//

Đóng góp tích cực của Hội An

Thứ năm - 25/02/2016 08:07

Định hướng phát triển Hội An trong những năm đến, lãnh đạo thành phố xác định: tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa trong các cấp, các ngành và trong toàn xã hội về vai trò động lực của Khu phố cổ, phát huy tối ưu các giá trị của Khu phố cổ, xác định Khu phố cổ là nhân tố quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thực tế là suốt hơn hai thập kỷ qua, sản phẩm du lịch văn hóa Phố cổ Hội An là sản phẩm chủ lực, đặc trưng thu hút du lịch của Hội An. Các giá trị đặc sắc của sản phẩm đã phát huy hiệu quả thu hút đông đảo du khách. Hàng triệu triệu lượt khách đã biết tới và đến tham quan, du lịch. Thương hiệu du lịch Hội An cũng bắt nguồn từ sản phẩm này. Đặc biệt, kể từ khi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới (4/12/1999), du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định vai trò chủ đạo và thúc đẩy sự phát triển của thành phố. Tốc độ tăng trưởng nhanh, tính trong năm 2015 đã chiếm tỷ trọng gần 70% so với cơ cấu kinh tế hiện tại của thành phố. Trong đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản khu phố cổ luôn mang ý nghĩa quyết định, có tính sống còn đối với cộng đồng cư dân địa phương.Việc bán vé tham quan phố cổ được Hội An chính thức thực hiện từ tháng 10/1995 và chỉ trong năm đầu tiên đã bán được hơn 105 ngàn vé, thu gần 3 tỷ đồng. Đó không chỉ là con số rất ý nghĩa trong việc “lấy di tích nuôi di tích” vào thời điểm bấy giờ mà còn góp phần quản lý được nguồn thu, đồng thời kiểm soát được số lượng khách tham quan, hạn chế tiêu cực xảy ra tại điểm di tích. Từ đó đến nay đã có 8 triệu lượt khách mua vé tham quan phố cổ. Riêng năm 2015, số vé bán ra đạt gần 1 triệu 171 ngàn vé, doanh thu hơn 126 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách thành phố 80 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố cho biết: “Với định hướng xây dựng “Hội An – thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch”, những năm qua chính quyền và nhân dân thành phố đã chú trọng quan tâm đến vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của khu phố cổ để tạo nền tảng, đòn bẩy cho việc phát triển thành phố một cách toàn diện và bền vững thông qua việc xây dựng và thực hiện nhiều sản phẩm du lịch có giá trị”.

700 GIUPHO 1

Hội An là điển hình của nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản- Ảnh: Đỗ Huấn

Giá trị Di sản văn hóa thế giới – Khu phố cổ Hội An không chỉ là “vẻ đẹp kiến trúc không trùng lắp”, của những bờ hồi, mái ngói xô nghiêng, “con đường cong một cánh cung đầy”... mà còn có cả nếp sống “nhân tình thuần hậu”, là nếp ăn nếp ở , cái nghĩa cái tình của những chủ nhân trong lòng di sản. Việc duy trì phố đi bộ, phố không có tiếng động cơ chính là tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức hút rất lớn để du khách đến đông hơn, sản phẩm làm ra bán được giá trị cao hơn, nhân dân được hưởng lợi, kinh tế phát triển nâng cao đời sống chính mình.

Với những thành tựu đạt được, Hội An được UNESCO đánh giá là nơi có những đóng góp tích cực cho việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn di sản. Tiến sĩ Dương Bích Hạnh – đại diện UNESCO tại Hà Nội nói:“Hội An vừa đối mặt với hàng loạt những thách thức như nằm tại vùng hạ lưu sông Thu Bồn thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ và tác động của biến đổi khí hậu, các công trình kiến trúc chủ yếu bằng gỗ đã được xây dựng hàng trăm năm và là một quần thể kiến trúc đô thị gắn liền với cộng đồng dân cư vẫn đang tiếp tục sinh sống tại khu di sản lại trở thành một trong số những trường hợp điển hình thành công cho nỗ lực bảo tồn, trùng tu di sản tại Châu Á và phát huy giá trị của khu di sản gắn liền với du lịch văn hóa”.

700 GIUPHO 2

Hội An đóng góp tích cực cho việc phát triển du lịch gắn với giữ gìn di sản- Ảnh: Đỗ Huấn

Vì vậy làm cho mọi người dân hiểu rằng, mỗi hành động dù nhỏ mà tổn hại đến di sản đều không nên làm, mỗi hành động dù nhỏ mà phát huy được giá trị di sản cần phải được tôn vinh kịp thời. Các chủ cơ sở kinh doanh, người trực tiếp bán hàng cũng cần xác định rõ: với Hội An không phải kinh doanh làm giàu bằng mọi giá mà quan trọng hơn là uy tín, trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Cả cộng đồng nhân dân và du khách cùng có ý thức và trách nhiệm tham gia bảo vệ di tích và cảnh quan phố cổ, xây dựng đô thị văn minh, ứng xử văn hóa. Chính quyền các cấp cần tăng cường kiểm tra, đánh giá tác động của du lịch từ các tour tham quan, lượng khách và những hoạt động của du khách đến từng di tích cũng như cả khu phố để có hướng điều chỉnh kịp thời, thích hợp, có kế hoạch đầu tư cải thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch như điểm bán vé, hệ thống thông tin hướng dẫn khách tham quan, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, điểm dừng chân... để nâng cao chất lượng cạnh tranh trong bối cảnh đầy thách thức gay gắt.

Ông Trần Ánh – Phó Bí thư thường trực Thành ủy nhấn mạnh định hướng chiến lược trong những năm tiếp theo của Đảng bộ thành phố là lấy khu phố cổ làm trung tâm của khu vực đô thị. Khu vực này cần bảo tồn nghiêm ngặt và phát huy tối ưu các giá trị của khu phố cổ, xác định khu phố cổ là nhân tố quyết định sự phát triển KTXH thành phố.

Đỗ Huấn

Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn