìm thấy những bức hoành phi, tượng gỗ, ghế ngồi hay cả những món đồ chơi nhỏ độc đáo được đánh bóng nhẹ nhất để giữ màu sắc tự nhiên.
Hiện nay, làng mộc Kim Bồng không còn đóng thuyền, dựng nhà như xưa, thay vào đó là sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, nét tinh hoa và khéo léo vẫn còn in dấu mạnh mẽ trên từng sản phẩm.
Làng rau Trà Quế
Trà Quế là vùng đất nổi tiếng khắp Hội An với các loại rau thơm ngon được trồng trên đất đai màu mỡ. Ngôi làng nằm tại xã Cẩm Hà, cách trung tâm thành phố hơn 3km về hướng tây bắc. Hiện tại, nơi đây có 220 gia đình làm nông nghiệp, trong đó 130 hộ chuyên trồng rau luân canh, xen canh trên diện tích 40ha.
Nhiều khách du lịch tỏ ra hào hứng với hoạt động trồng rau tại đây. Ảnh: Trí Tín. |
Ghé thăm Trà Quế, bạn sẽ được giới thiệu trên 20 chủng loại rau lá và rau gia vị. Nhiều loại được đánh giá thơm ngon hơn hẳn những nơi khác như húng, é, tía tô... Không chỉ vậy, du khách tới đây còn được trải nghiệm cảm giác trở thành những nông dân thực thụ.
Người dân Trà Quế chuẩn bị rất nhiều bộ quần áo làm nông với dép lê, nón lá và dựng cả ngôi nhà dành riêng cho du lịch. Du khách được hướng dẫn cách cuốc đất, trồng cây, tưới nước và chăm bón rau.
Sau khi kết thúc buổi thực hành làm nông dân, họ sẽ được thưởng thức nhiều món ngon chế biến từ các loại rau xanh và những đặc sản Quảng Nam như bánh vạc, hến trộn, tôm hữu, mì Quảng, cao lầu Hội An...
Làng gốm Thanh Hà
Cách Hội An khoảng 3 km theo hướng tây là làng gốm Thanh Hà, hình thành từ cuối thế kỷ 15. Làng nghề này nằm ngay bên sông Thu Bồn, thuộc địa bàn xã Cẩm Hà.
Một nghệ nhân đang hướng dẫn du khách làm gốm. Ảnh: Trí Tín. |
Trước đây, Thanh Hà là nơi cung cấp bát chén, chum vại, ngói lợp, gạch lát nền cho nhà cổ ở Hội An và các khu vực lân cận. Ngày nay, các sản phẩm phong phú và đa dạng hơn, bao gồm cả con giống lưu niệm với nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú.
Một điểm đặc biệt ở làng nghề này là các hộ gia đình vẫn còn bảo tồn kỹ thuật chế tác gốm bằng bàn. Tất cả đều dựa vào sự khéo léo của mỗi nghệ nhân mà không sử dụng khuôn mẫu tạo hình hay tráng men, hóa chất. Chính vì vậy, dù cùng sử dụng nguyên liệu chính là đất sét, các sản phẩm ở đây lại nhẹ hơn so với những địa phương khác.
Ghé thăm làng gốm cổ này, ngoài việc mua những sản phẩm lưu niệm đẹp, du khách còn được tìm hiểu về nghề gốm cổ truyền Việt Nam từ mỗi nghệ nhân.
Làng đúc đồng Phước Kiều
Với tuổi đời lên tới 400 năm, làng đúc đồng Phước Kiều là điểm đến du lịch nổi tiếng ở Hội An nói riêng và cả nước nói chung. Bạn có thể tìm thấy các sản phẩm bằng đồng phục vụ trong dịp tế lễ, hội hè như chiêng, phèng la.. và các vật dụng gắn liền đời sống hàng ngày, bao gồm nồi niêu, xoong chảo, chén bát...
Các sản phẩm đầy tinh xảo của làng nghề đúc đồng Phước Kiều. Ảnh: tinhinh. |
Sở dĩ các sản phẩm nơi đây gây ấn tượng mạnh vì có kỹ thuật chế tác đặc biệt. Nghệ nhân trong làng luôn có những bí quyết pha trộn nhiều kim loại khác nhau cũng như duy trì mức nhiệt độ ổn định. Trước đây, các vua chúa thời Nguyễn từng mời nghệ nhân trong làng về kinh đô Huế để chế tác các tác phẩm nghệ thuật, đồ gia dụng và thậm chí cả đúc tiền.
Sau khi kết thúc hành trình thăm thú phố cổ, bạn có thể dừng chân tại Phước Kiều. Ngoài việc mua sản phẩm và tham quan, bạn còn được xem các nghệ nhân biểu diễn nhạc cụ cồng, chiêng do chính họ khai sinh.