Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Du lịch và di sản: Mối liên kết sống động

Kết quả xây dựng chính sách dựa vào cộng đồng, đưa ra chiến lược “Lồng ghép văn hóa và du lịch (DL)” đã trở thành “kim chỉ nam” phát triển DL, bảo vệ di sản tại Quảng Nam.
alt
Sức hấp dẫn của các điểm đến ở Quảng Nam.

Kết quả những cuộc điều tra, khảo sát, tham vấn chuyên gia và ý kiến từ cộng đồng… suốt một năm qua với sự hợp tác của UNESCO,  chiến lược “Lồng ghép văn hóa và DL” đã được công bố nhằm phát triển bền vững Quảng Nam. Chiến lược hướng đến việc kết nối các điểm DL di sản (Hội An - khu di tích Chăm Mỹ Sơn – Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm); phát triển DL thông qua các hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Chiến lược này còn góp phần xây dựng sản phẩm, tổ chức sự kiện và công tác quảng bá, xúc tiến DL của Quảng Nam; đưa ra kế hoạch xác định các khu vực phát triển DL để xây dựng sản phẩm DL bổ sung, giảm áp lực các điểm DL di sản và kết nối phát triển “tam giác di sản”.

Cùng với việc giảm thiểu rủi ro đối với DL và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng cư dân địa phương, góp phần giảm nghèo…, mục tiêu tổng quát của dự án là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Quảng Nam một cách bền vững bằng cách lấy văn hóa làm nền tảng để phát triển DL. Di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn sẽ đóng vai trò chính yếu cho việc thể hiện các hướng tiếp cận tích hợp đối với phát triển bền vững DL. Cộng đồng cư dân sinh sống giữa hoặc xung quanh di sản cũng giữ vai trò phát huy giá trị và bảo vệ di sản.    

alt
Cộng đồng hưởng lợi khi tham gia phát triển du lịch. Ảnh: T.DŨNG

Những cam kết sẽ hỗ trợ, đầu tư tại Quảng Nam những dự án phát triển DL cộng đồng đã được UNESCO tiến hành sau đó. Điểm nhấn đầu tiên chính là sự hỗ trợ tập huấn nghiệp vụ, phân tích dữ liệu, khảo sát mức độ hài lòng du khách, phân tích thị trường, chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ hướng dẫn viên di sản. Đồng thời, hướng dẫn địa phương điều chỉnh các mục tiêu DL, từ số lượng sang chất lượng, phù hợp giữa bảo tồn, phát triển và năng lực quản lý… Những hoạt động mới mẻ này giúp “không gian DL” Quảng Nam mở rộng hơn, bởi cộng đồng cư dân được hưởng lợi, trở thành những chủ nhân phát triển DL từ chiến lược mở này. Thành công nổi bật nhất của chiến lược “Lồng ghép văn hóa  - DL nhằm phát triển bền vững Quảng Nam” chính là việc xây dựng chính sách dựa vào cộng đồng. 

Tại Tuần lễ Văn hóa và phát triển tại Hà Nội từ ngày 5 đến 9.3, UNESCO đã khẳng định trước đại diện Ban quản lý 7 điểm di sản thế giới và 8 khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam rằng, những kinh nghiệm từ Quảng Nam sẽ giúp thêm thông tin cho các nhà hoạch định chính sách, hỗ trợ phát triển, chuyên môn và nghiên cứu. Việc áp dụng thành công phương pháp lập kế hoạch có sự tham gia của các bên đã cho kết quả khả quan về một chiến lược hài hòa trong định hướng phát triển DL và bảo vệ các di sản văn hóa, tăng cường lợi ích cho cộng đồng cư dân địa phương. Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã khẳng định, kết quả thí điểm này đã đóng góp cụ thể cho việc quản lý, bảo vệ, khắc phục khó khăn do tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động DL, đồng thời cải thiện chất lượng thông tin tại điểm di sản cho du khách. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả, một loạt hành động cụ thể thực thi chiến lược đã được vạch ra, trong đó nêu rõ yêu cầu về chất lượng tăng trưởng du lịch luôn gắn kết với bảo tồn di sản địa phương. “Một trong những bước phát triển vững chắc sau khi hoạch định chiến lược này là địa phương tiến hành rà soát lại các mục tiêu DL nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng chất lượng thay vì số lượng như trước đây, và hài hòa các mục tiêu phát triển. Quảng Nam cam kết sẽ tiếp tục phát triển DL bền vững trên nền tảng bảo vệ và tôn tạo, trùng tu di sản…” - ông Cả nói.

“Bài học kinh nghiệm từ Quảng Nam chính là phương pháp lập kế hoạch phát triển DL có sự tham vấn sâu rộng của cộng đồng và đào tạo hướng dẫn viên di sản. Cộng đồng hưởng lợi từ DL, điều này giải quyết  áp lực phát triển DL nhanh cho Hội An, Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm”. (TS Dương Bích Hạnh, Trưởng ban Văn hóa - xã hội Văn phòng UNESCO Hà Nội)

“Du khách có vai trò là nguồn lực mạnh mẽ có thể tận dụng và quản lý để bảo vệ tính chân xác và toàn vẹn của các di sản với những giá trị nổi bật toàn cầu đã được công nhận vào danh sách Di sản thế giới. Hạt nhân chính là người quản lý và hướng dẫn viên. Vai trò của hướng dẫn viên là làm khách “hiểu” và “yêu” di sản. Quảng Nam đã đào tạo nên những hướng dẫn viên như thế sau các khóa đào tạo”. (TS Phạm Trương Hoàng, giảng viên trường Đại học Kinh tế quốc dân)

“Làm thế nào để giúp du khách hiểu rõ các giá trị của di sản, tiến tới cùng chung tay hành động để bảo tồn và phát huy giá trị di sản là một bài toán phức tạp. Tổng cục DL sẽ nhanh chóng áp dụng các bài học này vào việc đào tạo và cấp chứng chỉ cho hướng dẫn viên DL”. (Bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DL Việt Nam)

“Tác động của DL lên di sản chưa lớn. Nhưng đây là vấn đề hết sức quan tâm để tìm ra giải pháp thích hợp, hạn chế tác động tiêu cực vào di sản. Bởi dù đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ các tổ chức quốc tế và ngành DL, chúng ta vẫn chưa đủ nguồn lực để triển khai đồng bộ, toàn diện trong việc bảo tồn di sản. Giải pháp hay phương thức trùng tu vẫn còn nhiều điều tiếp tục nghiên cứu. Năng lực địa phương vẫn chưa đáp ứng hài hòa giữa quản lý và bảo tồn. Nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ biến cái cũ thành cái mới. Khi đó, tính chân xác của lịch sử sẽ bị bóp méo. Đến năm 2014, 100 hướng dẫn viên tại Quảng Nam và một số hướng dẫn viên ngoại tỉnh đều sẽ được tập huấn, cấp chứng chỉ hướng dẫn viên di sản. Dự kiến năm 2015 sẽ ban hành và áp dụng quy chế hướng dẫn viên tại các điểm di sản”. (Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT& DL Quảng Nam)

Tác giả bài viết: NAM KHA

Nguồn tin: www.zing.vn