Kết nối, định dạng bản sắc
Dẫn chứng từ Thành phố sáng tạo Hội An (Quảng Nam), Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh cho biết, nơi đây có nhiều cơ hội để củng cố vị thế như một đô thị sinh thái - nhân văn nổi bật, một đô thị giàu bản sắc, hiện đại, bền vững. Điều đó đến từ nguồn vốn văn hóa giàu có, đa dạng, độc đáo được kết tinh từ lịch sử của một thương cảng quốc tế sầm uất mấy trăm năm trong quá khứ, cùng với truyền thống bền bỉ của một cộng đồng cư dân thuần hậu, kiên cường, khiêm cung và năng động.
Thành phố Hội An hiện có gần 700 cơ sở, hơn 1.700 hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến lĩnh vực nghề thủ công và nghệ thuật dân gian. Lực lượng nòng cốt hơn 200 nghệ nhân, thợ thủ công giỏi, biên kịch, biên đạo, nhạc công, thiết kế, kỹ thuật âm thanh ánh sáng... đảm trách các hoạt động thường xuyên của thành phố và hỗ trợ các cộng đồng, trường học…
Có thể nhận thấy khả năng hội nhập và sáng tạo điển hình của cư dân Hội An qua sự độc đáo của quần thể kiến trúc đô thị cổ với sức hấp dẫn của một “bảo tàng sống” về kiến trúc, nơi cư trú, sinh hoạt, giao tiếp, lao động và lưu giữ các giá trị văn hóa. Trong những không gian sống bình dị như góc phố, vỉa hè, giếng nước, chùa miếu, hội quán, ngõ hẻm, vườn hoa... để lại dấu ấn về nếp sống, sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, tinh hoa của nhiều nghề thủ công mỹ nghệ của bao lớp cư dân. Các giá trị di sản văn hóa, tinh thần cố kết cộng đồng cùng với cấu trúc hình thái đô thị lồng ghép phố - làng, đan xen bên trong hệ thống cảnh quan sinh thái đa dạng chính là hạt nhân, nền tảng và môi trường cho sự sáng tạo và phát triển bền vững.
“Rõ ràng vốn văn hóa trên nền di sản của cộng đồng cư dân Hội An đã đóng góp vào những mục tiêu bền vững và tăng trưởng đa chiều như bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa, sự thịnh vượng về kinh tế và cố kết xã hội, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, qua đó củng cố, tiếp nối truyền thống sáng tạo đã có gốc rễ bền lâu trong lịch sử thành phố và tiếp tục thích ứng, nâng tầm, phù hợp với bối cảnh đương đại, dựa trên đổi mới sáng tạo và kết hợp, sử dụng hiệu quả vốn văn hóa cùng các nguồn tài nguyên khác của Hội An”, ông Nguyễn Văn Lanh nói.
Với Thừa Thiên Huế, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, con người Huế cũng đặc biệt được chú trọng. Nhiều giá trị lịch sử, văn hóa được bảo tồn, nâng tầm thành thương hiệu, thành sinh kế của người dân như Huế - Kinh đô ẩm thực, Huế - Kinh đô áo dài… Những giá trị văn hóa Huế, con người Huế trở thành nền tảng quan trọng để hướng tới đô thị di sản tương lai.
Hay Ninh Bình định dạng thương hiệu đô thị gắn với giá trị đặc trưng là không gian lịch sử, văn hóa kinh đô Hoa Lư, lấy đó làm lợi thế và động lực để thúc đẩy, nâng tầm thành đô thị di sản thiên niên kỷ tiêu biểu.
Không tách rời cộng đồng
Theo các chuyên gia, bằng cách bảo tồn và phát huy vốn văn hóa, chúng ta có thể xây dựng những đô thị không chỉ hiện đại mà còn giàu bản sắc và đáng sống. Hành trình bảo tồn, phát huy các giá trị ấy không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền mà còn là trách nhiệm của cộng đồng, mỗi người dân, đặc biệt là cộng đồng địa phương - những người hiểu rõ nhất về giá trị và ý nghĩa của các di sản văn hóa. Bởi vậy, khai thác vốn văn hóa cho phát triển đô thị di sản đòi hỏi huy động sự tham gia của đông đảo người dân từ mọi thành phần, lĩnh vực vào các quyết định liên quan đến bảo tồn và phát triển, các dự án, thực hành sáng tạo vì sinh kế và kết nối cộng đồng…
Bằng cách tham gia tích cực các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản, cộng đồng không những bảo vệ được di sản mà còn góp phần xây dựng một môi trường sống sinh động, bền vững, bồi đắp giá trị văn hóa. Tuy nhiên trên thực tế, mặc dù được xem là chủ thể của di sản văn hóa song do sự phát triển của du lịch và các yếu tố khác, nhiều cộng đồng bị gạt ra bên lề của quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Hơn nữa, việc phát huy vai trò của cộng đồng cũng nhận được nhiều tranh luận khi thuật ngữ cộng đồng còn mang tính mơ hồ, chung chung, không thể hiện sự thống nhất, không đại diện cho một chủ thể văn hóa nhất định…
Nhìn riêng lĩnh vực văn hóa phi vật thể, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cho rằng dù sao cộng đồng luôn có vai trò đặc biệt trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nhiều ví dụ cho thấy, các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được tổ chức thiếu sự tham gia của cộng đồng, không phù hợp với cộng đồng đều không thể tổ chức tiếp tục và không mang tính bền vững. Đó chính là lý do càng gần đây, người ta càng chú ý nhiều hơn đến vai trò của cộng đồng, văn hóa địa phương trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể để vừa tạo ra bản sắc độc đáo của văn hóa địa phương, vừa kích thích sự chủ động, tích cực của người dân trong việc tổ chức và tham gia hoạt động liên quan đến di sản. Xây dựng, phát triển một đô thị di sản, bởi vậy, càng phải đề cao vai trò của cộng đồng.
“Chúng ta phải cân bằng giữa bảo tồn và phát triển để giữ gìn được những ký ức của thành phố, để các thành phố có thương hiệu riêng, không bị lẫn với nhau. Để làm được như thế, trong bất kỳ chiến lược phát triển nào cũng phải tính toán đến lợi ích của các bên liên quan, nhất là cộng đồng - những người làm nên tâm hồn và tinh thần của đô thị”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nhận định.
daibieunhandan
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn