Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://hoianworldheritage.org.vn


Hội An: Đã đến lúc cần một “kiến trúc sư trưởng”

Vốn là đô thị thương mại - mậu dịch hình thành từ cuối thế kỷ XVI, Hội An từng là cảng thị quốc tế phồn thịnh bậc nhất của xứ Đàng Trong. Trải bao biến thiên lịch sử, Hội An nay đã là thành phố có hơn 8,6 vạn dân, diện tích khoảng 61km2 và nằm trong số các đô thị đặc thù của Việt Nam.

 

Khu đô thị mới ở bờ nam sông Hoài

 


Điều đặc biệt, ở Hội An vẫn tồn tại nguyên vẹn một khu phố cổ là di sản văn hóa thế giới và một khu dự trữ sinh quyển thế giới, đang trở thành trung tâm du lịch của tỉnh Quảng Nam cũng như khu vực miền Trung.

Mở rộng không gian

Xác định yêu cầu phát triển thành phố theo hướng vừa giữ gìn cẩn trọng khu phố cổ vừa mở rộng liên hoàn các khu đô thị mới, đảm bảo phát huy bản sắc riêng và yếu tố hiện đại, bền vững, nhiều năm qua chính quyền Hội An đã tăng cường công tác quản lý từ khâu qui hoạch, ban hành qui chế, tổ chức quản lý, vận động nhân dân thực hiện để giải quyết các vấn đề bức xúc về đô thị. 

Qua đó đã đem lại những kết quả đáng phấn khởi về quản lý và phát triển đô thị, được UNESCO Châu Á – Thái Bình Dương trao các giải thưởng kiệt xuất về công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; nhận thức và thái độ chấp hành pháp luật của nhân dân về quản lý đất đai, xây dựng được nâng lên đáng kể; trật tự kỷ cương đô thị được thiết lập và dần dần đi vào nền nếp... 

Năm 2006, Hội An được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại 3. Đầu năm 2008, Chính phủ ra nghị định nâng Hội An thành thành phố trực thuộc tỉnh. 

Chủ tịch UBND TP.Hội An Lê Văn Giảng cho biết, thực tiễn những năm qua cho thấy vai trò, hiệu quả quản lý của nhà nước cùng trình độ, nhận thức và thái độ tuân thủ pháp luật của nhân dân trong công tác xây dựng, kiến trúc là những yếu tố mang tính quyết định đối với sự phát triển đô thị của Hội An. Hiện nay, không gian thành phố đã được mở rộng so với trước, từ chỗ chỉ có 10 xã phường đến nay đã tăng lên 13 đơn vị gồm 9 phường và 4 xã với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội được quan tâm đầu tư; diện mạo đô thị, nông thôn và hải đảo ngày càng khởi sắc. 

Bờ kè hoa viên ven sông Sơn Phong - Cẩm Châu, "điểm nhấn" xanh, đẹp hiếm hoi mới được xây dựng

Có 5 tiểu vùng được xác định, gồm khu đô thị trung tâm, vùng phụ cận, khu vực đô thị bờ biển - ven sông Cẩm An - Cửa Đại, khu làng quê Cẩm Thanh -Cẩm Kim và vùng biển đảo Cù Lao Chàm. Các tiểu vùng này đã gắn kết, tương tác với nhau, tạo động lực để thành phố phát triển đồng đều và ổn định. 

Các khu dân cư cũ ở Sơn Phong, Cẩm Phô, khu đô thị mới ở Minh An, Tân An, Cẩm Châu... cũng được đầu tư chỉnh trang; các làng nghề truyền thống, vùng quê sinh thái, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng đã được tôn tạo, khoanh vùng quản lý, bảo vệ nghiêm. 

Qui mô, cấu trúc không gian và mỹ quan đô thị nhờ vậy được giữ gìn, tôn tạo và phát triển, góp phần tích cực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố, cải thiện chất lượng cuộc sống nhân dân. Diện tích nhà ở bình quân gần 8m2/người (năm 1999) nay đã tăng lên hơn gần 19m2/người. Các công trình kiến trúc, nhất là các công trình tưởng niệm, trường học, bệnh viện, khách sạn... từng bước được cải tạo, xây mới khang trang với kiểu thức kiến trúc phong phú, đa dạng nhưng cơ bản vẫn giữ được sắc thái riêng. 

Cảnh quan chưa đẹp

Tuy vậy, theo ý kiến của một số chuyên gia trên lĩnh vực kiến thiết thị chính thì cảnh quan không gian đô thị Hội An nhìn chung vẫn chưa đẹp, chưa xứng tầm một đô thị có di sản văn hóa thế giới. 

Những khiếm khuyết dễ nhận thấy là: tổng thể các khu đô thị ngoài phố cổ vẫn chưa đạt độ thẩm mỹ cần thiết, giá trị một số tuyến phố, khu dân cư bị giảm sút do mật độ xây dựng công trình vượt mức cho phép. Dưới góc độ quản lý ngành, kiến trúc sư Trần Chương – Trưởng Phòng quản lý đô thị thành phố, cho biết: “Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, hệ cây xanh còn thấp, mới ở mức hơn 5m2/người và chưa tạo được nét đặc trưng cũng là vấn đề cần được quan tâm. 

Vườn tượng An Hội – một trong số ít công trình mỹ thuật tạo dấu ấn ở Hội An
 
Bên cạnh đó cũng cần “để mắt” đến kiến trúc cảnh quan, công viên, quảng trường, hồ điều tiết đô thị, hệ thống chiếu sáng. Và thực sự đến nay, thành phố vẫn còn thiếu những công trình kiến trúc tạo dấu ấn, những công viên, tượng đài mỹ thuật... tương xứng với tầm vóc của một đô thị văn hóa”.

Xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch và trở thành đô thị loại 2 đang là mục tiêu hướng tới của Hội An. Tuy nhiên, trong bối cảnh dân số gia tăng, du lịch phát triển mạnh mẽ cùng với nhu cầu hoạt động đô thị ngày càng mở rộng, thì nhiệm vụ phát triển đô thị theo hướng bền vững là thách thức lớn đối với chính quyền và nhân dân thành phố.

Có lẽ, đã đến lúc cần một “kiến trúc sư trưởng” cho “tổng công trình” xây dựng, kiến trúc và phát triển đô thị Hội An trong tương lai.

Nguồn tin: www.baovanhoa.vn