//

Hội An và Nhật Bản- Nhìn lại một chặng đường hợp tác

Thứ hai - 15/08/2022 00:29

Cuối thế kỉ XVI đầu thế kỉ XVII, Hội An trở thành thương cảng lớn bậc nhất xứ Đàng Trong Việt Nam. Hội An trở thành nơi hội tụ và giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và các vùng miền khác trên thế giới. Thương gia các nước đến đây buôn bán sầm uất, người Châu Âu như Hà Lan, Anh, Pháp…đến các nước Châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên…

Trong đó, thương  gia Nhật Bản đã được các chúa Nguyễn cảm mến và ưu ái cho giữ nhiều vị trí quan trọng trong thị trường buôn bán tại Thương cảng Hội An. Họ được lập phố riêng, xây dựng các cơ sở thương mại, được cử Thị Trưởng riêng và được sống theo phong tục tập quán của mình. Họ dần trở thành các yếu nhân quan trọng tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội và đặc biệt là trong kinh tế - thương mại ở Đô Thị - Thương cảng Hội An, thậm chí có khi còn tham gia vào cả lĩnh vực chính trị…
 z3618331542824 3c574945730debda0e14b9b183753c2a
Đầu thế kỷ 17, phố Nhật ở Hội An đã có trên 1.000 người. Từ 1633 đến năm 1668, đã có 5 đời Thị trưởng là người Nhật cai quản phố Nhật. Đến Hội An ngoài giới thương nhân được cấp phép còn có nhiều người là thủy thủ, người làm tạp vụ và cả những người chạy trốn do bị truy bức vì theo đạo Thiên Chúa.
 
Trong thời gian này, người Nhật nắm giữ vai trò chủ đạo tại cảng thị Hội An và có quan hệ hết sức gần gũi, mật thiết với các Chúa Nguyễn, đến nỗi các thương khách Châu Âu xem Hội An như là hải cảng của người Nhật. Trong 30 năm dưới thời Mạc Phủ (1604 - 1634), số thương thuyền Nhật Bản (Châu Ấn thuyền) được cấp giấy phép đến buôn bán tại 19 cảng của các nước Đông Nam Á. Trong đó, đến Hội An 86 chiếc trong tổng số 130 chiếc đến Việt Nam.
 
Rất tiếc kể từ khi Mạc Phủ Nhật Bản ban hành lệnh cấm vận  vào năm 1637, người Nhật ở Hội An thưa thớt dần, nhường lại vai trò làm chủ thị trường cho người Việt và Hoa.
 
Các sử gia đánh giá rất cao vai trò của người Nhật trong việc thúc đẩy sự hưng thịnh của Thương cảng Hội An suốt giai đoạn đầu thế kỷ 17, làm đà cho những trỗi dậy của Đô Thị Hội An trong các thế kỷ sau. Tuy chỉ xuất hiện vài chục năm nhưng người Nhật đã để lại trên đất Hội An dày đặc các dấu tích. Các nhà khảo cổ học tìm thấy rất nhiều hiện vật liên quan đến người Nhật vô cùng giá trị. Ngoài những kiểu thức kiến trúc nhà ở, tiền đồng, các vật dụng sinh hoạt gốm sứ Hizen, còn nhiều câu chuyện, huyền tích dân gian và các món ăn tương truyền có gốc gác từ người Nhật.
 
Chính trên bệ đỡ lịch sử đó, trong thời hiện đại hai nước Việt- Nhật tiếp tục giữ gìn và phát huy mối quan hệ được gắn bó từ lâu đời. Điển hình là sự kiện Những ngày giao lưu văn hóa Hội An- Nhật Bản hàng năm được tổ chức ở Hội An. Đó sẽ là minh chứng rực rỡ của một thời kì huy hoàng trong việc hợp tác giữa hai dân tộc.
 
Hoàng Hoa tổng hợp theo tài liệu TTQLBTDS Hội An

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn