Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Người đưa đèn lồng Hội An xuất ngoại

“Cách đây khoảng 12 năm về trước, khi phố cổ Hội An chưa được công nhận là di sản văn hóa thế giới, lúc đó, những chiếc đèn lồng sản xuất ra tại Hội An chỉ để phục vụ nhu cầu trang trí gia đình, ngày Tết, lễ, hội hè,..”, ông Trần Hà (phường Cẩm Châu, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), chủ cơ sở sản xuất đèn lồng nổi tiếng ở thành phố Hội An chia sẻ.
Cầm trên tay một mẫu đèn lồng mới chuẩn bị xuất khẩu sang nước Đức, ông Trần Hà bắt đầu câu chuyện về những đèn lồng Hội An xuất khẩu sang châu Âu, cũng như cơ duyên đến với những chiếc đèn lồng của mình.

Vực dậy một nghề truyền thống

Khi khu phố cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999 và được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, lúc đó nghề sản xuất đèn lồng truyền thống ở Hội An cũng hồi sinh theo sự phát triển của ngành du lịch. Những chiếc đèn lồng được làm từ chất liệu truyền thống (tre, gỗ, vải lụa...) lại được nhiều du khách nước ngoài quan tâm.

Nhận thấy cơ hội để vực dây ngành nghề truyền thống của cha ông để lại, ông Hà đã quyết tâm vay mượn tiền của, kêu gọi nhân công lành nghề để thành lập cơ sở sản xuất đèn lòng thương mại có tên Hà Linh. “Cở sở sản xuất đèn lồng của gia đình tôi cũng thành lập ngay từ thời gian này, với quy mô khoảng 40 nhân công ở địa phương, trong số đó có không ít thợ được xem là nghệ nhân sản xuất đèn lồng ở phố cổ này”, ông Hà cho biết.

Lúc mới thành lập, cơ sở chỉ sản xuất ra 5-6 loại sản phẩm đèn lồng truyền thống được làm từ tre, đèn gỗ, vải lụa, đến nay các loại đèn lồng đã đa dạng hơn về mẫu mã, kích thước, với vài chục chủng loại như hình tròn, bát giác, lục giác, trái bí, củ tỏi, đèn kéo quân, hình rồng, hình con vật, hình Chùa Cầu…

Bình quân mỗi năm, cơ sở Hà Linh cho xuất xưởng từ 20.000- 30.000 chiếc đèn lồng. Riêng năm 2011 cơ sở này đã sản xuất được 60.000 chiếc đèn lồng với đủ loại kích cỡ lớn, nhỏ khác nhau, cho doanh thu hàng tỷ đồng. Nhờ vậy, hơn 40 lao động làm việc tại xưởng có thu nhập ổn định vài triệu đồng/người/tháng.

Khoảng 4 năm trở lại đây, khi thành phố Hội An tổ chức Hội thi đèn lồng Hội An nhằm tôn vinh nghề truyền thống và phát huy sức sáng tạo của nghệ nhân, nghệ sỹ. Ông Hà đã 3 lần tham gia hội thi này với những chiếc đèn lòng do mình tự thiết kế, trong đó 2 lần đoạt giải nhất cuộc thi với những chiếc đèn lồng Cầu lộc đầu năm và Mắt miu mừng xuân.

Phát triển thương hiệu đèn lồng Hội An

Toàn thành phố Hội An hiện nay có hàng chục cở sở sản xuất đèn lồng, nhưng cở sở của ông Hà thuộc loại lớn và có tiếng nhất vùng.

“Điều quan trọng nhất để đèn lồng của mình có chỗ đứng trên thị trường là phải chú trọng chất lượng, thứ hai là giá cả phải chăng, và quan trọng không kém là luôn cải tiến mẫu mã, không nên dừng lại ở một vài mẫu truyền thống”, ông Hà chia sẻ bí quyết tạo dựng thương hiệu của mình.

Nhờ vậy, đèn lồng của ông không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn chinh phục thị trường khó tính ở nhiều nước trên thế giới. “Khoảng năm 2005, tôi đã ký được một hợp đồng xuất khẩu lớn, với 80.000 nghìn chiếc đèn lồng, trị giá hơn 500 triệu đồng. Lúc đó 2 vợ chồng phải thuê thêm lao động nhàn rỗi khác, tổng cộng hơn 70 nhân công sản xuất ngày đêm mới kịp”, chủ cơ sở sản xuất lồng đèn lớn nhất Hội An nhớ lại.

Kể từ đó đến nay, cơ sở của ông Trần Hà đã được bạn hàng nước ngoài đặt niềm tin, có hợp đồng ổn định hàng năm. Riêng năm 2011 này cở sở của ông Hà đã ký được 7 hợp đồng với đối tác nước ngoài để sản xuất hơn 20.000 chiếc đèn lồng trị giá trên 830 triệu đồng. Hiện ông Hà có bạn hàng truyền thống ở các nước như Đức, Thụy Điển, Australia, Malaysia…

Mặc dù sản xuất với số lượng lớn hằng năm, song ông Hà luôn bảo ban các thợ sản xuất đèn lồng phải biết trân trọng những giá trị văn hóa đích thực của nó, góp phần tạo dựng nên thương hiệu đèn lồng Hội An trên thị trường các nước.

Không dừng lại ở đó, ông Hà luôn là người đi đầu, đại diện cho thành phố Hội An đưa sản phẩm đèn lồng phố cổ tham các triển lãm, hội chợ, festival… trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá về một sản phẩm, một ngành nghề truyền thống ở phố cổ Hội An đến với bạn bè khắp năm châu.

Tác giả bài viết: Thế Phong – Quang Vinh

Nguồn tin: baotintuc.vn