Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Giếng cổ Bá Lễ

Giếng cổ Bá Lễ quanh năm nước trong xanh, ngon ngọt, không bao giờ cạn, là “gia bảo” của người dân Hội An và là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đã từ lâu lắm rồi, có những người dân Hội An sống đời với nghề gánh nước giếng cổ.

 

 

 

“Bí mật” quanh giếng cổ
Bên cạnh một số loại hình di tích như nhà cổ, đình, chùa, cầu, lăng, miếu, mộ… giếng cổ là một phần không thể thiếu của di sản văn hóa vật thể Hội An, góp phần tạo nên những nét đặc trưng riêng cho phố cổ.

Hầu hết các giếng cổ ở Hội An phân bố ở bờ bắc sông Đế Võng (thuộc thôn 5, thôn 6 xã Cẩm Thanh và khối 4, phường Thanh Hà). Vị trí các giếng này thông thường cách sông 50 – 150 m, nhiều giếng cách sông chỉ 5 -10 m.

Nếu như ở vùng ven, giếng nằm trong các nhà dân và phổ biến giếng hình tròn thì tại khu phố cổ xuất hiện nhiều giếng hình vuông hoặc trên tròn dưới vuông. Chúng nằm trong các di tích tín ngưỡng như: Hội quán nhà thờ tộc, đình, miếu của người Hoa Minh Hương, Hoa Ngũ Bang.

Theo thống kê của TTBTDT Hội An, ở đây tồn tại 3 kiểu giếng cơ bản: Hình tròn (63%), hình vuông (17%), trên tròn dưới vuông (15%), số ít còn lại là các hình dạng khác.

Những giếng cổ ở Hội An có niên đại xây dựng không đồng nhất, hình thành ở nhiều thời điểm khác nhau. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, kiểu giếng vuông và trên tròn dưới vuông là giếng người Chăm, được xây dựng từ trước thế kỷ XV. Khi người Việt đến cư trú tiếp tục sử dụng nhằm phục vụ nhu cầu của mình. Số khác thì người Hoa và người Việt kế thừa kỹ thuật của người Chăm mà xây nên.

Tuy có nhiều kiểu dáng khác nhau, nhưng tất cả các giếng có chung đặc điểm trong xây dựng đó là có khung gỗ hình vuông (gỗ lim) ở dưới thành gạch, luôn ngập trong nước. Khung gỗ này giữ vai trò quan trọng đảm bảo tuổi thọ của giếng, giữ cho thành giếng ổn định lâu dài không bị sụt lún (vì thổ nhưỡng ở đây chủ yếu là đất cát). Thành giếng là những viên gạch được xếp chồng lên nhau, không có vữa kết dính tạo ra những khe hở cho nước trong lòng đất chảy vào giếng để duy trì mực nước của giếng luôn cao. Đặc biệt, trên các giếng này đều có các bàn thờ để thờ tự.

Ông Nguyễn Chí Trung, giám đốc TTBTDT Hội An cho rằng: “Đây là một yếu tố tâm linh của cư dân phố cổ. Họ quan niệm rằng mỗi chiếc giếng có một vị thần bảo hộ nên nguồn nước mới được trong mát quanh năm”.

Phu nước giếng cổ
Nước giếng cổ trong mát là “đặc sản” của phố cổ Hội An. Không những vậy, có thể coi nước giếng cổ là “đặc sản tạo nên những đặc sản”. Tuy nằm gần sông nước mặn như vậy, nhưng nguồn nước giếng cổ luôn mát ngọt tự nhiên, mực nước luôn cao và ổn định kể cả những ngày nắng hạn.

Bà Nguyễn Thị Sương (77 tuổi), sống cạnh giếng cổ Bá Lễ cho biết: Thời còn chiến tranh chống Pháp và Mỹ, những anh lính Tây khi đặt chân đến Hội An chỉ sử dụng nước giếng cổ để sinh hoạt. Họ thuê người dân chở nước về dùng. Nghề chở nước giếng thuê có lẽ bắt nguồn từ đó.

Có một điều thú vị là tất cả những đặc sản của phố cổ như Cao Lầu, Mỳ Quảng… đến những món ăn, đồ uống dân giã như cơm, cháo, cà phê, chè… đều sử dụng nước giếng cổ này để chế biến.

Du khách thăm Giếng trong lúc người dân đang lấy nước

Du khách thăm Giếng trong lúc người dân đang lấy nước


Anh Trần Trung Mẹo (47 tuổi, ở tổ 17, thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà, Hội An), người chở nước giếng thuê đã hơn 10 năm nay, cho biết: Trước đây anh làm bảo vệ cho khách sạn, sau thấy nghề chở nước giếng thuê ổn định, thu nhập khá nên chuyển qua làm từ đó đến nay.

 

Hằng ngày, anh đi làm từ lúc 5-6 giờ sáng, tối 7 giờ mới về nhà. Trung bình mỗi ngày anh chở 60-70 thùng (20 lít/thùng), tùy theo khoảng cách xa gần mà mỗi thùng tiền công người thuê trả cho anh từ 2 – 5 ngàn đồng. Tính ra, trừ chi phí xăng xe, mỗi ngày anh thu nhập không dưới 150.000 đồng.

Khách hàng của anh là chủ các nhà hàng, khách sạn và rất nhiều người dân. Đặc biệt những ngày nắng nóng hay nước máy bị nhiễm mặn thì anh “chạy sô” không xuể.

Không riêng gì gia đình anh Mẹo, giếng Bá Lễ và một số giếng cổ khác ở Hội An cũng là nguồn sống của hàng trăm hộ dân gánh nước thuê khác. Bà Dương Thị Thương (trú ở tổ 4, phường Cẩm Phổ) có 20 làm nghề gánh nước thuê, đến nay gia đình cũng khấm khá cũng nhờ vào nghề gánh nước này. Bà Thương kể, một số du khách thường xuyên đặt chân đến Hội An rất “sành” thưởng thức các món ăn được chế biến bằng nước giếng cổ. Do đó, có một số nhà hàng, khách sạn dùng nước máy đánh lừa du khách là nước giếng cổ liền bị họ phát hiện bỏ đi luôn.

Tuy có nhiều giếng cổ như vậy nhưng số phận của những chiếc giếng quý này không giống nhau. Hiện tại, có những cái đã bị hoang hóa, rêu phong. Giếng còn sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong số đó, giếng Xóm Cấm ở Cù Lao Chàm đã được xếp là di tích lịch sử quốc gia. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất có lẽ là giếng cổ Bá Lễ (ở phường Minh An, TP Hội An).

Anh Mẹo cho biết, hiện tại chỉ còn 6 người thường xuyên chở nước giếng cổ và chỉ chở nước ở giếng Bá Lễ.

Trong đó, có gia đình đã truyền nghề 3 đời như gia đình ông Nguyễn Đường và bà Nguyễn Thị Mỹ, đã ngoài 70 tuổi (ở phường Minh An). Trước đây cả 2 vợ chồng ghánh thuê, giờ bà vợ yếu nên 2 cha con ông 2 đôi quang gánh hằng ngày vẫn trung thành với nghề.