Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Ðộc đáo xích lô phố Hội

Nghiệp đoàn xích-lô văn hóa Hội An (Nghiệp đoàn) được thành lập năm 2000, là một tổ chức tập hợp người lái xích-lô do Liên đoàn Lao động phối hợp Phòng quản lý đô thị TP Hội An (Quảng Nam) quản lý.

Hiện nay, Nghiệp đoàn có 102 người lái, chia thành bốn tổ, thường xuyên có mặt ở bốn bến du lịch để phục vụ du khách tham quan. Mỗi lần có dịp về Hội An, tôi đều ghé thăm những người lái xích-lô để được nghe họ kể chuyện. Ẩn sâu trong công việc hằng ngày, họ là những người góp phần giữ hồn văn hóa cho phố cổ và cũng là người đồng hành, làm cầu nối cho du khách khi đến Hội An.

Những người góp phần giữ gìn văn hóa Hội An

Ở Nghiệp đoàn xích-lô văn hóa Hội An có hai 'lão làng' trong nghề đạp xích-lô. Ðó là ông Nguyễn Thiệt và ông Bùi Văn Thành. Hai ông năm nay đều hơn 70 tuổi và đã có hơn nửa cuộc đời gắn bó với xích lô. Ông Thiệt tâm sự, hơn 40 năm qua ông đã đi mòn những con đường trong lòng phố Hội. Ở tuổi 'thất thập cổ lai hy' rồi nhưng ông Thiệt vẫn tinh anh và đều đặn mỗi sáng lại rong ruổi trên từng con phố đã thân quen như chính lòng bàn tay. Ông là người có nhiều vốn văn hóa về phố cổ Hội An, là một kho tư liệu sống cho những ai thích tìm hiểu và muốn biết về lịch sử Hội An. Bằng sức lao động gần cả cuộc đời trên chiếc xích-lô, ông nuôi chín người con khôn lớn, trưởng thành và dựng vợ gả chồng cho gần hết. Niềm vui và hạnh phúc nhất của ông Thiệt bây giờ là hằng ngày lại được gặp gỡ, trò chuyện với anh em trong Nghiệp đoàn, cùng sẻ chia những khó khăn vất vả của nghề, góp chút sức mình xây dựng thành phố du lịch Hội An ngày càng thịnh vượng. Bây giờ tuổi đã cao, nhưng vì nhớ nghề, yêu nghề, mến khách nên cứ thế đi làm. 

Từ khi thành phố Hội An thực hiện chủ trương phố cổ không có tiếng động cơ xe máy vào những thời gian nhất định, xích-lô đã trở thành phương tiện chủ yếu để đón đưa du khách tham quan. Ðặc biệt vào các dịp Hội An tổ chức lễ hội lớn, lực lượng xích-lô Nghiệp đoàn đã cùng tham gia vào nhiều hoạt động một cách bài bản, chuyên nghiệp. Về Hội An, đi trên những con phố bình yên, hình ảnh những chiếc xích-lô đỗ ngăn nắp ở các bến du lịch hay thoáng thấy những tấm lưng đẫm mồ hôi mà vẫn luôn vui cười của những người lái xích-lô, đó là nét đẹp rất riêng và hình ảnh khó quên trong tôi. Cùng tham quan Hội An bằng xích-lô với tài Thành và một số anh em khác trong Nghiệp đoàn, tôi hiểu thêm được tình yêu và sự gắn bó của người dân Hội An trong việc cùng giữ gìn những giá trị văn hóa nơi đây. Trong nhóm sinh viên Trường đại học Kiến trúc Hà Nội đi thực tế ở Hội An mà tôi đã gặp, có rất nhiều bạn đã chọn xích-lô trong hết chuyến hành trình để vừa có thời gian tìm hiểu kiến trúc đô thị Hội An vừa có thời gian thưởng thức những món ăn đặc sản xứ Quảng. Sinh viên Phan Hoàng Hải hào hứng: 'Ði xích-lô ở Hội An rất thú vị. Các bác lái xe như những cuốn tư liệu sống vậy, chúng em hỏi gì các bác cũng hướng dẫn rất tận tình, chu đáo'. Không riêng gì Hải, mà nhiều du khách khi rời Hội An đều giữ lại ấn tượng đẹp về những người lái xích-lô phố Hội như thế.

Từng bước khẳng định thương hiệu

Ðối với mỗi người dân ở phố cổ Hội An, hình ảnh chiếc xích-lô từ lâu đã trở nên thân quen và gần gũi. Xích-lô gắn với đời sống thường nhật của người dân, là phương tiện mưu sinh chủ yếu của rất nhiều gia đình nơi đây.  Nghề xích-lô du lịch ở Hội An bắt đầu phát triển mạnh từ năm 1999, khi phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn  hóa thế giới. Từ đó, đời sống của người dân nơi đây cũng dần ổn định, Hội An được du khách trong và ngoài nước biết đến như một điểm đến hấp dẫn với quần thể di tích sống. Hơn mười năm qua, Nghiệp đoàn đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn một trăm lao động, đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch của Hội An, góp phần làm đẹp thêm cho phố cổ. Người lái xích-lô tự nâng cao trình độ văn hóa, ngoại ngữ để phục vụ du khách. Trao đổi với chúng tôi về những hoạt động của Nghiệp đoàn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Phan Phước Tùng cho biết: Tự hào là người dân Hội An, anh em trong Nghiệp đoàn luôn động viên, chia sẻ, giúp nhau vượt qua nhiều trở ngại khó khăn để cùng làm tốt công việc của mình. Nâng cao tính tự giác, tinh thần, trách nhiệm tập thể, ứng xử có văn hóa và hoạt động đúng với các nội quy, quy chế đã đề ra. Chúng tôi đang phấn đấu để xây dựng Nghiệp đoàn trở thành thương hiệu xích lô văn hóa nổi tiếng không chỉ ở Hội An mà sẽ được nhiều bạn bè trong và ngoài nước biết đến.

Nghiệp đoàn được thành lập trên cơ sở Ðội xích-lô Hội An với 50 người lái, đến nay đã quy tụ được 102 người với 102 chiếc xe xích-lô có gắn biển số xe. Lý giải về việc gắn biển số xe xích-lô, ông Tùng chia sẻ thêm: 'Việc gắn biển số xe vừa dễ quản lý anh em làm việc theo phiên, vừa tạo điều kiện cho du khách khi đi theo tua, tránh tình trạng khách thất lạc đồ đạc. Hoạt động của các người lái ở đây được chia thành bốn tổ, đỗ xe ở bốn bến, từ 6 giờ sáng đến 17 giờ, buổi tối thường đến 22 giờ. Mỗi tổ cử một người trực tiếp quản lý, điều hành các thành viên trong tổ. Với các quy chế hoạt động rõ ràng, trách nhiệm cụ thể như người lái phải mặc đồng phục khi hành nghề, làm việc theo phiên, theo chuyến, không tranh giành, chèo kéo khách, không được sử dụng các chất kích thích như rượu, bia khi hành nghề... Nếu vi phạm sẽ bị phạt 'treo phiên' không cho hoạt động từ 3 đến 10 ngày. Nhưng điều đáng nói là nhiều năm qua anh em trong Nghiệp đoàn rất ít trường hợp vi phạm nội quy. Họ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách khi đến Hội An. Họ đã trở thành những hướng dẫn viên du lịch tận tình, am hiểu các di tích ở Hội An để có thể hướng dẫn du khách trước khi đưa họ đến điểm tham quan. Hầu hết người lái xích-lô đều sử dụng thông thạo ngoại ngữ giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh, Pháp. Ngoài công việc chính là đạp xích-lô, họ còn là lực lượng xung kích  làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong phố cổ, tham gia bắt trộm, bắt cướp. Ðó là cách xây dựng Nghiệp đoàn phát triển ngày càng bền vững, góp phần quảng bá, giới thiệu về truyền thống và các giá trị văn hóa của vùng đất, con người Hội An.

Xây dựng thương hiệu cho Nghiệp đoàn cũng là việc hình thành ý thức văn hóa và cách ứng xử với di sản văn hóa của từng cá nhân trong Nghiệp đoàn. Với họ, Nghiệp đoàn là ngôi nhà chung mà họ dốc lòng xây dựng và hoạt động. Hiện thu nhập bình quân hằng tháng của các người lái hơn ba triệu đồng. Dù cuộc sống còn bộn bề nhiều khó khăn, nhưng hằng tháng,  anh em trong Nghiệp đoàn vẫn thường xuyên, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp xây dựng quỹ khuyến học, mỗi tháng ủng hộ năm mươi nghìn đồng. Số quỹ này hằng năm dùng để khen thưởng con em học giỏi, trợ giúp con em thương binh, bệnh binh trong Nghiệp đoàn, thăm hỏi lúc ốm đau, hiếu hỉ. Nhờ vậy, đã tạo được mối thân tình, nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần. Hội An đã và đang trở thành một thành phố du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy những giá trị của các di sản. Xây dựng văn hóa Hội An là xây dựng thói quen văn hóa cho mỗi người dân sống trong phố Cổ. Trong một lần trò chuyện với Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự, ông cho biết: 'Xích-lô văn hóa Hội An đang từng bước khẳng định thương hiệu trong ngành du lịch, để lại dấu ấn tốt đẹp đối với du khách. Anh em trong Nghiệp đoàn cùng nhau gìn giữ và góp phần quảng bá những nét đặc trưng của văn hóa Hội An, văn hóa xứ Quảng đến với bạn bè gần xa'.

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ ANH ÐÀO